Người truyền lửa cách mạng

Đôi mắt của vị đại tá chợt đượm buồn khi nhắc lại những trận đánh mà đồng đội ông hy sinh anh dũng. Và đôi mắt ấy rực sáng lạ kỳ khi nhắc lại lối đánh táo bạo, thông minh, đầy mưu trí của người chỉ huy biệt động thành năm xưa. 
Đó là Đại tá Võ Tấn Dũng, người chiến sĩ Tiểu đoàn Tây Đô năm nào, đã tham gia những trận đánh đi vào lịch sử.
Tiếp chuyện chúng tôi một ngày đầu tháng 4-2018, vị đại tá khẽ lấy quyển sách Tập ảnh Biệt động thành phố Cần Thơ (1954-1976) do ông và đồng đội cất công sưu tầm, hoàn thành vào cuối năm ngoái ra khoe. Tôi thật sự bị cuốn hút bởi lối trình bày khá hiện đại, khoa học của cuốn sách. Trong đó, trận phòng ngự 6 ngày đêm giữ căn cứ lõm Vườn Mận (ấp Lợi Dũ “A”, xã An Bình) của lực lượng vũ trang Cần Thơ (từ ngày 28-9 đến 3-10-1970) được minh họa bằng bản đồ sinh động gắn với số liệu. Đây cũng là trận đánh mà ông nhiều lần kể lại cho học sinh, sinh viên nghe về truyền thống cách mạng.
Một lần nghe ông kể về những trận đánh táo bạo, mưu trí của biệt động thành, có sinh viên hỏi: “Chú ơi, hồi ấy chú có sợ chết không?”.
- “Thế đặt cháu vào hoàn cảnh ấy, cháu có sợ chết không?”, ông hỏi ngược lại.
- “Dạ, cháu rất sợ chết ạ”, sinh viên trả lời chân thật.  
Vị đại tá cười hiền hòa, thổ lộ rằng hồi ấy ông cũng sợ chết, nhưng đã thấm thía câu nói của chỉ huy “Nhảy vào cái chết tìm lẽ sống” nên sẵn sàng hy sinh. Đó là niềm tin để người lính đối diện, vượt qua lửa đạn, tin tưởng đi đến ngày chiến thắng.
Người truyền lửa cách mạng ảnh 1 Đại tá Võ Tấn Dũng trong một buổi kể chuyện lịch sử
Có lần Đại tá Võ Tấn Dũng về nói chuyện với học sinh trường THPT ở Nông trường Sông Hậu. Cả hội trường im phăng phắc nghe ông kể và giảng giải từng chi tiết về chiến thuật: “Đi không dấu, nấu không khói, nói không tiếng, tắt lửa nấu ăn trước trời sáng”… Sau buổi nói chuyện, một giáo viên trong ban giám hiệu nhà trường đến cảm ơn ông và cho biết: Chưa bao giờ học sinh của trường trật tự, chăm chú lắng nghe về những câu chuyện lịch sử như thế.
Đã lần nhiều lần nói chuyện về truyền thống cách mạng với học sinh, sinh viên ở nhiều trường học nhưng sau mỗi lần nói chuyện, ông tự “kiểm nghiệm”, hoàn thiện thêm “giáo án” cho chính mình. Đại tá Võ Tấn Dũng đã viết xong 4 cuốn tài liệu tái hiện diễn biến 4 trận đánh lớn của Lực lượng vũ trang TP Cần Thơ trình chiếu trên Power Point làm tài liệu giáo dục truyền thống thế hệ trẻ. Vị đại tá lưu cẩn thận vào máy tính chi tiết cả ngày - tháng - năm về những trận đánh lịch sử. Từ năm 2013 đến 2018, vị đại tá đã có 55 buổi nói chuyện cho khoảng 10.000 người ở 30 xã phường, 10 trường (Đại học Y dược, Đại học Tây Đô, Khoa Khoa học xã hội -  nhân văn Trường Đại học Cần Thơ)… 
Nói chuyện lịch sử có máy trình chiếu trên màn hình hẳn là cách truyền đạt trực quan sinh động. Một lãnh đạo Trường Đại học Tây Đô thấy thú vị về thái độ của sinh viên khi trân trọng, lắng nghe lịch sử qua câu chuyện của Đại tá Võ Tấn Dũng. Học lịch sử như vậy vừa nắm bắt được các dấu mốc, chi tiết và dễ nhớ các sự kiện. Có thế mới không làm các em chán.  
Đã trải qua bao tháng năm hào hùng lịch sử, Đại tá Võ Tấn Dũng (sinh năm 1950, Trưởng phòng Dân quân tự vệ, Bộ Tham mưu Quân khu 9, hiện đang cư ngụ tại đường Phan Bội Châu, phường Tân An, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ) vẫn mang dấu tích của những trận đánh, đó là vết thương để lại trên cơ thể, được xếp thương binh hạng 3/4. Với 40 năm phục vụ trong quân đội, qua nhiều cương vị công tác, ông được Đảng, Nhà nước tặng nhiều phần thưởng cao quý.
Sau khi về hưu, từ năm 2009, được sự thống nhất của các cấp, ông cùng nhiều cựu chiến binh thành lập Ban liên lạc truyền thống cựu chiến binh Biệt động TP Cần Thơ. Ban liên lạc đã tổ chức nhiều hoạt động thiết thực để lưu giữ và kết nối truyền thống cách mạng, là cầu nối gắn kết anh, chị, em, thân nhân liệt sĩ để chia sẻ giúp đỡ nhau trong cuộc sống; động viên nhau sống tốt, gương mẫu chấp hành chủ trương đường lối của Đảng, chính sách pháp luật Nhà nước.

Tin cùng chuyên mục