Là một phóng viên báo chí trước khi rẽ hướng sang lĩnh vực sản xuất phim tài liệu, với nhiều người đó là bước ngoặt của đạo diễn Đặng Hồng Giang nhưng cá nhân anh lại cho rằng, cái khác ở đây, có chăng chỉ là phương cách thể hiện bởi tất cả đều có mục đích chung: phản ánh hiện thực xã hội.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang
1. Buổi ra mắt Lửa Thiện Nhân tại TPHCM người vui nhất không ai khác chính là đạo diễn Đặng Hồng Giang. Trong cuộc điện thoại trước đó chỉ vài giờ, giọng anh không giấu được sự hân hoan bởi sau khi được công chiếu tại Rạp Ngọc Khánh (Hà Nội) và rạp Tân Sơn Nhất (TPHCM), phim được hai hệ thống rạp lớn là BHD và Platinum nhận lời phát hành. Anh tâm niệm, khi bắt tay vào sản xuất bất kỳ dự án nào ai cũng muốn mang đứa con tinh thần của mình đến càng nhiều khán giả càng tốt. Riêng với Lửa Thiện Nhân: “Tôi thấy hài lòng nên mới dám đưa ra rạp chiếu đó chứ. Còn nếu có điều gì lấn cấn, chắc chắn tôi sẽ phải chỉnh sửa cho đến khi nào hoàn chỉnh mới thôi”.
Với anh, thành công của bộ phim không đến từ những lời ngợi ca mà đơn giản được khán giả “cùng xem, cùng vui và hiệu ứng sau đó mới là những giá trị đích thực”. Anh tin rằng, Lửa Thiện Nhân chỉ là một trong vô vàn những câu chuyện đẹp mà những người làm phim tài liệu như anh thấy mình có trách nhiệm kể nó cho mọi người, để nó được lan rộng hơn những điều tử tế cho xã hội. “Vâng, đúng là xung quanh Thiện Nhân và các nhân vật liên quan tôi nhận ra họ đã và đang làm nên một điều kỳ tích, một câu chuyện đẹp đầy ắp yêu thương. Họ làm tất cả những điều đó bằng tâm, bằng tình. Thành ra khi làm phim về họ tôi cũng bị cuốn theo những nỗi tâm tình như thế”.
2. Lửa Thiện Nhân được đạo diễn Đặng Hồng Giang ấp ủ khi anh còn đang theo học chuyên ngành Thạc sĩ Báo chí và truyền thông tại Đại học Griffith, Australia. “Ngay từ khi đọc được thông tin chị Mai Anh đón Thiện Nhân về nuôi, tôi tự hứa với chính mình khi học xong, về Việt Nam tôi sẽ thực bộ phim này đầu tiên. Cũng chẳng khó khăn gì mấy, vì với dòng phim tài liệu hiện thực này thì chính nhân vật và câu chuyện của họ đã có sẵn, đẹp sẵn rồi, mình chỉ ghi nhận và sắp xếp logic thôi”. Tuy nhiên, ban đầu trong suy nghĩ của mình, anh chỉ muốn làm một bộ phim “nho nhỏ” nhưng sau những cuộc trò chuyện với các nhân vật anh nghĩ rằng mình không thể làm nhỏ được nữa rồi bởi nếu vậy sẽ khó lòng truyền hết thông tin câu chuyện.
Lửa Thiện Nhân được bấm máy những thước phim đầu tiên vào tháng 10-2012. Cái khó không nằm ở quá trình thuyết phục bởi ngay khi đặt vấn đề với chị Mai Anh, đạo diễn đã nhận được cái gật đầu và sự tin tưởng. “Mai Anh có nói với tôi, cô ấy ghi lại những thước phim này với mục đích khi Thiện Nhân lớn cô ấy sẽ đưa lại cho con, để con tự khám phá về chính cuộc đời mình. Vì vậy, khi tôi ngỏ lời, cô ấy thậm chí còn hạnh phúc và nói tôi đã giúp cô làm công việc đó”. Anh kể, trong đống tư liệu gần 500Gb, mỗi lần tìm được hình ảnh, video tâm đắc là “sướng như bắt được vàng”. Anh lập tức bốc máy gọi điện cho Mai Anh để chia sẻ niềm sung sướng này.
Bắt đầu bằng thuận lợi đó, bài toán đầu tiên mà đạo diễn Đặng Hồng Giang phải làm là làm quen nhân vật, để họ thật sự thoải mái trước ống kính chứ không phải là diễn, từ đó bật lên cái tôi cá nhân. Thiện Nhân lúc đầu tỏ ra khó chịu nên càng cần thời gian tiếp cận, nô đùa để bé cảm thấy thật sự thân thuộc. Có vui, buồn cả sự kiên nhẫn và bực mình nhưng anh xác định cố gắng ít tác động đến nhân vật. Đó là lý do có những cảnh quay như khi bé đạp xe trong công viên dù lên hình chỉ lấy vẻn vẹn 2 phút nhưng quay mất đến 5 giờ đồng hồ. 50 phút dẫn chuyện của chị Mai Anh được cắt ra từ gần 500 phút ghi hình. Bộ phim, do đó được quay thành nhiều đợt, mỗi đợt kéo dài từ 1 tuần đến 10 ngày. Với đạo diễn Đặng Hồng Giang một điều tối quan trọng là quá trình quay phải bắt nhịp được động tác và lời nói của nhân vật bởi nếu không nhanh, mọi thứ sẽ trôi đi mất. Đây cũng là slogan mà khi thành lập công ty sản xuất phim riêng của mình vào năm 2011 anh đặt ra: Cảm xúc thật.
Nhưng, khâu khó khăn nhất trong quá trình làm Lửa Thiện Nhân nằm ở phần hậu kỳ. Đạo diễn Đặng Hồng Giang lý giải: “Khi dựng phim việc cắt gọt, sắp xếp câu chuyện quyết định đến chất lượng của bộ phim. Do đó, trong từng phân cảnh vừa phải chọn hình ảnh phù hợp vừa lọc ra phần trò chuyện tương ứng của các nhân vật, sau đó lồng ghép với nhau. Trong phim này, vì không đủ khả năng về tài chính nên phần âm nhạc, tôi phải làm ngược quy trình tức là phim chạy theo nhạc. Khi kết hợp ăn khớp giữa phim và nhạc, tôi thấy sướng lắm”.
3. Không thể tính toán chi tiết kinh phí thực hiện Lửa Thiện Nhân, đạo diễn Đặng Hồng Giang cho biết anh vừa làm phim vừa phải kiếm tiền nhưng luôn tâm niệm chưa bao giờ nhụt chí hay nản bởi lúc nào cũng quyết tâm phải đeo bám và không thể không đeo bám. “Vấn đề là bạn phải yêu nó, mê nó đã thì bạn sẽ quên hết những khó khăn, thậm chí vui sướng và hạnh phúc khi vượt qua những khó khăn đó. Tỷ như bây giờ, công chúng đang chia sẻ, yêu quý Lửa Thiện Nhân, tôi quên mọi khó khăn đã kinh qua”. Đó cũng là lý do, anh từng hạ quyết tâm học tiếng Anh một năm ở Singapore, lại học thêm 8 tháng ở Úc, trải qua 3 lần thi trượt để đủ điều kiện học Thạc sĩ tại Úc, trên con đường chinh phục thể loại phim tài liệu.
Xác định phim tài liệu “là cái nghiệp” của mình, đạo diễn Đặng Hồng Giang tự nhận: “Tôi nghĩ mình thuộc tuýp người tự tin thái quá khi nghĩ rằng đến một ngày nào đó khán giả Việt Nam sẽ yêu và đồng cảm với nó”. Điều này xuất phát từ một thực tế, trước khi thành lập công ty, anh có tiến hành một điều tra xã hội học, 76% trên tổng số 400 phiếu cho rằng, phim tài liệu là phim về lịch sử, chiến tranh. Với tâm thế, “hãy cứ làm tốt đi” bởi khi chứng minh được những tác động xã hội của bộ phim, lúc đó làm phim tài liệu không còn khó, anh tự tin: “Một ngày nào đó, biết đâu tôi lại làm các bạn phải giật mình”. Nhưng trước mắt, ước mong của anh trong thì tương lai gần là sẽ mang được Lửa Thiện Nhân đến với các chiến sĩ tại Trường Sa.
Đạo diễn Đặng Hồng Giang đã có 10 năm làm báo trước khi học về làm phim tại trường Đại học Griffith tại Australia. Năm 2007, anh theo học chuyên ngành thạc sĩ báo chí và truyền thông tại Đại học Griffith, Australia. Năm 2011, anh thành lập Hãng phim Oriental Pictures, sản xuất nhiều phim tài liệu với Đài truyền hình TPHCM. Năm 2013, tác phẩm Người đưa đò của anh đoạt Huy chương bạc Liên hoan truyền hình toàn quốc. |
VĂN TUẤN