Nỗ lực thiết lập hòa bình ở Syria đang lâm vào bế tắc khi mọi nỗ lực của LHQ và Liên đoàn Ảrập thông qua đặc phái viên chung Kofi Annan đang dần bị đẩy lùi bởi những vụ tấn công đẫm máu. Các phe phái ở Syria khó tìm được tiếng nói chung khi giữa họ không chỉ có mâu thuẫn nội bộ mà còn nghi ngờ có sự tiếp tay từ một lực lượng được nhắc đến khá nhiều trong chuỗi “Mùa xuân Ảrập” từ năm 2011 đến nay. Đó là Mỹ và các quốc gia phương Tây.
Trong khi các nhóm quan sát viên tiếp tục được cử đến Syria làm nhiệm vụ quan sát thỏa thuận ngừng bắn để hoàn thành kế hoạch cử 300 quan sát viên thì hàng loạt vụ nổ gây thương vong lớn đã xảy ra ở Damascus và Aleppo liên tiếp trong vài ngày qua. Đáng chú ý là vụ đánh bom khủng bố ngày 10-5 khiến 55 người chết, gần 200 người bị thương, con số lớn nhất trong 14 tháng bất ổn chính trị ở Syria. Đây không khác nào một lời thách thức đối với lực lượng quốc tế đang dốc sức vì nhiệm vụ cải thiện tình hình ở Syria. Không thể khác, chính quyền Syria đã lên tiếng cáo buộc Mỹ và các nước phương Tây thông đồng với các phần tử vũ trang có quan hệ với Al Qaeda, khiến tình hình ngày càng phức tạp.
Đây không phải lời chỉ trích đơn phương từ Syria mà chính Bộ Ngoại giao Nga ngày 13-5 cũng lên tiếng tố cáo các nhóm cực đoan vũ trang ở Syria phá rối kế hoạch hòa bình của ông Annan. Nga cũng cho biết, hiện Lebanon đang điều tra một con tàu chở đầy vũ khí, tình nghi cung cấp cho các đơn vị của phe đối lập Syria, bị bắt trong vùng lãnh hải Lebanon hồi tháng 4. Trong số đó có nhiều súng phóng lựu do Pháp sản xuất, tương tự như những gì phe nổi dậy ở Libya được trang bị. Nếu kết quả điều tra trùng hợp với những cáo buộc thì Mỹ và nhiều quốc gia phương Tây khác đang vi phạm nghiêm trọng trắng trợn các nghị quyết của Hội đồng Bảo an LHQ.
Không ai không biết chế độ của Tổng thống Syria Bashar al-Assad là cái gai trong mắt các nhà lãnh đạo Mỹ và các quốc gia phương Tây. Ở khu vực Trung Đông, Syria vừa là đồng minh quan trọng của Iran vừa là điểm tựa chiến lược của Nga. Trong quá khứ, các đời tổng thống Mỹ cũng luôn muốn lật đổ cha của ông Assad, cố tổng thống Hafez al-Assad, người lãnh đạo Syria trong 30 năm và là bức tường lửa chống Mỹ và Israel quyết liệt nhất tại Trung Đông. Vì thế, nếu Mỹ “tính chuyện” ở Syria thành công thì như một công đôi việc, Mỹ vừa bỏ được một hậu thuẫn cho Iran, vừa phá vỡ bức tường chống Israel, lại vừa xóa một căn cứ của Nga ở Trung Đông. Sử dụng phe nổi dậy ở Syria để lật đổ chính phủ của ông Assad là cơ hội có một không hai mà phương Tây không dễ bỏ qua: nó vừa có vẻ hợp pháp vì “được tiếng” bảo vệ lực lượng nổi dậy, vừa đỡ tốn hao nhân lực và tiền bạc như cuộc chiến tranh quy ước ở Afghanistan và Iraq.
Kịch bản Libya dường như đang được áp dụng tại Syria. Một mặt phương Tây kêu gọi ngừng bắn, mặt khác cung cấp hậu thuẫn cho phe nổi dậy. Cách đây vài ngày, Phó Tổng thống Mỹ Jose Biden đã nói bóng gió rằng: Thời hạn cho các cuộc đàm phán về Syria sắp kết thúc. Còn Tổng thống Mỹ Barack Obama thì không che giấu mục đích của Mỹ: Ông Assad phải ra đi. Việc bảo vệ nhân quyền lại một lần nữa là bức bình phong cho hành động can thiệp thô bạo tình hình nội bộ các nước khác.
Như Quỳnh