Nguồn lực để phát triển đất nước

Theo thống kê của Ủy ban Nhà nước về người Việt Nam ở nước ngoài , hiện có gần 4 triệu người Việt Nam đang sinh sống, lao động và học tập tại 101 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới. So với các địa phương khác trên cả nước, TPHCM là nơi có lượng kiều bào lớn nhất với hơn 2 triệu người, chiếm trên 50%. Đặc điểm của kiều bào có mối liên hệ với TPHCM đa số đều định cư tại các nước công nghiệp phát triển, tập trung đông nhất ở Mỹ, Canada, Pháp, Đức, Anh, Bỉ, Thụy Sĩ, Úc…

Về đầu tư, hiện có khoảng 3.000 dự án của kiều bào đầu tư về nước với tổng vốn gần 2 tỷ USD. Kiều hối những năm gần đây do bà con gửi về tăng trung bình 10%-15%. Mặc dù bị ảnh hưởng của khủng hoảng kinh tế toàn cầu nhưng số lượng kiều hối năm 2009 ước đạt hơn 6,8 tỷ USD.

Nếu như những năm trước, kiều bào về nước làm việc chủ yếu là người lớn tuổi, sắp hoặc đã nghỉ hưu thì những năm gần đây, số lượng kiều bào trẻ, kiều bào thế hệ thứ 2, thứ 3 trở về nước ngày càng nhiều hơn.

Đây là lực lượng được sinh ra, lớn lên ở nước ngoài, được hấp thụ nền giáo dục tiên tiến và được đào tạo bài bản, là vốn quý cho sự nghiệp xây dựng và phát triển đất nước. Thật đáng quý khi nhiều người còn chưa thông thạo tiếng Việt nhưng vẫn quyết tâm tìm về cội nguồn.

Trong dịp Tết Canh Dần 2010, dự kiến số lượng người Việt Nam ở nước ngoài về thăm quê hương, quá cảnh tại sân bay Tân Sơn Nhất sẽ đạt mức kỷ lục khoảng 500.000 người, tăng gần 60% so với năm 2008.

Đặt trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang lâm vào khủng hoảng và vẫn chưa hồi phục, việc ngày càng có nhiều kiều bào quyết định trở về nước sinh sống, đầu tư càng khẳng định niềm tin của kiều bào vào sự ổn định của môi trường đầu tư trong nước, đồng thời góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.

Qua 5 năm thực hiện Nghị quyết 36 của Bộ Chính trị về công tác đối với người Việt Nam ở nước ngoài, quan điểm “người Việt Nam ở nước ngoài là bộ phận không tách rời và là một nguồn lực của cộng đồng dân tộc Việt Nam, là nhân tố quan trọng góp phần tăng cường quan hệ hợp tác, hữu nghị giữa nước ta với các nước” càng được thấm nhuần hơn trong từng cấp, từng ngành và trong suy nghĩ của nhân dân cả nước.

Nhà nước đã có nhiều chính sách mới, tạo điều kiện thuận lợi cho kiều bào đi lại, cư trú, đầu tư. Mới đây nhất, Quốc hội đã thông qua Luật Quốc tịch sửa đổi, Luật Nhà ở và Luật Đất đai sửa đổi theo hướng “nới rộng cửa” cho kiều bào có quyền sở hữu nhà ở trong nước, nhằm tăng cường hơn nữa mối quan hệ giữa kiều bào với quê hương. Chính sách của Nhà nước đã có, cần có sự phối hợp giữa các cơ quan ban ngành để kiều bào được hưởng lợi trong chuyến “trở về” của mình.

“Kiều bào là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam, là con Lạc cháu Hồng cùng một bọc trứng sinh ra cho nên mới có từ đồng bào là vì nghĩa đó”- Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết đã khẳng định như vậy tại Hội nghị người Việt Nam ở nước ngoài lần thứ nhất được tổ chức tại Hà Nội cuối năm 2009.

Việt Nam đang trong giai đoạn phát triển, rất cần nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu toàn cầu hóa. Phát huy truyền thống đại đoàn kết dân tộc, bước vào giai đoạn mới, Đảng và Nhà nước luôn tin tưởng và kêu gọi phát huy cao nhất mọi nguồn lực của cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài phục vụ cho sự nghiệp chấn hưng đất nước.

Mai Hương

Tin cùng chuyên mục