Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao KHCN của các trường đại học còn thấp

Các trường chưa nhận thức đúng đổi mới sáng tạo trong KHCN là động lực cho phát triển của nhà trường và là nguồn thu của nhà trường khi đi vào tự chủ.
Sinh viên ĐB Bách khoa Hà Nội với đề tài nghiên cứu khoa học của mình
Sinh viên ĐB Bách khoa Hà Nội với đề tài nghiên cứu khoa học của mình
Một nhóm nghiên cứu độc lập do PGS-TS Vũ Văn Tích, Trưởng ban KHCN của Đại học Quốc gia Hà Nội làm trưởng nhóm đã tiến hành khảo sát, đánh giá hoạt động KHCN trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2011 – 2016 để đánh giá lại tình hình, thực trạng nghiên cứu khoa học trong các trường đại học thời gian qua.

Các trường đại học đóng góp hơn 50% tổng nhân lực KHCN cả nước

Theo khảo sát, ở Việt Nam hiện nay, hoạt động đào tạo nhân lực của các trường đại học cung cấp hơn 90% nhân lực KHCN trong cả nước, 10% được đào tạo ở nước ngoài. Qua số liệu thống kê giai đoạn 2011-2015 cho thấy tổng số sản phẩm KHCN của khối các trường đại chiếm hơn 2/3 trong cả nước.

Nhóm các trường có dòng sản phẩm KHCN vượt trội nằm trong khối các trường đại học kỹ thuật công nghệ: Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, Trường ĐH Bách Khoa, ĐH Đà Nẵng. Tiếp theo là một số trường như ĐH Sư phạm, ĐH Thái Nguyên, ĐH Sư phạm Hưng Yên, ĐH Tây Bắc, ĐH Xây dựng, Trung tâm ươm tại ĐH Huế… có số lượng sản phẩm ở mức trung bình. Các trường còn lại có ít và rất ít sản phẩm.

Đối với hoạt động chuyển giao tri thức nói chung, hàng năm, các tổ chức KHCN trong các trường đại học ở Việt Nam đã thu hút đầu tư của nhà nước với tổng mức đầu tư bình quân 1.063 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ cao so với các tổ chức KHCN trong cả nước.

Giai đoạn năm 2011-2015, tổng số công bố quốc tế của Việt Nam trong ISI là 10.034 bài, trong đó số công bố của các nhà khoa học thuộc các trường đại học có 5738 bài, chiếm trên 50% số công bố quốc tế trong cả nước.
Còn theo báo cáo KHCN Việt Nam 2016, hiện nay khu vực các trường đại học đóng góp hơn 50,08% tổng số nhân lực KHCN trong cả nước.
Khảo sát cũng cho thấy, điểm mạnh của hoạt động KHCN ngành giáo dục và đào tạo là nghiên cứu trong lĩnh vực Nông-Lâm-Ngư-Y. Nhờ ứng dụng các kết quả nghiên cứu khoa học của các trường đại học nông nghiệp mà nước ta đã trở thành nước xuất khẩu hàng đầu trên thế giới về lúa, cà phê, hạt điều. Khối các trường Nông-Lâm-Ngư-Y giai đoạn 2011-2016 đã có tổng cộng 570 sản phẩm ứng dụng được tạo ra.
Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao KHCN của các trường đại học còn thấp ảnh 1 Sinh viên Đại học tham gia Olympic vật lý
Tài chính cho nghiên cứu KHCN quá ít ỏi Khảo sát từ 142/271 trường đại học cho thấy, ngành giáo dục đang sở hữu một lực lượng dồi dào các nhà khoa học trình độ cao so với các ngành khác trong cả nước (chiếm hơn 50% so với cả nước) với nguồn nhân lực chất lượng cao (PGS, GS, TS), hơn hẳn nguồn nhân lực chất lượng cao tại các viện nghiên cứu. Tuy nhiên, trong hệ thống trường đại học ở Việt Nam, chưa có nhiều nhà khoa học đạt giải thưởng cao ở quốc tế và chưa có nhóm nghiên cứu mạnh tham gia các chương trình nghiên cứu lớn của quốc tế. Đáng lo là, phần lớn hệ thống các tổ chức KHCN của các trường đại học hiện nay chủ yếu là các phòng thí nghiệm chiếm 80%. Số lượng xưởng sản xuất và công ty KHCN là không đáng kể. 
Ngoài ra, Việt Nam không có trường đại học nào có đầy đủ 7 loại hình tổ chức KHCN theo chuẩn của một tổ chức đại học quốc tế như Đại học Quốc gia Singapore NUS. Các loại hình trung tâm sản xuất thử nghiệm và công ty KHCN là rất ít.
Đặc biệt, tài chính cho nghiên cứu KHCN ở các trường đại học còn thiếu thốn. Các trường chưa nhận thức đúng đổi mới sáng tạo trong KHCN là động lực cho phát triển của nhà trường và là nguồn thu của nhà trường khi đi vào tự chủ. Nguồn thu từ nghiên cứu khoa học và chuyển giao KHCN còn rất thấp so với tổng nguồn thu của nhà trường. Các trường sống bằng số lượng đề tài chứ chưa sống bằng sản phẩm của đề tài.
Đầu tư tài chính cho hoạt động KHCN trong cả nước bình quân cả giai đoạn 2011-2015 vào khoảng 1,7% ngân sách Nhà nước, tương đương 0,4% GDP, thấp so với các nước trong khu vực (Thái Lan là 0,48%; Malaysian 1,26% và Singapor là 2,2% GDP).
Thậm chí, xét về tổng mức đầu tư, ngành giáo dục được đầu tư cho KHCN thấp hơn một số bộ ngành. Vì lẽ đó, khuyến nghị của nhóm khảo sát cho rằng, để phát triển các trường đại học, nơi tạo ra phần lớn nguồn nhân lực KHCN, thực trạng đầu tư thấp cho KHCN (bình quân mỗi năm trong giai đoạn 2011-2015, kinh phí đầu tư cho tăng cường năng lực nghiên cứu chỉ vào khoảng 30-50 tỷ cho 61 đơn vị trực thuộc Bộ GD-ĐT) cần được thay đổi để có thể bắt kịp được các nước trong khu vực về giáo dục đại học. Nhóm khảo sát đưa ra khuyến nghị Bộ GD-ĐT chủ trì Đề án đầu tư phát triển hạ tầng KHCN gắn với tự chủ đại học của các trường đại học sau 2020. Triển khai dự án đầu tư trọng điểm xây dựng một số tổ chức KHCN trọng điểm trong các trường đại học, mạnh về năng lực, chuẩn về mô hình hướng tới sản phẩm cụ thể, có công nghệ lõi. Thành lập Quỹ phát triển KHCN ứng dụng và khởi nghiệp quốc gia. Tạo cơ chế thông thoáng thu hút các nhà khoa học tham gia nghiên cứu như hưởng % lợi ích kinh phí từ việc tạo ra các dự án, đề án, đề tài nghiên cứu khoa học, hưởng % kinh phí từ việc chuyển giao các sản phẩm KHCN có khả năng thương mại hóa và ứng dụng thực tiễn tại các doanh nghiệp và địa phương. Nhóm khảo sát cũng cho rằng, Bộ KHCN và các bộ ngành liên quan cần tập trung đầu tư kinh phí KHCN cho ngành giáo dục để có được lợi ích kép, qua đó thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đồng thời có được nguồn nhân lực cao cho đất nước trong tương lai. Bộ KHCN và Bộ GD-ĐT cần có chương trình phát triển các nhóm nghiên cứu gắn với thu hút nhân tài để hình thành trường phái và các sản phẩm KHCN lớn, tham gia làm việc trong môi trường các viện nghiên cứu lớn/trường đại học lớn/các tập đoàn lớn, qua đó dẫn dắt nền KHCN và nền kinh tế tri thức trong tương lai.
Ngày mai, 29-7, tại Hà Nội, Bộ GD-ĐT phối hợp với Bộ KH-CN tổ chức hội nghị “phát triển khoa học công nghệ trong các cơ sở giáo dục đại học giai đoạn 2017-2025”. Hội nghị có sự tham dự của hơn 500 đại biểu là lãnh đạo, nhà khoa học, giảng viên của các cơ sở giáo dục đại học, Viện nghiên cứu, các doanh nghiệp quan tâm tới nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. 

Mục tiêu của hội nghị này nhằm kết nối giữa các bên liên quan trong việc đẩy mạnh hoạt động nghiên cứu khoa học, tăng cường nguồn lực cho các cơ sở giáo dục đại học trong giai đoạn 2017-2025.

Tin cùng chuyên mục