Tiếp theo vụ cháy chợ Quảng Ngãi, vụ cháy chợ Đồng Hới (Quảng Bình) vào ngày 2- 4 khiến nhiều người lo ngại, khi mà rất nhiều chợ khác ở miền Trung thiếu hẳn phương án phòng cháy khả thi, phương tiện thiết bị chữa cháy tại chỗ xếp xó hoặc hư hỏng, tiểu thương chưa có thói quen mua bảo hiểm thiệt hại do cháy...
Ban quản lý chợ tự bịt cửa thoát hiểm
Ngày 3-4, chúng tôi có mặt tại chợ Đồng Hới, nơi mỗi ngày có khoảng hơn 7.000 lượt khách ra vào mua bán. Khu vực bị cháy hôm 2- 4 đang được dọn dẹp, các tiểu thương bán hoa quả thiệt hại nặng được yêu cầu không buôn bán.
Nhiều tiểu thương phản ánh, trong chợ, một lối thoát hiểm khi có cháy đã bị ban quản lý chợ đóng bít, mặt phía trong cho thuê để hàng hóa, mặt phía ngoài, ban quản lý chợ mở phòng bảo vệ. Trong khi đó, khu vực phía sau chợ, nơi có bể nước, bể cát phòng cháy chữa cháy, ban quản lý chợ cấp cho một số tiểu thương tự dựng quầy hàng để bán hàng nhựa.
Chị Hoa, tiểu thương trong chợ cho rằng: “Hồ nước ở dưới quầy hàng này là nơi cung cấp nước chữa cháy cho toàn bộ chợ Đồng Hới nhưng bị cho thuê bán hàng hóa, khi cháy thì lấy nước ở đâu để chữa cháy, ai chịu trách nhiệm mở cầu dao cho nước chạy theo hệ thống chữa cháy? Chúng tôi phản đối nhiều lần việc cho kinh doanh trên bể nước chữa cháy nhưng ban quản lý vẫn làm ngơ”. Không những tự bít đường thoát hiểm, Ban quản lý chợ Đồng Hới còn tiến hành tận thu bằng cách cho cơi nới các dãy hàng quán một cách vô nguyên tắc và nhiều tiểu thương đã vô tư quây các trụ chữa cháy trong quầy hàng của mình. Khi chúng tôi liên lạc với trưởng ban quản lý chợ để làm việc, điện thoại đỗ chuông nhưng không trả lời.
Hiểm họa rình rập
Quảng Bình có hơn 100 chợ lớn nhỏ ở 7 huyện, thành phố. Tất cả các chợ từ thôn, xã đến huyện tỉnh đều có hệ thống điện chằng chịt, thiếu quy hoạch, nguy cơ cháy, chập đến mức báo động đỏ. Chợ Sơn Trạch (Bố Trạch) phục vụ khách du lịch ở Phong Nha từng bị cháy rụi cách đây mấy năm, nay đã được khôi phục nhưng hệ thống phòng chống cháy vẫn không được đảm bảo tuyệt đối do tiểu thương tự cơi nới, câu móc nguồn điện một cách lộn xộn. Chợ Ga (Đồng Hới), chợ lớn thứ hai ở Quảng Bình, các bể chữa cháy, trụ chữa cháy cũng bị tiểu thương bao vây và ban quản lý chợ cũng dung túng bỏ qua. Tại chợ Ba Đồn, hệ thống phòng cháy còn tệ hại hơn khi các bình chữa cháy phần bị lấy trộm, phần cũ kỹ. Sở Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy Quảng Bình cho biết, 100% chợ ở Quảng Bình đều có nguy cơ cháy rất cao, và khi đã cháy là hậu quả khôn lường.
Một số chợ lớn khác ở khu vực Bắc Trung bộ như chợ Đông Ba (Thừa Thiên - Huế) có hệ thống dây điện tự phát rất chằng chịt, không theo quy củ đang khiến công tác phòng cháy rất khó khăn. Chợ xuất hiện nhiều ki-ốt chiếm dụng lối đi phòng cháy, chữa cháy.
Đà Nẵng là đô thị lớn nhất miền Trung hiện nay có 85 chợ lớn nhỏ các loại nhưng hầu hết đã xuống cấp; hệ thống PCCC không đáp ứng được yêu cầu chữa cháy. Sở Cảnh sát PCCC Đà Nẵng cho biết, gần như 100% các chợ đều không đảm bảo yêu cầu, quy định về an toàn cho công tác PCCC. Nhiều chợ hạ tầng xuống cấp nghiêm trọng, số hộ kinh doanh quá tải so với thiết kế ban đầu... kết hợp với thực tế kinh doanh các mặt hàng dễ xảy ra cháy nổ cao như áo quần, giày dép, than củi... khiến nguy cơ xảy ra cháy càng cao.
Đại tá Dương Cảnh Mai, Giám đốc Sở Cảnh sát PCCC TP Đà Nẵng, cho rằng: Nếu các chợ trên địa bàn Đà Nẵng xảy ra cháy cũng không khác gì vụ cháy chợ Quảng Ngãi. Hiện các chợ trên địa bàn đều có phương án PCCC nhưng thực tế do buôn bán tràn lan nên khi xảy ra cháy rất khó tiếp cận nguồn gây cháy, thêm vào đó đồ đạc ở các chợ thường là những chất dễ cháy như giấy, vải, gỗ... Dù bước đầu khi xây dựng chợ vẫn có phương án, đường chữa cháy riêng nhưng khi đưa vào sử dụng, các hộ buôn bán vẫn ào ào đưa hàng vào các nơi đó kinh doanh, “tiết kiệm” diện tích chợ với quan niệm “chợ to thế này thì làm sao mà cháy được”(?!). Các hộ tiểu thương gần như bất chấp tất cả, trong khi đó BQL chợ đôi khi bỏ qua những lỗi này do quen biết hoặc “chấp nhận” được.
Theo ghi nhận, dù BQL các chợ vận động tiểu thương không đốt nhang đèn, hàng mã trong những ngày rằm, mùng một; không tự ý câu móc điện... nhưng thực tế đều bị phớt lờ. Đặc biệt, vào mùa nắng nóng, tiểu thương thường xuyên dùng quạt, ổ cắm lại nằm lẫn các mặt hàng cũng tiềm ẩn nguy cơ xảy ra cháy.
Tiểu thương thờ ơ với bảo hiểm hàng hóa Tại chợ Đồng Hới, khi chúng tôi đặt câu hỏi về việc có khi nào các hộ kinh doanh nghĩ đến bảo hiểm hàng hóa trong trường hợp cháy nổ, tất cả đều cười và tỏ vẻ không quan tâm. Chị Nga, bán áo quần cho biết: “Sạp hàng của tôi hơn 300 triệu đồng, chưa bao giờ có ai nói đến chuyện bảo hiểm này nên không nghĩ đến. Có ai mời chào thì cũng chẳng ai mua”. Trong khi đó, anh Hồng, một trong 9 tiểu thương có cửa hàng bị cháy cũng nói: “Mua làm gì, nếu cháy thì bảo hiểm nói giữ nguyên hiện trường, rồi chờ giấy tờ, thủ tục, có lấy được tiền không mà mua?”. Một nhân viên bảo hiểm ở Quảng Bình cho biết, hiện các đơn vị bảo hiểm trên địa bàn cũng chưa có sản phẩm này nên cũng không chủ động giới thiệu với bà con tiểu thương. |
M. PHONG - NG. HÙNG
- Thông tin liên quan:
>> Cháy chợ Đồng Hới (Quảng Bình)
>> Cháy chợ Đồng Hới, nghi bị phóng hỏa