Nguy cơ chia rẽ EU

Khoảng cách giữa các nước EU dường như đang ngày càng mở rộng khi chưa thể thu hẹp được bất đồng này thì đã xuất hiện những bức tường mới. Liên minh châu Âu (EU) lại một lần nữa bỏ lỡ thời hạn chót thông qua dự thảo ngân sách năm 2011 vì không thể thống nhất việc tăng ngân sách hoạt động của EU thêm 6,2% hay 2,9%.

EU cũng đang đứng trước một thách thức lớn về kinh tế khác khi cuộc khủng hoảng nợ nần đang đe dọa nghiêm trọng sự tồn tại của đồng tiền chung châu Âu. Chính Chủ tịch EU Herman Van Rompuy ngày 16-11 tuyên bố EU sẽ không thể còn tồn tại nếu như không vượt qua được cuộc khủng hoảng nợ đang đe dọa khu vực đồng tiền chung châu Âu.

Những bất đồng trong cách thức duy trì sự hồi phục kinh tế, cũng như vượt qua khủng hoảng nợ đã cho thấy sự rạn nứt nghiêm trọng trong EU.

Không chỉ thế, mới đây Italia đã đề nghị lập một nhóm G6 trong EU, mục đích làm suy yếu liên minh Pháp-Đức trong khối mà Italia cho rằng liên minh này đang chi phối EU và tạo sự phân hạng giữa các nước EU. Trước thềm diễn ra hội nghị EU ngày 18-10, chính quyền Paris và Berlin đã cùng đưa ra các biện pháp chống cuộc khủng hoảng tài chính mà không hỏi ý kiến trước các quốc gia thành viên khác.

Không riêng trong lĩnh vực kinh tế, EU còn gặp “bất đồng về ngôn ngữ”. Ý tưởng thành lập một bằng sáng chế chung trong khối chỉ gồm 3 thứ tiếng Anh, Đức, Pháp, nhằm đơn giản hóa thủ tục và giảm chi phí dịch thuật cũng rơi vào bế tắc sau 10 năm thảo luận. Tây Ban Nha, Italia đã phản đối gay gắt với lý do ngôn ngữ của hai nước cũng phải có tiếng nói nhất định.

Tờ New Europe nhận định, thất bại của cuộc thảo luận đã để lại nhiều hậu quả nghiêm trọng, bởi việc thiếu một mô hình bằng sáng chế đơn nhất của châu Âu sẽ kìm hãm khả năng cạnh tranh, sáng tạo, nghiên cứu và phát triển của các nước trong khối.

Trong cuộc khủng hoảng nợ công ở Hy Lạp bùng nổ đầu năm 2010, EU cũng không thể tìm được tiếng nói chung về việc giải cứu Hy Lạp cho đến khi IMF lên tiếng sẽ hỗ trợ Hy Lạp cơ cấu lại nợ công. Bất đồng đã xảy ra giữa những quốc gia thành viên muốn “bảo toàn lực lượng” của mình và quốc gia đang chìm trong nợ nần là Hy Lạp.

Sau khi các nhà lãnh đạo quyết định giải cứu Hy Lạp đến lượt người dân các nước phản đối vì tiền thuế của họ phải được san sẻ cho một nước không minh bạch, không thể kiểm soát tài chính, vi phạm quy định của khối là để mức thâm hụt vượt quá 3% GDP.

Chậm tìm được tiếng nói chung đã khiến cuộc khủng hoảng nợ công lan sang các quốc gia Bồ Đào Nha, Italia, Pháp và giờ đây là Ireland… Cuộc khủng hoảng nợ của châu Âu hiện nay đã tác động tiêu cực lên nền kinh tế châu Âu, làm mất lòng tin vào đồng tiền chung euro.

Những trở ngại này đang thử thách tính thống nhất của EU và có thể làm tiêu tan giấc mộng siêu cường của châu lục này. Nguyên nhân là do trong bối cảnh nền kinh tế thế giới nói chung và EU nói riêng đang phục hồi rất mong manh khiến các nước ra sức bảo vệ lợi ích quốc gia dân tộc của mình, dẫn đến việc không tìm được tiếng nói chung.

Trong cả hai lĩnh vực chính trị và kinh tế, đều thấy rằng hợp tác trong Liên minh châu Âu đang lỏng lẻo hơn bao giờ hết, đe dọa việc tăng cường sức mạnh cho EU.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục