Ngày hôm nay 3-5, tại Hà Nội, Hội nghị thường niên của Hội đồng Thống đốc Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) lần thứ 44 lần đầu tiên được tổ chức tại Việt Nam. Gần 4.000 đại biểu gồm các nhà hoạch định chính sách, doanh nhân, các nhà nghiên cứu, báo giới quốc tế, các tổ chức phát triển... sẽ tham dự sự kiện này. Hội nghị kéo dài trong 4 ngày, sẽ tập trung bàn luận các vấn đề kinh tế bức xúc đang đặt ra, các thách thức và vấn nạn toàn cầu đang đối mặt: vấn đề an ninh lương thực, năng lượng, biến đổi khí hậu, chiến lược giảm nghèo và tăng trưởng kinh tế, đề xuất cải cách hệ thống tiền tệ quốc tế...
Hội nghị này thu hút sự quan tâm đặc biệt dư luận quốc tế, đặt trong bối cảnh mới đây Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) phát đi tín hiệu, bày tỏ sự lo ngại về tình trạng lạm phát ngày càng gia tăng của các nền kinh tế đang tăng trưởng mạnh mẽ tại châu Á. IMF lập luận điều này có thể gây ảnh hưởng tiêu cực đến sự hồi phục và ổn định kinh tế toàn cầu... Ngân hàng Thế giới (WB) thì cảnh báo rất cụ thể, tỏ ra lo ngại về việc giá lương thực, thực phẩm không ngừng leo thang tại châu Á. WB cho rằng nguy cơ bùng nổ khủng hoảng đang đến rất gần: Hiện nay trên thế giới có 1 tỷ người đang đói và năm 2010 đã có thêm 44 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo do giá lương thực leo thang. Và nếu giá lương thực tiếp tục tăng thêm 10% nữa thì sẽ có thêm 10 triệu người rơi vào cảnh đói nghèo. Đây là nguy cơ gây bùng phát một giai đoạn khủng hoảng kinh tế toàn cầu mới!
Chưa bao giờ giới nghiên cứu quốc tế bày tỏ nhiều mối quan ngại như hiện nay: Giá lương thực và nhiên liệu tăng quá mức có thể dẫn đến tình trạng bong bóng giá cả nguy hiểm, có thể gây đổ vỡ bất cứ lúc nào; tình trạng giá cả bất ổn đang lan rộng khắp châu Á: Ấn Độ đang đối mặt với lạm phát cao (8%); lạm phát Trung Quốc vượt ngưỡng 6% thay vì chỉ tiêu cả năm 4%; Việt Nam trong 4 tháng đầu năm 2011 lạm phát đã tăng gần 10% so với kế hoạch đặt ra cả năm 7%; Indonesia, Singapore, Thái Lan... cũng đang chật vật đối phó lạm phát.
Bên cạnh đó, môi trường quốc tế đầy biến động, không thuận lợi và chưa có điểm dừng: tình trạng bất ổn tại các nước Trung Đông và Bắc Phi, các đồng tiền mạnh của thế giới mất giá, giá vàng tăng kỷ lục trong lịch sử, giới đầu tư mất niềm tin vào thị trường chứng khoán và hiệu quả hoạt động doanh nghiệp... Các chuyên gia của IMF và WB đều dự đoán rằng bất kỳ sự kiện nào cũng có thể châm ngòi, thúc đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào vực thẳm một cuộc khủng hoảng mới!
Thấy rõ tình trạng bất ổn nền kinh tế ngay từ những tháng đầu năm, Chính phủ đã ban hành, triển khai Nghị quyết 11 về kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an ninh xã hội. Qua 2 tháng thực hiện đã có những kết quả tích cực bước đầu: Thị trường tiền tệ, tỷ giá đã được kiểm soát nhờ siết chặt công tác quản lý nhà nước; hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế, đưa tỷ giá USD ngang bằng (và thấp hơn) tỷ giá công bố chính thức; nguồn vốn tín dụng tập trung vào các lĩnh vực khuyến khích (xuất nhập khẩu, nông nghiệp nông thôn, tạo việc làm tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ...); thu ngân sách tăng, bội chi giảm; cắt giảm 96.888,3 tỷ đồng tổng vốn đầu tư từ nguồn ngân sách nhà nước; xuất khẩu nước ta tăng ấn tượng cả về số lượng và giá trị với mức tăng 35,7%...
Lạm phát cao vẫn đang là một thách thức lớn đối với nền kinh tế nước ta. Chỉ số giá tiêu dùng tháng 4 tăng tới 3,32% so với tháng trước, là mức tăng cao nhất trong vòng 3 năm qua, là một vấn nạn cần hóa giải. Lạm phát cao đẩy lãi suất ngân hàng tăng cao (theo nguyên tắc bảo đảm lãi suất tiết kiệm thực dương), đang gây khó khăn cho các doanh nghiệp, gây căng thẳng thanh khoản một số ngân hàng.
Trước những tác động bất lợi này, điều đáng mừng là trong phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 4, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã phát ra thông điệp mới: Các bộ, ngành bám sát diễn biến thực tế và dự báo chính xác tình hình kinh tế - xã hội trong nước, thế giới để có biện pháp đối phó kịp thời. Về kiềm chế lạm phát phấn đấu giữ khoảng 12% - 13% trong năm 2011; tăng trưởng kinh tế phấn đấu đạt khoảng 6%. Có thể thấy “khung” các chỉ tiêu kinh tế - xã hội chủ yếu năm nay đã bị phá vỡ và chủ động điều chỉnh ngay từ đầu năm. Nhưng đây là tình thế bắt buộc, phải chấp nhận một bước lùi để ổn định kinh tế vĩ mô.
Bên cạnh đó, để giải quyết vấn đề an sinh xã hội, Chính phủ đã quyết định bổ sung thêm 3 đối tượng được hưởng trợ cấp khó khăn: công nhân lao động trong các doanh nghiệp ngoài nhà nước, chiến sĩ lực lượng vũ trang và học sinh, sinh viên để giảm tác động tiêu cực cơn “bão giá” thế giới tác động thị trường trong nước, gây khó đối với thành phần thu nhập thấp trong xã hội.
LÊ TIỀN TUYẾN