Nguy cơ lây lan ô nhiễm xuyên biên giới

Một hiện tượng chưa từng gặp trong lịch sử nhưng đang hiện hữu đó là tình trạng môi trường không khí ở nước ta đang bị ô nhiễm hoặc đe dọa nặng nề  do… lây lan từ nước khác.
Nguy cơ lây lan ô nhiễm xuyên biên giới

Một hiện tượng chưa từng gặp trong lịch sử nhưng đang hiện hữu đó là tình trạng môi trường không khí ở nước ta đang bị ô nhiễm hoặc đe dọa nặng nề  do… lây lan từ nước khác.

Hiện tượng mù khô tại TPHCM do khói bụi của đợt cháy rừng từ Indonesia lan sang. Ảnh: THÁI HÒA

Sương mù và khói độc

Cách đây hơn 1 tuần, người dân ở nhiều địa phương thuộc khu vực Nam bộ phải trải qua một hiện tượng lạ: sương mù khô xuất hiện nhưng không phải do sương mù được hình thành từ sự khuếch tán nhiệt mỗi khi có không khí lạnh mà là ảnh hưởng của đợt cháy rừng từ Indonesia lan sang. Trong khi đó, tại miền Bắc, Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu (Bộ TN-MT) cho biết, không khí ở Bắc bộ cũng đang bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng khói bụi nhiệt điện từ Trung Quốc lan sang. Theo tài liệu nghiên cứu của Viện Khoa học  khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu thì các tỉnh miền Bắc như Hà Nội, Quảng Ninh, Lào Cai, Lạng Sơn… đang phải chịu ảnh hưởng của ô nhiễm không khí xuyên biên giới, chủ yếu là từ phía Trung Quốc. Cụ thể, ô nhiễm ozone ở Việt Nam trong những năm gần đây có sự gia tăng, đặc biệt là vào mùa đông. Sự di chuyển của NO2 từ Trung Quốc sang Việt Nam chủ yếu theo hướng Đông Bắc. Do đó, mỗi khi có gió mùa Đông Bắc tràn về, nồng độ ô nhiễm không khí sẽ gia tăng hơn. Các số liệu điều tra cho thấy, SO2 chiếm 55%, 48% khí NO2 và 30% CO là những loại khí thường theo gió mùa tràn xuống Việt Nam từ vùng Đông và Đông Nam Trung Quốc. Đây cũng được xem là nguồn gây ô nhiễm không khí xuyên biên giới đến miền Bắc nước ta.

Để làm rõ hơn nguồn gốc cũng như nguyên nhân của ô nhiễm không khí xuyên biên giới, các nhà khoa học đã xem xét các ảnh vệ tinh. Kết quả cũng cho thấy, miền Bắc Việt Nam có tổng cột ozone và NO2 cao hơn so với những khu vực còn lại trong cả nước. Vào mùa hè Việt Nam ít bị ảnh hưởng của gió mùa Đông Bắc hơn, thay vào đó là gió mùa Tây Nam và Đông Nam đóng vai trò chủ đạo nên mức độ ảnh hưởng từ việc lan truyền ô nhiễm không khí xuyên biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc cũng có sự thay đổi đáng kể. Nồng độ các chất ô nhiễm không khí tại Việt Nam có nguồn gốc từ Trung Quốc chỉ chiếm 4% đối với SO2, 2% với CO và 1,5% đối với NO2 vào mùa hè.

Theo PGS-TS Dương Hồng Sơn, Phó Viện trưởng Viện Khoa học khí tượng thủy văn và biến đổi khí hậu, kết quả điều tra của đề tài mới chỉ tập trung đánh giá chất SO2 trong không khí. Nguyên nhân ô nhiễm khói bụi độc hại là do phía Nam Trung Quốc  hiện tập trung nhiều nhà máy nhiệt điện dùng than. Ngoài các khí có hại cho sức khỏe, Việt Nam còn hứng chịu cả những chất hữu cơ khó phân hủy với hàm lượng không thua kém SO2. Bước đầu, các nhà khoa học xác định nồng độ SO2 cao là yếu tố gây mưa acid (loại mưa gây tổn thất mùa màng, nông nghiệp). Đó là lý do tại sao một số tỉnh vùng núi giáp Trung Quốc như Lào Cai, Lạng Sơn thường xuyên xảy ra mưa acid vào mùa đông.

Nỗi lo toàn cầu

Ô nhiễm từ sự phát triển quá mức các khu công nghiệp hiện nay không chỉ gây ô nhiễm trong một khu vực hạn hẹp mà đã và đang ảnh hưởng tới những quốc gia lân cận. Trong khi đó, thời tiết đang ngày càng có thêm nhiều biểu hiện cực đoan, gây những hiện tượng thiên tai gián tiếp, như tình trạng cháy rừng ở Indonesia đã ảnh hưởng tới môi trường ở Nam bộ của Việt Nam. Theo ông Lê Thanh Hải, Phó Tổng Giám đốc Trung tâm Khí tượng - Thủy văn quốc gia, Việt Nam đang trải qua một mùa El Nino nhiều kỷ lục. Năm 1997-1998, El Nino hoạt động mạnh ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương đã được coi là hiện tượng ENSO của thế kỷ 20, gây hạn hán kỷ lục ở Đông Nam Á. Hệ quả trầm trọng nhất là ở Indonesia đã xảy ra nạn cháy rừng kéo dài cả tháng. Cũng trong năm 1997, tại TPHCM nhiệt độ đạt kỷ lục cao nhất đến 40,6oC. Đồng bằng sông Cửu Long bị nước mặn xâm lấn kỷ lục. Mực nước ở các đập thủy điện Hòa Bình, Trị An, Thác Bà đã xuống mức báo động. Ước tính thiệt hại kinh tế (kể cả nông nghiệp) vào khoảng 5.000 tỷ đồng. Mùa mưa bão 1997 cũng ghi nhận sự xuất hiện của bão Linda là một cơn bão khủng khiếp từng đổ bộ vào miền Nam Việt Nam.

Năm 2015 và 2016, El Nino được nhận định tương đương về cường độ so với El Nino năm 1997-1998 đang trở lại. Từ đầu năm đến nay, một loạt các hiện tượng thời tiết cực đoan như nắng nóng kỷ lục ở miền Bắc với nhiệt độ ghi nhận lên tới 420C, mưa lớn bất thường ở Quảng Ninh, Hà Nội… Tổng thiệt hại cho nền kinh tế trong 8 tháng năm 2015 lên tới 5.500 tỷ đồng. Chính do El Nino hiện tại đang hoạt động mạnh nên Indonesia lại bị cháy rừng nghiêm trọng, gây ảnh hưởng tới các quốc gia lân cận như Singapore, Việt Nam… Ông Lê Thanh Hải nói rằng, chính vì điều đó, chúng ta cần phải chủ động các giải pháp giảm thiểu thiệt hại và ảnh hưởng của ô nhiễm môi trường như sản xuất sạch, giảm chất hóa học, tăng cường độ che phủ rừng… để bảo vệ bầu khí quyển.

VĂN PHÚC

Tin cùng chuyên mục