Ruộng mía ở Cà Mau vào thu hoạch rộ gần 2 tháng qua nhưng người trồng mía than không có lãi. Cả năm trời chăm bẵm cho ruộng mía, công sức nhà nông đổ sông, đổ biển.
1kg mía bằng ly trà đá
Vùng mía nguyên liệu Cà Mau tập trung phần lớn tại Thới Bình. Vụ 2013 này, nhà nông huyện Thới Bình xuống giống trên 1.800ha, tăng gần 100ha so với vụ mùa trước. Trí Lực, Trí Phải và Biển Bạch Đông là 3 xã trọng điểm trồng mía của huyện này. Phòng NN-PTNT huyện Thới Bình cho hay, vào cao điểm thu hoạch mía nhưng mới có khoảng 1/3 diện tích mía được thu hoạch. Nguyên nhân do giá mía đang xuống thấp.
Tại Trí Lực, nơi có diện tích mía nhiều nhất huyện Thới Bình với gần 1.000ha, thương lái thu mua mía tại rẫy chỉ với giá 620 - 750 đồng/kg. Với giá trên, sau khi thu hoạch hết 3ha mía (khoảng 300 tấn), gia đình ông Nguyễn Văn Ca (ấp 9, xã Trí Lực) gần như trắng tay. Ngồi bệt bên rẫy mía sắp thu hoạch gần hết của nhà mình, ông Ca nhăn nhó: “Giá mía đánh đố hoài kiểu này chắc mùa tới tôi nghỉ trồng luôn. Cực nhọc cả năm trời mình chịu được nhưng hổng có lời, làm công không cho đại lý phân bón và thương lái”.
Dự đoán được tình cảnh hẩm hiu của cây mía nên ông Lê Văn Phước (ấp 8, xã Trí Lực) giảm diện tích trồng mía của nhà mình từ 2ha xuống còn chừng 0,6ha. Vậy nhưng, vụ này ông Phước cũng không tránh khỏi điệp khúc trúng mùa rớt giá. Lau vội mồ hôi trên trán, ông Phước than vãn: “Chung thủy với cây mía hơn 10 năm qua nhưng nó phụ lòng tôi nhiều hơn tôi phụ lòng nó. Ngần ấy thời gian nhưng chỉ vài 3 vụ là giá cả ổn định. Kỳ này chắc thôi trồng mía là vừa”.
Cùng tình cảnh ấy, lão nông Phan Văn Luận (cùng ấp ông Phước) có gần 20 năm gắn bó với cây mía nhưng ngần ấy thời gian bấp bênh với loại cây trồng này. Ông Luận chua chát: “Năm 2012, giá mía còn 800 đồng/kg, mỗi công sau thu hoạch và trừ hết chi phí, tôi chỉ lời vỏn vẹn 2 triệu đồng. Qua vụ mới, cái gì cũng tăng chỉ riêng giá sụt xuống còn chừng 700 đồng/kg. Một ký mía mua được ly trà đá, nông dân như tụi tôi lỗ vốn là cái chắc”.
Vụ mía 2013, Nhà máy đường Cà Mau thu mua mía nguyên liệu tại xí nghiệp là 850 đồng/kg cho loại mía đạt 10 chữ đường, giảm 70 đồng/kg cho loại mía dưới 10 chữ đường và giá thỏa thuận cho loại mía dưới 7 chữ đường là 600 đồng/kg. Giá sàn tại nhà máy là vậy nhưng thương lái đến thu mua tại rẫy của người dân chỉ từ 620 - 750 đồng/kg. So với niên vụ 2011 và 2012, mỗi tấn mía người trồng mất khoảng 200.000 - 400.000 đồng vì tiền chênh lệch giá giảm. Rẫy mía đông ken nhưng người trồng không mặn mà thu hoạch, hộ thu rồi mặt mày buồn so, chỉ có thương lái là hồ hởi, tiền lời rủng rẻng…
Manh nha bỏ mía
Trong tình cảnh giá mía “đong đưa” theo chiều giảm dần, nhà nông nhiều nơi tại Thới Bình manh nha phá bỏ cây mía để tìm phương án sản xuất mới. Tại Trí Lực, nhà nông đã thu hoạch sớm gần 50ha rẫy mía ở các ấp 8, ấp 4 và Phủ Thờ để đưa cơ giới vào ban đất xuống mương chuẩn bị đưa nước mặn vô nuôi tôm vì giá tôm nguyên liệu đang ở đỉnh. Lão nông Phan Văn Luận 2 lần phá mía để nuôi tôm cho hay, ông có hơn 2ha đất sản xuất. Giá mía xuống thấp nên những năm trước, ông chuyển đổi một phần diện tích sang nuôi tôm. Đến năm 2011, giá mía ổn định ở mức cao 900 - 1.100 đồng/kg nên ông khôi phục lại diện tích trồng mía. Để nâng cao năng suất, ông Luận còn trồng giống mía ROC 16 do Công ty cổ phần Mía đường Tây Nam chuyển giao và áp dụng kỹ thuật trồng mía hàng đôi. Ứng dụng tốt kỹ thuật nhưng vụ mía 2012 giá mía xuống thấp nên ông Luận chỉ lời 2 triệu đồng/ha. Ông tiếp tục hy vọng vào vụ mía 2013 này nhưng hy vọng và mọi cố gắng của ông đã thành “công dã tràng”.
Trước tình cảnh giá mía thấp, nông dân Thới Bình có nhiều toan tính. Người dân muốn bán tháo để tiếp tục cho vụ tiếp theo hoặc chuyển đổi sang nuôi tôm sú hoặc trồng loại cây khác, phần còn lại chậm thu hoạch chờ giá mía tăng. Chính quyền địa phương, ngành chức năng huyện Thới Bình tuyên truyền, vận động hộ dân thu hoạch chậm chờ giá. Ông Huỳnh Văn Hùng, Chủ tịch UBND xã Trí Lực, phân tích: “Việc làm hộ dân chỉ mang tính bộc phát nhất thời vì giá mía xuống bèo quá. Song nếu chuyển qua nuôi tôm thì phải tốn chi phí khá lớn để ban đất, bà con nên tính toán thật kỹ, chớ nóng vội”.
Chia sẻ tình cảnh khó khăn với nhà nông địa phương, ông Lê Bình Nguyên, Trưởng phòng NN-PTNT huyện Thới Bình, khuyến cáo: Bà con huyện nhà nên giữ diện tích mía bằng cách áp dụng giống, quy trình canh tác mới vào sản xuất để tăng năng suất mía và chữ đường để bán được giá cao. Cùng với đó, bà con nên kết hợp xen canh nuôi cá dưới mương, tăng giá trị sản xuất trên cùng diện tích đất, có thêm thu nhập ngoài cây mía.
Không riêng gì cây mía, hiện tại, vùng quy hoạch ngọt hóa tại Cà Mau xảy ra xung đột giữa cây lúa với con tôm vì giá tôm đang ở mức cao ngất ngưởng. Song người trồng lúa còn làm được 2-3 vụ trong năm, thất vụ này gỡ vụ khác. Riêng trồng mía cả năm mới cho thu hoạch. Với giá vật tư đầu vào và công cán như hiện nay, người trồng mía nhẩm tính, giá mía cỡ 900 đồng/kg mới có lãi. Nếu không có giải pháp căn cơ, liên kết “4 nhà” chặt chẽ, khả năng diện tích loại cây trồng này sẽ bị thu hẹp dần và lâu dài mất luôn diện tích vùng mía nguyên liệu như một thời nhà nông Cà Mau ồ ạt đưa nước mặn vô nuôi tôm, phá vỡ quy hoạch vùng trồng lúa. |
XUÂN HẠ