Nguy cơ phát tán dịch bệnh từ rác thải

Những ngày qua, Báo SGGP đã nhận được nhiều ý kiến góp ý của các chuyên gia môi trường, theo đó nên thu gom và xử lý rác thải tại những khu vực có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 như rác thải y tế. Bởi đây là loại rác có chứa mầm bệnh, dễ phát tán rộng ra môi trường nếu không được thu gom và xử lý đúng cách.

Nguy hại rác thải ở khu vực cách ly

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, Giám đốc Trung tâm công nghệ môi trường (ENTEC), nhấn mạnh, trong bối cảnh dịch Covid-19 phát sinh và lây lan trong cộng đồng thì rác thải sinh hoạt tại khu vực có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19 phải được xem là rác thải có nguy cơ lây nhiễm bệnh, cần được thu gom, xử lý như rác y tế.
Do đó, trước khi rác thải này được đưa ra khỏi hộ gia đình và khu dân cư bị cách ly cần phải được phun khử khuẩn. Rác thải phải được vận chuyển trên phương tiện khép kín để tránh nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng, nhất là với virus SARS-CoV-2 biến chủng Ấn Độ có thể lây truyền qua đường không khí.

PGS.TS Phùng Chí Sỹ, bày tỏ lo lắng, việc thu gom rác sinh hoạt tại khu dân cư bị phong tỏa do có người nhiễm hoặc nghi nhiễm bệnh nhưng thiếu che đậy, khử khuẩn… dễ dẫn đến nguy cơ phát tán mầm bệnh ra cộng đồng.

Trao đổi về vấn đề này, ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM, cho biết, hiện nay toàn bộ rác thải y tế tại các bệnh viện, trung tâm và phòng khám đa khoa đều do công ty thu gom, xử lý theo quy trình nghiêm ngặt của chất thải nguy hại, ước tính khoảng 23 tấn/ngày. Riêng từ đầu năm 2020 đến nay, khi dịch Covid-19 bùng phát, công ty được UBND TPHCM chỉ đạo phụ trách thu gom rác thải sinh hoạt tại khu vực cách ly người mắc Covid-19, ước tính khoảng 12 tấn/ngày.

Nguy cơ phát tán dịch bệnh từ rác thải ảnh 1 Các chiến sĩ Trường Quân sự Quân khu 7 (quận 12, TPHCM) cẩn thận thu gom, phân loại rác để vào các thùng màu cam chuyên dụng chứa rác độc hại tại khu cách ly. Ảnh: HOÀNG HÙNG

Theo đó, quy trình thu gom, xử lý rác thải y tế và rác thải từ khu vực cách ly phải được thực hiện theo tiêu chuẩn an toàn nghiêm ngặt. Rác thải được bọc kín trong thùng chứa hoặc túi chuyên dụng màu vàng, dán nhãn cảnh báo nguy cơ nhiễm bệnh. Công nhân thu gom của công ty được trang bị đồ bảo hộ an toàn. Rác trước khi thu gom để đưa lên xe vận chuyển chuyên dụng (thùng kín) phải được phun xịt khử khuẩn.

Rác thải khi vận chuyển về Công trường xử lý rác Đông Thạnh được phun xịt khử khuẩn một lần nữa trước khi đưa vào xử lý bằng công nghệ đốt ở nhiệt độ cao. Tro chất thải sau khi đốt xong phải được hóa rắn và chôn lấp tại bãi chôn lấp an toàn dành riêng cho chất thải nguy hại.

Tuy nhiên, ông Nhựt cũng thông tin, hiện công ty chỉ thu gom rác thải y tế và rác thải sinh hoạt tại khu vực thành phố thực hiện cách ly tập trung người mắc hoặc nghi mắc Covid-19. Còn với rác thải phát sinh từ quận huyện, những khu vực dân cư bị phong tỏa do có người nghi mắc hoặc mắc Covid-19, công ty không phụ trách thu gom. 

Chủ động xử lý chất thải nguy hại

Theo thống kê của Sở TN-MT TPHCM, trung bình mỗi ngày trên địa bàn TPHCM phát sinh khoảng 9.000 - 11.000 tấn rác thải sinh hoạt. Hoạt động thu gom chất thải rắn sinh hoạt hiện nay do 2 nhóm đơn vị thực hiện.

Nhóm 1 là hệ thống công lập do Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM và 22 công ty dịch vụ công ích quận huyện thực hiện, thu gom 40% khối lượng rác toàn thành phố. Nhóm 2 là lực lượng thu gom rác dân lập, thực hiện thu gom 60% khối lượng rác thành phố. Tuy nhiên, phương tiện thu gom, vận chuyển của các lực lượng này (ngoại trừ Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM) phần lớn không đáp ứng tiêu chuẩn an toàn phòng chống dịch Covid-19.

Đa phần là trang thiết bị dùng để phục vụ hoạt động thu gom rác trong điều kiện bình thường, không có nguy cơ nhiễm bệnh. Thậm chí, lực lượng thu gom rác dân lập còn sử dụng phương tiện xe ba gác tự chế nên rác thải không được che đậy trong quá trình thu gom, vận chuyển. 

Không chỉ vậy, phía Công ty TNHH MTV Môi trường Đô thị TPHCM cho biết thêm, hiện công suất tiếp nhận và xử lý rác thải y tế, rác thải từ khu vực cách ly tập trung đã đạt mức 35 tấn/ngày trong khi công suất xử lý tối đa của công ty là 42 tấn/ngày. Do đó, nếu tình hình dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, lượng rác có nguy cơ tăng mạnh sẽ vượt quá khả năng xử lý của công ty. 

Liên quan đến rác thải phát sinh từ khu vực có người mắc hoặc nghi mắc Covid-19, Bộ TN-MT vừa có công văn hỏa tốc khẳng định đây là chất thải y tế và yêu cầu các đơn vị, địa phương phải áp dụng quy trình thu gom, xử lý theo tiêu chí chất thải nguy hại.

Tại công văn số 2743/BTNMT-TCMT ban hành ngày 21-5, Thứ trưởng Bộ TN-MT Võ Tuấn Nhân nêu rõ, bộ đề nghị UBND các địa phương cấp bách chỉ đạo các cơ sở y tế khu vực điều trị và chăm sóc bệnh nhân, khu vực cách ly (bao gồm cách ly tập trung, tại nhà và các khu vực cách ly khác) khẩn trương xây dựng, điều chỉnh và tổ chức thực hiện kế hoạch thu gom, vận chuyển, lưu giữ, xử lý chất thải, đặc biệt đối với chất thải y tế. Việc tổ chức này phải phù hợp với quy định về việc điều chỉnh thời gian cách ly tập trung, thời gian quản lý sau khi kết thúc cách ly tập trung và xét nghiệm phòng chống dịch.

Theo Bộ TN-MT, các địa phương phải tăng cường tổ chức thực hiện và giám sát công tác phân loại, thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch Covid-19 tại địa phương để đảm bảo thực hiện quy định về quản lý chất thải nguy hại và các quy định của pháp luật có liên quan. Trong đó, ưu tiên xử lý chất thải y tế theo mô hình cụm cơ sở y tế và các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương, để đảm bảo khoảng cách thu gom ngắn nhất từ nơi phát sinh tới nơi xử lý. 

Ngoài ra, các địa phương chỉ đạo đơn vị liên quan chủ động liên hệ với các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế tại địa phương để xử lý hoặc hỗ trợ xử lý chất thải y tế trong trường hợp địa phương không đảm bảo năng lực hoặc không đủ hạ tầng xử lý chất thải y tế. Các địa phương có cơ sở xử lý chất thải nguy hại cần tạo điều kiện hỗ trợ xử lý chất thải y tế khi có đề nghị từ các địa phương khác, nhưng vẫn phải đảm bảo công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.

Riêng các cơ sở xử lý chất thải nguy hại có chức năng xử lý chất thải y tế phải tích cực phối hợp, hỗ trợ việc xử lý chất thải y tế phát sinh do dịch bệnh tại các địa phương theo phạm vi hoạt động đã được cấp phép, nhưng vẫn phải đảm bảo công suất xử lý chất thải đã được cấp phép và công tác xử lý chất thải y tế tại địa phương mình.

Đưa lực lượng thu gom, vận chuyển vào danh sách ưu tiên chích vaccine

Theo PGS-TS Phùng Chí Sỹ, lực lượng công nhân vệ sinh môi trường đang phải làm nhiệm vụ thu gom rác trực tiếp tại khu vực có người mắc Covid-19 trên cả nước nói chung và TPHCM nói riêng phải được xếp vào nhóm tuyến đầu chống dịch, là những người có nguy cơ lây nhiễm cao, cần được ưu tiên chích vaccine Covid-19.

Ở góc độ người lao động, anh Triều Phước An, công nhân Chi nhánh Dịch vụ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, chia sẻ, sau giờ làm việc, anh và nhiều công nhân không dám trở về nhà ngay mà phải ở lại công ty. Bởi dù đã được công ty cấp đầy đủ trang thiết bị, đồ bảo hộ và nước sát khuẩn nhưng không thể chắc chắn mình có bị nhiễm bệnh hay không. Không chỉ vậy, nhiều công nhân làm công việc này thường xuyên bị kỳ thị, bị hàng xóm, thậm chí người thân xa lánh. “Riêng trong đợt dịch lần này, các anh em công nhân, trong đó có tôi, đã ở lại chỗ làm hơn 1 tuần, chưa về nhà và có lẽ khi nào hết dịch mới về. Chúng tôi chỉ mong người dân cùng chung tay phòng chống dịch, thực hiện nghiêm “5K” và các quy định của thành phố, Chính phủ để sớm ngăn chặn đẩy lùi dịch bệnh. Đây cũng là cách để chúng tôi sớm hoàn thành nhiệm vụ, được về đoàn tụ với gia đình”, anh An tâm sự. 

Còn theo anh Trần Văn Điệp, công nhân Chi nhánh Dịch vụ môi trường, Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị TPHCM, các công nhân phải thường xuyên vào các khu cách ly để thu gom, vận chuyển, xử lý rác nhưng cho đến nay, sau gần 2 năm làm công việc này, nhiều người vẫn chưa được hỗ trợ tiêm vaccine Covid-19. Bên cạnh đó, công nhân vệ sinh rất cần sự quan tâm, động viên, chia sẻ của doanh nghiệp, các cấp chính quyền thành phố để được tiếp thêm sức mạnh, tạo động lực giúp họ thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi dịch bệnh.

Tin cùng chuyên mục