Nguy cơ từ lương thực biến đổi gen

Từ nhu cầu thực tế
Nguy cơ từ lương thực biến đổi gen

Vào tháng 11-2009, Bộ Nông nghiệp Trung Quốc cấp giấy chứng nhận an toàn thực phẩm cho hai loại lúa nước biến đổi gen do Đại học Nông nghiệp Hoa Trung nghiên cứu, mở cửa cho việc tiến hành chuyển đổi gen đối với các loại cây lương thực chính. Quyết định của Bộ Nông nghiệp ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích quyết liệt từ các nhà khoa học, học giả, đại biểu Quốc hội cũng như người dân.

Một ruộng lúa biến đổi gen ở tỉnh Hồ Bắc.

Một ruộng lúa biến đổi gen ở tỉnh Hồ Bắc.

Từ nhu cầu thực tế

Theo báo cáo của Cơ quan Dịch vụ quốc tế về khuyến khích ứng dụng công nghệ sinh học trong nông nghiệp (ISAAA), tổng sản lượng trong năm 2010 của những giống cây trồng áp dụng công nghệ biến đổi gen đã tăng khoảng 10% so với sản lượng của vụ mùa năm 2009.

Trong năm 2010, trên thế giới có khoảng 15,4 triệu nông dân ở 29 quốc gia đã áp dụng rộng rãi công nghệ này với tổng diện tích thu hoạch ước chừng 150 triệu ha. Trung Quốc hiện là 1 trong 5 quốc gia đẩy mạnh việc sản xuất cây trồng biến đổi gen cao nhất trên thế giới.

Nhiều chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trước yêu cầu phải đảm bảo lương thực cho 1,3 tỷ người trong bối cảnh hạn hán, lũ lụt thường xuyên hoành hành, Trung Quốc đã chọn các cây trồng biến đổi gen để nâng cao năng suất và chủ động trong việc sản xuất lương thực.

Tuy nhiên, nhà nghiên cứu Tùng Á Bình thuộc Trung tâm Nghiên cứu vấn đề thế giới của Tân Hoa xã, cho rằng, các sản phẩm biến đổi gen ẩn chứa mầm họa an toàn rất lớn. Với Trung Quốc, việc công nghệ biến đổi gen tiến mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp sẽ khiến nước này đối mặt với đại họa về sinh thái cũng như nguy cơ tuyệt chủng giống cây trồng và suy thoái nòi giống.

Những hệ lụy

Theo điều tra của Tạp chí Viêm Hoàng Xuân Thu, nhằm loại bỏ những nghi ngại từ người dân, một số chuyên gia biến đổi gen đã cố tình lập lờ giữa “biến đổi gen” và “tạp giao”. Trên thực tế, “biến đổi gen” và “tạp giao” khác nhau về bản chất.

Theo nhà nghiên cứu Tưởng Cao Minh thuộc Trung tâm Nghiên cứu thực vật, Viện Khoa học Trung Quốc, “tạp giao” chủ yếu xảy ra giữa các giống cây trồng cùng loài hoặc cùng dòng, quan hệ họ hàng rất gần, do đó sau khi kết hợp với nhau rất ít có khả năng xảy ra xung đột.

Nhưng “biến đổi gen” là tiến hành chuyển đổi gen giữa các loài khác nhau như đem gen của cá cấy vào cà chua… “Tạp giao” có thể xảy ra ngay trong tự nhiên một cách tự nhiên, nhưng “biến đổi gen” là hành động cưỡng bức, ép buộc các loại giống cây trồng không cùng loài, không cùng họ, thậm chí đem thực vật và động vật lai tạo với nhau.

Một số nhà khoa học khẳng định, vẫn chưa thể có kết luận cuối cùng về độ an toàn của sản phẩm biến đổi gen vì sinh thái là một hệ thống không ngừng biến đổi, giữa vạn vật luôn tồn tại quá trình thích ứng và ảnh hưởng lẫn nhau. Biến đổi gen theo kiểu cưỡng bức sẽ không cho các loài có một quá trình sàng lọc lâu dài để thích ứng với nhau và thích ứng với môi trường xung quanh.

Tại Trung Quốc, báo cáo của nhiều địa phương trồng phi pháp giống ngô “Tiên Ngọc 335” của hãng Dupont có chứa gen biến đổi PH4CV cho thấy, sau 3 đến 6 năm trồng giống ngô trên, phát hiện nhiều hiện tượng sinh thái dị thường chưa từng có, thường gặp nhất là số lượng chuột đồng giảm, rồi biến mất hoàn toàn; sinh sản của heo nái trở nên bất bình thường.

Báo cáo của Viện Khoa học Quốc gia Mỹ đã dẫn ra hàng loạt vấn đề dị thường phát hiện trong quá trình thực nghiệm sản phẩm biến đổi gen trên thế giới: Heo ăn ngô biến đổi gen ở nông trại miền Trung, miền Tây nước Mỹ có tình trạng mang thai giả hoặc bị vô sinh; những con bò cái ăn ngô biến đổi gen chết một cách bất bình thường ở nông trại thực nghiệm tại Đức; tỷ lệ chết của gà ăn thực phẩm biến đổi gen cao gấp đôi tỷ lệ chết của gà ăn thực phẩm tự nhiên.

Hậu quả nghiêm trọng đó cũng là lý do khiến Liên minh châu Âu (EU) và Nhật Bản luôn có thái độ bài xích đối với thực phẩm biến đổi gen. Hàn Quốc và Ấn Độ cũng kiên quyết từ chối nhập khẩu sản phẩm biến đổi gen, nhất là giống lúa biến đổi gen.

Lương thực biến đổi gen và lương thực truyền thống khác nhau ở chỗ sau khi thu hoạch, lương thực truyền thống có thể lưu giống, còn lương thực biến đổi gen hàng năm phải mua giống mới. Việc này xuất phát từ hai nguyên nhân: sự bất ổn của biến đổi gen sẽ gây ra thoái hóa và các doanh nghiệp độc quyền, ví như Tập đoàn Monsanto, phát minh kỹ thuật tự động tiêu diệt phôi giống nhằm ngăn chặn nông dân lưu giống.

Với cách làm này, các “ông lớn đa quốc gia” có thể buộc nông dân hàng năm phải mua giống của họ, đảm bảo lợi nhuận lớn.

Trong 8 giống lúa nước biến đổi gen trồng phổ biến tại Trung Quốc, hạng mục bản quyền phụ thuộc về Monsanto, DuPont Pioneer của Mỹ và Bayer của Đức. Điều đó có nghĩa một khi Trung Quốc phát triển lương thực biến đổi gen với diện tích lớn, hàng năm đều phải bỏ ra khoản tiền lớn để mua giống hoặc trả phí bản quyền tác giả cho các công ty Mỹ.

Thảm họa sinh thái

Giáo sư nông nghiệp Cố Tú Lâm cho rằng do cây nông nghiệp biến đổi gen ảnh hưởng quá lớn tới môi trường và những người trồng cây phi biến đổi gen. Gen phiêu dạt gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng nên luật pháp Mỹ đã quy định giữa khu vực trồng cây biến đổi gen và cây phi biến đổi gen phải có vùng đệm rộng 500m.

Trong cảnh người đông, đất hẹp, Trung Quốc khó có thể thực hiện được kiểu cách ly trồng trọt như Mỹ nên rủi ro ô nhiễm gen càng lớn. Hơn nữa, một khi mở cửa công nghiệp hóa lương thực biến đổi gen, rủi ro quản lý ở Trung Quốc sẽ lớn hơn nhiều lần so với các nước phát triển. Ngoài ra, lúa biến đổi gen còn góp phần tạo ra “siêu cỏ tạp” và “siêu côn trùng”.

Trong mấy năm đầu canh tác, cây trồng biến đổi gen quả thực cho thấy ưu thế trong việc kháng cỏ, kháng côn trùng. Nhưng các loại cây trồng thuộc giới sinh vật vốn thay đổi không ngừng, luôn thích ứng, chống chọi và cạnh tranh lẫn nhau, một loại cỏ tạp bị tiêu diệt, giới tự nhiên sẽ sinh ra một loại cỏ tạp khác mạnh hơn để lấp chỗ trống.

Một loại côn trùng có hại bị kiểm soát sẽ lại sinh ra nhiều loại côn trùng mới, sức đề kháng nảy sinh trong quá trình tiến hóa sẽ buộc nông dân phải sử dụng nhiều nông dược hơn. Nông dân ở nhiều địa phương Trung Quốc nhiều khả năng sẽ phải đối mặt với thảm họa sinh thái khó có thể đối phó.

Thanh Hằng

Tin cùng chuyên mục