Nguyễn Du và thế kỷ chúng ta

Nguyễn Du và thế kỷ chúng ta

Hơn năm mươi năm trước (1965), chúng ta kỷ niệm 200 năm năm sinh Nguyễn Du. Lúc đó, chúng ta chỉ có một nửa nước, “một nửa còn trong lửa nước sôi”. Và lúc đó, chúng ta đang đối mặt với cuộc chiến tranh tổng lực của Hoa Kỳ. Nguyễn Du - Kiều cùng chúng ta “lên hỏa tuyến”. Bác Hồ rút bài học từ sự đầu hàng của Từ Hải để giáo dục chúng ta quyết chiến đấu: “Từ Hải không chết đứng thì về triều cũng chết quỳ”. Những nhà lãnh đạo kháng chiến lúc đó, phần lớn là những nhà văn hóa yêu văn hóa dân tộc, đã tri âm sâu sắc với Nguyễn Du, cảm nhận Nguyễn Du là tình dân tộc, là dân tộc: “Hỡi người xưa của ta nay/ Khúc vui xin được so dây cùng Người” - “Ngàn năm sau nhớ Nguyễn Du/ Tiếng thương như tiếng mẹ ru những ngày” (Tố Hữu).

Giờ đây, chúng ta lại kỷ niệm Nguyễn Du lần nữa. Lần này, thế nước sức nước khác xưa biết bao nhiêu! Ta đang đứng trước bao cơ hội lớn lao, vì đại để đưa đất nước đến mạnh giàu, dân chủ, văn minh… Thời Nguyễn Du “cả đất nước đói nghèo trong rơm rạ”(1), cả đất nước chìm trong bi kịch thời đại, bế tắc không đường ra, cuộc đời là “đêm đen” (hắc dạ), là “đêm trường dạ tối tăm trời đất”… Ngày nay, chúng ta đang đứng trước ánh sáng của một thời đại văn minh, hiện đại, tuy thời đại vẫn không ngừng thách thức trí tuệ và ý chí của chúng ta.

Nói đến Nguyễn Du là nói đến Kiều, đến số phận của Kiều, số phận của con người trong “thế kỷ bạo tàn” phong kiến áp bức. Số phận Kiều là số phận của một con người kiều diễm, một nghệ sĩ bẩm sinh, một tâm hồn đầy ắp yêu thương luôn muốn vươn lên đỉnh cao của hạnh phúc, của khát vọng sống trong sạch, từ tâm… Nhưng giông bão của cuộc đời đã đày đọa nàng qua bao khổ ải của đời, đã dìm nàng vào bùn đen nhơ đục. Nhưng nàng vẫn không ngừng vươn lên, tái sinh, ngẩng cao đầu để trở về trong trắng như là sự phục sinh. Như một nhà triết học đã nói: “Cái quý nhất đối với con người chính là bản thân con người vậy”; Nguyễn Du cũng qua Kiều, nói rằng:  “Đục trong thân cũng là thân” - dù đục dù trong, con người là đáng nâng niu, thương cảm… Kiều sống trong một chế độ phong kiến, bị bủa vây bởi bao định kiến lỗi thời muốn trói gô con người lại, nàng vẫn vươn lên tự tìm hạnh phúc, tự xóa bỏ định kiến để sống và trở lại với đời. Mười lăm năm của một đời con gái, nàng đã sống cho cuộc đời bi kịch của cả nhân loại. Và càng sống, nội tâm nàng ngày càng sâu sắc, phong phú, con người bên trong con người, con người tự do… của nàng đối nghịch lại hầu như toàn bộ thiết chế xã hội, đã chiến thắng, đã mở đường cho một chủ nghĩa nhân văn mới, chủ nghĩa nhân văn mang tên Phục hưng chưa từng có ở Việt Nam.

Nguyễn Du và thế kỷ chúng ta ảnh 2
Nguyễn Du và thế kỷ chúng ta ảnh 3

Kiều - tranh của Tiêu Cao Sơn. Kim Vân Kiều - NXB Văn học Paris, 1951 - tranh của Mai Trung Thứ

Nguyễn Du đã suy tư về số phận con người, số phận nhân loại qua kiệt tác có một không hai của thời đại ông: Truyện Kiều. Nhưng còn một đỉnh cao suy tư đến bạc tóc nữa của Nguyễn Du mà người ta dễ hầu quên vì nó viết bằng chữ Hán. Nhưng ở thời Nguyễn Du, người ta viết cả tiếng Việt và tiếng Hán là chuyện bình thường. Nguyễn Du đã nâng tiếng Việt từ Trần Nhân Tông, Nguyễn Trãi, Chinh phụ ngâm… lên tầm  “tuyệt diệu”, lên tầm một thứ tiếng Việt văn học đầy đủ phẩm chất, phẩm giá của một thứ tiếng sánh ngang với các thứ tiếng khác trong toàn nhân loại. Những câu thơ thuần Việt của Nguyễn Du, dù tả cảnh hay tả tình, dù suy tưởng hay mơ mộng, đều đem đến cho người đọc một hạnh phúc lớn là được thưởng thức những câu thơ kỳ tuyệt!

Đến thơ chữ Hán - Đường luật cũng là thành quả lớn nữa của Nguyễn Du - người đã hấp thụ, nghiên cứu tất cả cái vĩ đại của nền Hán học. Thơ chữ Hán Nguyễn Du là một bất ngờ lớn, nếu ta để tâm suy nghĩ: nó độc đáo trong hơn 1.000 năm thơ chữ Hán Việt Nam, mà cũng là mới lạ trong toàn bộ thơ chữ Hán Trung Quốc. Nguyễn Du tổng kết toàn bộ nền văn minh Trung Hoa từ trước nhà Tần (Tiên Tần), qua Hán, Ngụy, Đường, Tống… và đi đến một kết luận dứt khoát: phủ định cái xã hội phong kiến Trung Hoa mấy ngàn năm sau đời Tam Hoàng:

Hồn ơi! Hồn ơi! Nếu đi theo con đường đó. Thì sau Tam Hoàng không còn là thời của ông (Khuất Nguyên) nữa. Khuất Nguyên trong con mắt Nguyễn Du là biểu tượng của tinh hoa văn hóa nhân loại, biểu tượng của thanh cao, hiền đức. Nhưng Khuất Nguyên đến thời Nguyễn Du vẫn còn là lạc điệu giữa những giả dối của bọn người: “Lên mặt Quỳ Cao tán chuyện đời - Không lộ vuốt nanh cùng nọc độc - Mà xé thịt người nhai ngọt xớt”.

Thời của bọn “ăn thịt người ngọt xớt” - Lỗ Tấn đã từng mô tả xã hội phong kiến Trung Hoa là một xã hội “ăn thịt người” và trong văn học thế giới, người ta không thể không nhắc đến Hamlet của Shakespeare với cái mệnh đề nổi tiếng: “To be or not to be - tồn tại hay không tồn tại”, giữa một cung đình, một đất nước lừa dối, tội ác… Những thiên tài đã gặp nhau ở những phán đoán về xã hội loài người.

Tầm cao triết học của những bài thơ chữ Hán Nguyễn Du là vĩ đại. Ông là người của những băn khoăn lớn, những “thiên tuế trường ưu” (lo nghĩ nghìn năm) cho cuộc đời, cho nhân loại.

Và như thế, Truyện Kiều cùng với Thơ chữ Hán là hai đỉnh cao “song tuyệt” trong thơ ca Việt Nam cổ điển. Và cả hai đều đầy lo âu và cũng đầy hy vọng.

Và như thế, Nguyễn Du đến với thế kỷ chúng ta nay, như một người hiện thời, hiện đại. Nguyễn Du như nói cùng ta, dù thế kỷ có nhiều thách thức đến đâu: chiến tranh, bạo lực, vũ khí, cạnh tranh, tranh cướp lãnh thổ, đói nghèo…, các bạn hãy hy vọng! Rốt cục, bằng sự phấn đấu của cả loài người, chủ nghĩa nhân văn vì những giá trị cao quý của con người sẽ thắng; cái tốt đẹp, cái chân chính sẽ thắng!

Gạt đi những cũ kỹ, mục nát, giành lấy những cái mới tốt tươi, đó chính là đổi mới như quan niệm của Bác Hồ. Chúng ta sẽ làm cho đất nước trẻ tươi, vươn lên, vượt qua mọi thách thức của thời đại.

Và Nguyễn Du cũng sẽ sống lại, trẻ lại cùng chúng ta sau bao già nua của các thế kỷ qua.

“Dường chỉ có Nguyễn Du là trẻ lại,

Dắt tay Kiều đi dọc tiết thanh minh”(2).

7-1-2016

GS-TS MAI QUỐC LIÊN
Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Quốc học

---------------------
(1) Thơ Chế Lan Viên
(2) Thơ Trương Nam Hương

Tin cùng chuyên mục