Nguyên vẹn “Trái tim Paris”

Các tòa nhà luôn có cuộc sống riêng của chúng. Đôi khi chúng bị cháy, có khi chúng được xây dựng lại... Có hụt hẫng, nhưng tôi tin, hình ảnh nhà thờ Đức Bà vẫn nguyên vẹn trong tim người Pháp và những ai yêu nó.
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa Nhà thờ Đức Bà Paris
Lực lượng cứu hỏa nỗ lực dập lửa Nhà thờ Đức Bà Paris

Một người bạn của tôi từng tâm sự rằng, anh tiếc nuối đã không chụp một bức ảnh kỷ niệm nào ở Tháp Rùa khi đến Việt Nam trước khi nó được trùng tu. Tôi, một người đã xa Việt Nam từ rất lâu, sống ở Paris và giờ cũng có cảm giác tương tự. Tôi không có tấm ảnh kỷ niệm nào cùng nhà thờ Đức Bà trước ngày tòa nhà cháy. Hàng ngày, tôi đi làm qua nhà thờ Đức Bà, nhìn đám đông xếp hàng trước cửa, thầm nghĩ “người ở xa xôi mới làm thế, còn mình, muốn ngắm muốn chụp lúc nào chẳng được”. Vậy mà giờ, đến cái khoảnh khắc “Nhà thờ Đức Bà” của mình, dù là trong cảm xúc, tôi cũng chẳng có nữa.

Paris sáng nay xám xịt. Gần nơi di sản nham nhở ám khói, dân Paris và khách du lịch dừng lại dọc theo các lối đi, ở đầu cầu, để nhìn về phía khoảng trống. Mũi tên đã biến mất, mái vòm và khung chóp cũng vậy. Để lại lỗ hổng lớn trên bầu trời thủ đô. Dọc theo lan can của cây cầu Arcole, từ sớm, chúng tôi đứng rơi nước mắt. Sông Sein vẫn chảy, nhưng Notre-Dame không còn như xưa. Nó giống như mất đi một người thân yêu. “Người thân yêu” đó hôm nay bị bao quanh bởi một hàng rào do cảnh sát dựng lên, bóng dáng quen thuộc bỗng trở nên gò bó ngột ngạt. Gần đó, trên những tảng đá cuội, khách du lịch Australia khoe một bức ảnh gợi nhớ ngày hôm qua, nơi họ đang mỉm cười trước một nhà thờ còn nguyên vẹn. Bên cạnh họ, một chàng trai quỳ gối cầu nguyện lớn tiếng. Đằng kia, điện thoại áp vào tai, mắt mở to, ông cụ mô tả các cửa sổ bị bôi đen cho một người bạn hoặc người bạn ở xa. “Cảm ơn các nhân viên cứu hỏa!”, người đàn ông trên phố kêu to, giọng Paris khàn đục.

Hôm qua, vào thời khắc tôi lặng nhìn cột khói trắng cuộn lên trên nóc nhà thờ Đức Bà Paris qua màn hình thì Karen, đồng nghiệp người Bỉ, gửi tôi bức ảnh chồng và 3 con của cô đang đứng giữa đám đông trước cửa nhà thờ. “Cảm giác buồn đau biết bao. May là tuần trước tôi kịp cùng chồng và các con chia sẻ cảm giác đã được đến, thấy và cảm nhận trọn vẹn về một trong những niềm tự hào nước Pháp”. Tôi hiểu đây là cách Karen muốn chia buồn cùng tôi. Anh bạn Việt Anh bên Anh mọi ngày tếu táo cũng gửi ngay cho tôi bức ảnh ngồi chụp với nhà thờ Đức Bà có cả ngọn tháp vừa bị đổ sụp vì cháy. “Hôm đến thấy chen chúc người, tôi bèn vòng ra phía hông nhà thờ. Thật may đã có được tấm ảnh với ngọn tháp này”.

Buồn hơn nữa là tôi không có mặt để tận mắt chứng kiến khoảnh khắc đau buồn ấy. Hôm qua, tôi ở Lisbon vì chuyến công tác đột xuất. Lúc rời Lisbon đêm qua, khi check-out khách sạn, nhân viên trực kiểm tra hộ chiếu, thốt lên: “Chia buồn cùng bà và nước Pháp. Người Pháp sẽ phục dựng được nhà thờ sớm thôi”. Một niềm an ủi lớn chợt trào dâng trong tôi. Cũng như những người quanh tôi lúc này, buồn bã và kín đáo thở dài. Nhưng cuộc sống vẫn tiếp diễn, mọi người vẫn phải tiếp tục quay về với công việc thường ngày, vẫn nói cười và khóc vì những lý do vu vơ. Rồi, để trấn an nhau và cũng để tự trấn an bản thân, mọi người mỉm cười bảo nhau: “Sáng nay, tôi tự nhủ rằng nhà thờ đã đứng vững. Chóp mái bị mất, nhưng những bức tường nhợt nhạt vẫn còn đó”.

Các tòa nhà luôn có cuộc sống riêng của chúng. Đôi khi chúng bị cháy, có khi chúng được xây dựng lại. Chúng thay đổi. Việc tái thiết sẽ kéo dài trong nhiều năm, nhưng cùng dòng thời gian và lịch sử, Notre-Dame vẫn đứng đó mỉm cười, đồng hành cùng hơi thở của Paris. Có hụt hẫng, nhưng tôi tin, hình ảnh nhà thờ Đức Bà vẫn nguyên vẹn trong tim người Pháp và những ai yêu nó.

Tin cùng chuyên mục