Nhà báo và những thách thức của nghề

Nhằm giúp độc giả hiểu được những trăn trở, tâm tư từ nhà báo và nghề báo, ngày 26-6 tại Đường sách TPHCM, NXB Tổng hợp đã tổ chức chương trình giao lưu với chủ đề “Nhà báo và nghề báo”. 

Chương trình với sự tham gia của các nhà báo và tác giả gồm: luật sư Phan Đăng Thanh, luật sư Trương Thị Hòa, nhà báo Phạm Thục và nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên.

Nhà báo và những thách thức của nghề ảnh 1
Hai luật sư Phan Đăng Thanh và Trương Thị Hòa còn là nhà nghiên cứu, nhà báo và nhà giáo, đã cùng chung tay biên soạn công trình Lịch sử các chế độ báo chí ở Việt Nam. Công trình gồm 2 tập: Trước Cách mạng Tháng Tám 1945 (xuất bản năm 2017) và Sau Cách mạng Tháng Tám 1945 đến nay (vừa ra mắt đúng dịp kỷ niệm Ngày Báo chí cách mạng Việt Nam 21-6 năm nay). 

Nhà báo, nhà giáo Phạm Thục là tác giả của Interpol Việt Nam - Những chiến công VPI.COM, viết về những chiến công tuy thầm lặng nhưng có những đóng góp rất quan trọng trong đấu tranh và phòng chống tội phạm xuyên biên giới của lực lượng Interpol Việt Nam nói riêng và Công an nhân dân Việt Nam nói chung.

Còn nhà báo Bùi Nguyễn Trường Kiên là một cây bút phóng sự viết khỏe, viết đa dạng nhiều thể loại; anh vừa ra mắt bộ sách Sài Gòn một thuở chưa xa, gồm 3 tập với hơn 50 bài phóng sự được chọn lọc từ hơn 300 bài báo cùng thể loại mà tác giả thực hiện trong khoảng 10 năm từ 1988 - 1999. 

Tại chương trình giao lưu, các tác giả và nhà báo đã cùng chia sẻ những kỷ niệm, vui buồn trong quá trình làm nghề. Đặc biệt là những khó khăn, thách thức của các nhà báo hiện nay khi có sự tham gia của các thiết bị điện tử, công nghệ, của mạng xã hội. Với 30 năm làm báo, nhà báo Phạm Thục cho rằng, làm báo bây giờ dễ rất nhiều, tuy nhiên cũng khó rất nhiều.
“Bây giờ Việt Nam có 6 triệu người dùng Facebook, cũng có nghĩa là có 6 triệu “nhà báo là người dân”. Ai có smartphone là có thể làm báo ngay. Bởi vậy, bây giờ đưa ra một thông tin sai là bị phản bác ngay lập tức chỉ trong vòng 30 giây. Làm báo bây giờ rất nhanh, thông tin mình có rất nhiều, nhưng khó ở chỗ đưa ra thông tin chỉ cần sơ sẩy một chút là mất tên, mất luôn cả danh dự”, nhà báo Phạm Thục cho biết. 

Đặc biệt, vấn đề tác nghiệp của một số nhà báo tại Tòa án nhân dân quận 4 trong vụ xét xử bị cáo Nguyễn Hữu Linh vừa qua cũng được nhiều độc giả quan tâm. Dưới góc độ pháp luật, luật sư Trương Thị Hòa cho rằng, một người ra trước tòa, khi chưa có bản án hiệu lực pháp luật vẫn được coi là người chưa có tội. Lúc đó họ vẫn được bảo vệ bởi những quyền lợi của mình.

Luật sư Hòa bày tỏ: “Tôi cho rằng, người làm báo phải thực sự bình tĩnh, phải bảo vệ quyền của người mà ngòi bút hay máy ảnh của mình tác động vào. Qua câu chuyện này, tôi mong rằng, trách nhiệm của những người làm báo là phải cung cấp thông tin kịp thời nhưng phải đảm bảo sự trung thực, chính xác và phải nhớ đến quyền của những người mà chúng ta tác động vào. Quyền đó được pháp luật bảo vệ. Quan tâm đến trách nhiệm của chúng ta nhưng không làm thiệt hại đến quyền và lợi ích của người khác”.

Tin cùng chuyên mục