Nhà đất mặt tiền, đền bù đất hẻm

Dù nhà đất đã được ra mặt tiền đường, nhưng chỉ được đền bù theo giá đền bù đất hẻm, các hộ dân đã gửi đơn đến Báo SGGP để phản ánh về sự thiệt thòi này.

Trong đơn gửi Báo SGGP, tập thể các hộ dân ở ấp 4 (xã Phong Phú, huyện Bình Chánh, TPHCM) trình bày: Năm 1992, các hộ dân Lưu Thị Thu, Lê Thị Đẹt, Trần Thanh Hoàng, Lê Thị Duyên… đã mua khu nhà đất của bà Lê Thị Thúy Nga. Khu nhà đất này có tổng diện tích 1.250m², nguồn gốc do ông bà để lại.

Năm 1996, khi xây dựng tuyến đường Nguyễn Văn Linh, Ban chỉ đạo dự án Bắc Nhà Bè - Nam Bình Chánh (thuộc UBND TPHCM) đã thu hồi 98m² của các hộ này để làm đường, với đơn giá đền bù 17.000 đồng/m². Hơn 20 năm nay, đường Nguyễn Văn Linh thành tuyến chính, phần đất còn lại là hành lang dự trữ nên người dân ở đây phải tự làm đường để nối ra đường chính.  

Sau hơn 20 năm quy hoạch treo khu đất thuộc dự án khu dân cư của Công ty cổ phần Phát triển Nam Sài Gòn, năm 2016, UBND huyện Bình Chánh lại ra quyết định thu hồi đất của các hộ dân để thực hiện dự án đầu tư xây dựng Trường Đại học Kinh tế TPHCM. Khi thực hiện đền bù, huyện Bình Chánh xác nhận nhà ở của các hộ dân ở vị trí 4 chứ không phải mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, gây thiệt thòi cho người dân.

Bà Lưu Thị Thu cho biết, nhà đất của gia đình có diện tích 303m², mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh, nhưng trong Quyết định 7631/QĐ về bồi thường, hỗ trợ đối với gia đình, huyện xác nhận diện tích đất ở vị trí 4 nên tiền đền bù chỉ hơn 633 triệu đồng. Đất mặt tiền đường Nguyễn Văn Linh nhưng đền bù mức giá trung bình chỉ 2 triệu đồng/m², rất thấp so với giá đất trên thị trường, gây nhiều thiệt thòi cho người dân. 

Theo Phó Chủ tịch UBND huyện Bình Chánh Nguyễn Văn Hồng, qua kiểm tra thực tế sử dụng đất, vị trí khu đất các hộ dân không tiếp giáp với lề đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu và đi từ đường Nguyễn Văn Linh vào bằng sân xi măng nên không được tính mặt tiền đường. Căn cứ theo Hướng dẫn số 3100 về việc áp dụng bảng giá các loại đất ban hành theo Quyết định 51/2014 của UBND TPHCM, “khu đất, thửa đất hoặc nhà đất không có đường, hẻm dẫn vào hoặc phải đi vào bằng thuyền, ghe hoặc bờ đất thì đơn giá đất được xác định theo đơn giá có vị trí 4 của đường gần nhất”. 

Thực tế, nhà cửa của người dân không giáp lề đường Nguyễn Văn Linh hiện hữu là do tuyến đường chưa thực hiện hết diện tích đất đã giải tỏa, phần còn lại đang sử dụng làm hành lang dự trữ nên người dân đã tự làm đường xi măng để ra đường Nguyễn Văn Linh, chứ không phải không có đường. Vì vậy, việc huyện Bình Chánh căn cứ Hướng dẫn 3100 để xác định vị trí nhà đất là chưa đúng, gây thiệt thòi cho người dân. Huyện Bình Chánh cần tổ chức kiểm tra thực tế để xác định đúng vị trí nhà đất của các hộ dân, sớm trả lại công bằng và tránh khiếu kiện kéo dài.

Tin cùng chuyên mục