Nhà hát Kịch TPHCM kỳ vọng hướng đi mới

Sau nhiều suất công diễn các vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua… Nhà hát kịch TPHCM đã đạt được tiêu chí duy trì sáng đèn sân khấu vào tối chủ nhật hàng tuần, thu hút được đông đảo khán giả, nhất là giới trẻ đến xem. Các vở kịch văn học đậm chất học trò, tươi vui, dí dỏm, được nhà hát chú trọng đầu tư dàn dựng tạo nên sức sống tươi mới cho sân khấu Nhà hát Kịch TPHCM.
Nhà hát Kịch TPHCM kỳ vọng hướng đi mới

Sau nhiều suất công diễn các vở kịch chuyển thể từ tác phẩm văn học của nhà văn Nguyễn Nhật Ánh: Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua… Nhà hát kịch TPHCM đã đạt được tiêu chí duy trì sáng đèn sân khấu vào tối chủ nhật hàng tuần, thu hút được đông đảo khán giả, nhất là giới trẻ đến xem. Các vở kịch văn học đậm chất học trò, tươi vui, dí dỏm, được nhà hát chú trọng đầu tư dàn dựng tạo nên sức sống tươi mới cho sân khấu Nhà hát Kịch TPHCM.

Sân chơi mới của đội kịch Tuổi Ngọc

Tính đến nay, đội kịch Tuổi Ngọc của Nhà Thiếu nhi quận 1 đã bước qua tuổi 30. Các diễn viên nhí ngày nào giờ đã lớn. Bên cạnh sự trưởng thành của các lớp diễn viên, mô hình kịch thiếu nhi gặp nhiều khó khăn trong hoạt động tổ chức biểu diễn, thế nên các diễn viên đội kịch Tuổi Ngọc cứ thế tứ tán khắp nơi, bôn ba, lăn lộn với cuộc sống, làm đủ nghề.

Để phát huy những giá trị đã đạt được trong hành trình 30 năm của đội kịch Tuổi Ngọc, nhằm tạo sân chơi nghệ thuật cho những diễn viên trẻ yêu nghề, đam mê nghệ thuật, Nhà hát Kịch TPHCM đã quyết định cùng với đội kịch Tuổi Ngọc hợp tác qua việc ra mắt CLB kịch Tuổi Ngọc trực thuộc Nhà hát Kịch TPHCM.

Với phong cách rất riêng của mình, CLB kịch Tuổi Ngọc sẽ chuyên dàn dựng và trình diễn những vở kịch văn học dành cho lứa tuổi học trò và giới trẻ. Trước mắt, đã có hai vở kịch Thằng quỷ nhỏ, Cô gái đến từ hôm qua… trình làng, diễn thường xuyên vào tối chủ nhật hàng tuần, đã nhận được sự cổ vũ, ủng hộ của rất đông khán giả.

Một cảnh trong vở kịch Cô gái đến từ hôm qua

Vở Thằng quỷ nhỏ do đạo diễn - NSƯT Lê Cường dàn dựng lại theo bản dựng của chính anh cách đây gần 20 năm. Ở bản dựng mới, tiết tấu được đẩy nhanh hơn, gần gũi đời sống thực tiễn mà vẫn giữ được nét hồn nhiên,  lôi cuốn của tuổi học trò. Trong khi đó, vở Cô gái đến từ hôm qua (chuyển thể kịch bản: tác giả Vương Huyền Cơ, đạo diễn: NSƯT Hạnh Thúy) chỉ với 5 diễn viên trẻ và 3 diễn viên thiếu nhi đã tạo nên một không gian sân khấu ấm áp, vui tươi, dễ thương, ngập tràn tiếng cười… 

Đặc biệt, trong thời điểm học kỳ 2 của năm học 2015-2016, vở kịch Thằng quỷ nhỏ đã lưu diễn phục vụ 5 suất tại Trường THPT Bùi Thị Xuân và Trường THPT Tenlơman. Vở kịch đã nhận được sự phản hồi rất tích cực từ phía nhà trường và học sinh. Với kết quả đáng khích lệ đó, trong năm học mới 2016-2017, CLB kịch Tuổi Ngọc sẽ tiếp tục có những liên kết, hợp tác với các đơn vị trường học để đưa kịch nói đến với khán giả học sinh nhiều hơn. Và để kịch mục của CLB thêm đa dạng, phong phú, Chủ nhiệm của CLB là đạo diễn Lê Cường đang bắt tay chuẩn bị dựng lại vở kịch dân gian Vụ án trộm trứng gà, dự kiến sẽ ra mắt vào tháng 9-2016.

Nhà hát “khát” diễn viên

Trong vai trò của mình, nhà hát sẽ chịu trách nhiệm hỗ trợ, giúp đỡ để CLB kịch Tuổi Ngọc thường xuyên tổ chức dàn dựng và công diễn ngày càng nhiều những vở kịch mới, đậm chất văn học, tươi vui, trẻ trung, phù hợp với khán giả trẻ tuổi, học sinh, sinh viên. Nhà hát cũng nỗ lực tạo nhiều điều kiện để 25 diễn viên trẻ của CLB có nhiều cơ hội học tập, trau dồi diễn xuất, nâng cao chuyên môn.

Phó Giám đốc Nhà hát Kịch TPHCM - đạo diễn Lê Diễn chia sẻ: “Ra mắt CLB kịch Tuổi Ngọc là việc làm thiết thực giúp nhà hát đa dạng hóa hoạt động, thường xuyên sáng đèn vào ngày cuối tuần. Ngoài ra, việc hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật, giúp đầu tư dàn dựng và công diễn các vở kịch của CLB, tạo sân chơi nghệ thuật chất lượng cho các diễn viên trẻ, cũng là cách làm hữu hiệu nhằm xây dựng đội ngũ diễn viên trẻ ngày thêm vững mạnh, làm nòng cốt cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật tại đơn vị”.

Riêng với dự án đầu tư dàn dựng lại những vở kịch xưa mà nhà hát đã chia sẻ thông tin trước đây, đã và đang gặp nhiều trở ngại, nhất là vấn đề diễn viên. Theo đạo diễn Lê Diễn, từ nhiều năm qua, nhà hát không thể mời những diễn viên ngôi sao tham gia các vở diễn, lớp diễn viên dàn bao cũng không có, trong khi đó, biên chế diễn viên nhà hát chỉ có duy nhất một người. Thực tế này khiến nhà hát gặp nhiều khó khăn trong tổ chức biểu diễn. Việc “khát” diễn viên - lực lượng nòng cốt giúp duy trì các hoạt động trọng tâm của nhà hát đã khiến công tác tổ chức biểu diễn của nhà hát cứ bấp bênh suốt nhiều năm qua.

Với bước chuyển mình mới là sự kết hợp với đội kịch Tuổi Ngọc, sẽ là hướng đi mang nhiều kỳ vọng, góp phần làm thay đổi ngày càng tốt hơn hoạt động chuyên môn của nhà hát kịch trong hiện tại và tương lai.

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục