Tính đến thời điểm này, sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, sau những thay đổi tích cực, tiến bộ, hiện đại của các lĩnh vực, chỉ riêng mảng văn hóa, cụ thể là vấn đề nhà hát, địa điểm biểu diễn nghệ thuật thì TPHCM vẫn chưa có được cơ ngơi, sân khấu đạt chất lượng, tiêu biểu, đủ chuẩn, là điểm nhấn của bộ mặt văn hóa thành phố.
Tận dụng tối đa
Hiện nay, có cơ ngơi ở nơi đắc địa, hoạt động sôi nổi, hiệu quả, là sân khấu “vàng” được nhiều người biết đến chính là Nhà hát Thành phố. Trong năm 2015, nhà hát có gần 400 suất diễn phục vụ công chúng. Bên cạnh đó, nhà hát còn là địa điểm tổ chức hàng loạt những chương trình mít tinh, giao lưu biểu diễn; phục vụ nhiệm vụ chính trị, đối ngoại, du lịch, giáo dục... Tuy nhiên, tuổi thọ của nhà hát cũng vừa bước qua con số 116 năm, được Nhà nước công nhận là Di tích kiến trúc nghệ thuật cấp quốc gia vào năm 2012.
Kế đó, còn hoạt động tương đối nhộn nhịp là Nhà hát Bến Thành, trực thuộc Trung tâm văn hóa (TTVH) quận 1, với sức chứa hơn 1.000 chỗ ngồi. Nhà hát được xây dựng nhằm phục vụ cho hoạt động biểu diễn, đáp ứng yêu cầu của một TTVH cấp quận. Sau này nhà hát có được sự tài trợ để nâng cấp hệ thống kỹ thuật âm thanh, nhưng vẫn ở quy mô là một nhà hát nhỏ. Trong khi thành phố hiếm hoi điểm diễn thì nhà hát Bến Thành vẫn được nhiều đơn vị nghệ thuật, các nghệ sĩ chọn lựa là nơi tổ chức các chương trình, liveshow riêng.
Nhà hát Hòa Bình ra đời và đi vào hoạt động từ giữa năm 1985 nhưng theo thời gian, sân khấu với sức chứa lên đến 2.330 người, cùng hệ thống sân khấu quay độc đáo có đường kính 22m này ít nhiều đã xuống cấp. Tuy nhiên, với quy mô hoành tráng của nhiều chương trình nghệ thuật, nhà hát vẫn được các đơn vị nghệ thuật, “bầu sô” chọn làm địa điểm tổ chức sự kiện, nhằm đáp ứng một lượng khán giả lớn đến với chương trình. Bên cạnh đó, nhà hát còn thường xuyên là nơi tổ chức các hội nghị, buổi học tập nghị quyết, tuyên truyền chính trị… của địa phương.
Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang đang đóng cửa sau 1 năm hoàn thành. Ảnh: DŨNG PHƯƠNG
Xuống cấp, chắp vá
Theo thời gian, hàng loạt rạp hát trên địa bàn TPHCM dần bị biến chuyển công năng, không ít rạp nổi tiếng một thời, giờ đã biến mất. Trong khi đó, các rạp còn lại như Kim Châu, Nhân Dân, Long Phụng, Lệ Thanh… đã và đang xuống cấp trầm trọng khi sân khấu, nền gạch bị bong, bể; ghế hỏng hóc, đèn hư, tường nứt, thấm nước, trần nhà dột… Hầu hết đơn vị quản lý những rạp hát này đều chia sẻ rằng chỉ có thể sửa chữa dặm vá tạm thời. Có nhà hát lại được tận dụng làm kho chứa đạo cụ, cảnh trí, nhạc cụ; là nơi tập luyện, chạy chương trình trước khi diễn chính thức; làm nơi hoạt động văn phòng… chứ không thể sử dụng làm địa điểm tổ chức các hoạt động biểu diễn phục vụ như chức năng, công năng vốn có của mô hình rạp hát.
NSND Đặng Hùng, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc dân tộc Bông Sen, trăn trở: “Rạp Kim Châu đã rất xuống cấp. Gọi là điểm diễn nhưng không ra điểm diễn. Chúng tôi lại không có kinh phí tu bổ lớn. Vậy nên, cứ có chút đỉnh tiền là thay bóng đèn, có khi thay đường dây điện, sửa máy lạnh, rất lắt nhắt. Lâu lâu, tôi lại làm đơn xin một ít kinh phí để sửa chữa, nâng cấp tạm thời nội thất, cốt yếu là tạo không gian an toàn để anh em nghệ sĩ có nơi tập luyện. Nhưng thật tình, những sửa chữa chắp vá ấy chẳng ăn thua gì. Đây thực sự là vấn đề vô cùng nan giải, chỉ mong lãnh đạo thành phố có sự quan tâm đến các thiết chế văn hóa của thành phố”.
Còn hoạt động của các sân khấu xã hội hóa, sau hơn 20 năm, các điểm diễn vẫn là sân khấu của các TTVH, nhà thiếu nhi (NTN) các quận, với thiết kế ban đầu chỉ để phục vụ các buổi hội họp, phục vụ công tác chính trị, công tác chuyên môn của các TTVH, NTN. Sau khi các ông bà bầu thuê mướn mặt bằng sân khấu, ít nhiều đều phải tự đầu tư cải thiện về không gian sân khấu, phông màn, ghế ngồi, trang bị thêm âm thanh, ánh sáng… mới có thể tạm sử dụng để làm nghề. Thế nhưng, hiện nay, hầu hết sân khấu của các TTVH, NTN đều được xây dựng vài chục năm, duy chỉ có địa điểm NTN quận 10, khánh thành và đi vào hoạt động từ tháng 6-2014 - nơi sân khấu Hoàng Thái Thanh đóng đô là còn tương đối mới, khang trang.
Sai phạm, lãng phí
Rạp Hưng Đạo được xem là một công trình văn hóa lớn của thành phố, sau hơn 40 năm đất nước thống nhất, miền Nam hoàn toàn giải phóng. Tuy nhiên, khi dự án xây dựng rạp Hưng Đạo chưa hoàn thành những khâu cuối cùng, giới nghệ sĩ sân khấu đã bày tỏ sự bức xúc, bất bình, vì có quá nhiều sai phạm trong thiết kế xây dựng rạp hát. Dù rạp Hưng Đạo đã chính thức bàn giao cho Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang trong hơn 1 năm qua, nhưng đơn vị nghệ thuật này vẫn không thể đưa rạp vào sử dụng.
Sau gần 4 tháng thanh tra dự án này, ngày 11-7-2016, Thanh tra TPHCM đã có kết luận. Theo kết quả thanh tra, việc thiết kế một số hạng mục chưa phù hợp với mục đích sử dụng cho loại hình sân khấu cải lương; sàn diễn sân khấu chính thiết kế miệng sân khấu 10m là chưa bảo đảm theo tiêu chuẩn quy định; vị trí lắp đặt hệ thống âm thanh, đèn, ghế ngồi khán giả, bàn điều khiển âm thanh, ánh sáng tại khán phòng chính chưa phù hợp theo yêu cầu của Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang… Dự án thực hiện kéo dài dẫn đến yếu tố trượt giá vật tư xây dựng qua các năm, làm thay đổi chi phí tổng mức đầu tư được duyệt từ hơn 59 tỷ đồng lên hơn 132 tỷ đồng, gây lãng phí ngân sách nhà nước. Theo kết luận thanh tra, trong quá trình triển khai thực hiện dự án, do năng lực của chủ đầu tư (Ban Quản lý xây dựng công trình - Sở VHTT-DL TPHCM, nay là Sở VH-TT TPHCM; Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang) và một số đơn vị tư vấn yếu kém, chưa có nhiều kinh nghiệm đối với loại hình đặc thù về nghệ thuật cải lương nên đã xảy ra nhiều sai phạm.
Cách đây vài năm, Sở VH-TT TPHCM từng cho biết có dự án xây dựng Nhà hát Phương Nam tại khu vực Nhà thi đấu Phú Thọ với kinh phí lên tới ngàn tỷ đồng. Phía Nhà hát Giao hưởng - Nhạc - Vũ Kịch (HBSO) cũng trầy trật nhiều năm với dự án trên giấy về việc xây dựng nhà hát ở Thủ Thiêm hay ở công viên 23-9. Nếu HBSO được khởi công, kinh phí thực hiện công trình nhà hát quy mô hơn 1.500 ghế này cũng không phải nhỏ.
Việc xây nhà hát cho TPHCM - thành phố có nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật nổi bật, sôi nổi nhất nước, là điều vô cùng cần thiết. Nhưng, trước những sai phạm trong xây dựng rạp Hưng Đạo - Nhà hát Cải lương Trần Hữu Trang, hy vọng các dự án xây dựng nhà hát trong tương lai cần phải rút kinh nghiệm, phải có sự tính toán tỉ mỉ, chính xác, cẩn trọng khi bắt tay thực hiện, khởi công công trình mới, nhằm tránh lãng phí ngân sách nhà nước và để người dân TPHCM được thụ hưởng các thiết chế văn hóa đủ chuẩn, xứng tầm.
THÚY BÌNH