Nhà mạng đau đầu với bài toán 3G

Các chuyên gia cho rằng với mức giá cước 3G hiện nay và nếu không được điều chỉnh thì người tiêu dùng trong nước có thể sẽ phải sử dụng 3G với tốc độ… 2G.
Nhà mạng đau đầu với bài toán 3G

Các chuyên gia cho rằng với mức giá cước 3G hiện nay và nếu không được điều chỉnh thì người tiêu dùng trong nước có thể sẽ phải sử dụng 3G với tốc độ… 2G.

Bởi để kinh doanh thành công 3G thì vùng phủ 3G phải tương đương 2G, trong khi đó dung lượng của 2G tăng 2 lần thì doanh thu tăng 1,5 lần, nhưng với 3G thì dung lượng tăng 10 lần doanh thu chỉ tăng 1,5 - 2 lần.

Gần 4 năm trước, doanh nghiệp viễn thông trong nước đầu tư vào mạng 3G. Ngay khi ra mắt, các nhà mạng đưa ra giá cước dưới mức giá thành với mong muốn kích thích người tiêu dùng sử dụng công nghệ mới thay cho 2G.

Trong một thời gian dài được sử dụng mức giá rẻ, số lượng người dùng 3G tăng lên nhanh chóng (theo số liệu từ Bộ Thông tin và T ruyền thông là khoảng 20 triệu người) và xu hướng sử dụng dịch vụ 3G cũng thay đổi. Nếu như trước đây các thuê bao thường lướt net, dùng email trên di động thì hiện nay khách hàng có xu hướng sử dụng di động up ảnh và video chia sẻ trên các trang mạng xã hội. Bên cạnh đó, 1 năm nay số lượng khách hàng sử dụng smartphone tăng nhanh chóng kéo theo nhu cầu sử dụng dữ liệu và đòi hỏi chất lượng ngày càng cao.

Người dùng 3G muốn nhà cung cấp dịch vụ cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng của mạng

Người dùng 3G muốn nhà cung cấp dịch vụ cải thiện hơn nữa tốc độ kết nối và chất lượng của mạng

Theo số liệu của các nhà mạng, lượng khách hàng sử dụng 3G tăng gấp 5 lần so với năm 2011, đồng thời nhu cầu trải nghiệm dịch vụ của khách hàng ngày càng đòi hỏi cao hơn. Nếu trước đây khách hàng truy cập các trang wap (dạng text) để tiết kiệm băng thông thì nay họ truy cập những trang web có đủ cả tranh ảnh, video,…

Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao này, doanh nghiệp viễn thông đã có nhiều biện pháp để nâng cao chất lượng băng thông 3G. Đến nay, chất lượng mạng 3G của các nhà mạng đạt 1,8Mbps tốc độ tải trung bình trên thực tế, tỷ lệ thành công cuộc gọi đạt trên 99%, cao hơn rất nhiều so với cam kết ban đầu trong hồ sơ xin cấp phép triển khai 3G (tốc độ tải tối thiểu tại nông thôn là 284Kbps, ở thành thị là 384Kbps).

Một chuyên gia trong ngành viễn thông nhận định: “Với lượng người sử dụng tăng lên và nhu cầu về sử dụng dung lượng lớn, không mấy chốc mạng 3G sẽ trở thành 2G dưới góc độ tốc độ truy cập. Vì vậy, nếu doanh nghiệp không có đầu tư tiếp cho 3G thì nguy cơ “nghẽn” mạng 3G là điều khó tránh khỏi. Ngoài ra với một hạ tầng mạng lưới đã được phủ sâu rộng trong thời gian qua cộng với mức giá cước 3G hiện đang bán dưới giá thành thì nhà mạng khó lòng tái đầu tư và nâng cao chất lượng dịch vụ. Và khi chưa thể thu lợi được từ 3G thì các nhà mạng sẽ chưa thể nghĩ tới chuyện đầu tư 4G tại Việt Nam. Và như thế, giá cước 3G rẻ chưa hẳn đã tốt. Bởi có thể hiện tại là có lợi với người tiêu dùng, nhưng về lâu dài thì đó là một sự thiệt thòi”.

Theo tính toán, hiện giá 3G của Việt Nam đang rẻ hơn khoảng 10 lần so với Trung Quốc và rẻ hơn 40 lần so với các nước châu Âu. Tại buổi họp mới đây, Thứ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Lê Nam Thắng cho rằng giá cước 3G tại Việt Nam hiện thuộc loại rẻ nhất thế giới, trong khi chất lượng vẫn đáp ứng được gần hết nhu cầu của khách hàng.

Vì vậy, tăng cước 3G trong thời gian tới là con đường “duy nhất” để cả khách hàng và nhà mạng cùng có lợi. Khi đó nhà mạng có đủ sức đầu tư mạng lưới và khách hàng được phục vụ các dịch vụ chất lượng tốt. Đây cũng là chủ trương do Bộ Thông tin và Truyền thông đưa ra với yêu cầu giá cước 3G dần dần đi lên dựa trên cơ sở giá thành. Trong lĩnh vực viễn thông, lâu nay mọi người thường có tâm lý quen với chuyện giá cước đi xuống hoặc đi ngang. Nay mọi chi phí dịch vụ khác như điện, nước… đều tăng thì cước viễn thông cũng phải tăng hoặc giảm theo cơ chế thị trường giống như các lĩnh vực dịch vụ khác. Người tiêu dùng cần quen dần với khái niệm tăng, giảm cước viễn thông, cước 3G là chuyện bình thường trong kinh doanh.

Theo Luật Giá mới, cơ quan quản lý không thể can thiệp vào việc tăng, giảm giá cước của doanh nghiệp, nhưng Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ quản lý giá cước dịch vụ viễn thông, dịch vụ 3G theo hướng quản lý bằng giá trần- Thứ trưởng Lê Nam Thắng phân tích.

Còn Phó Cục trưởng Cục Viễn thông Lê Thị Ngọc Mơ chia sẻ: “Bộ Thông tin và truyền thông không ủng hộ hoặc buộc doanh nghiệp viễn thông bán dịch vụ dưới giá thành, mà phải bán đúng với giá thành. Tăng cước 3G cũng là cơ hội để nhà mạng tăng cơ hội kinh doanh”.

P.V

Tin cùng chuyên mục