Nhà máy xi măng gây ô nhiễm

Nhà máy xi măng gây ô nhiễm

Từ khi Nhà máy xi măng Luksvaxi Văn Xá đi vào hoạt động, mọi sinh hoạt của người dân ở 2 xã Hương Vân và Hương Văn huyện Hương Trà (Thừa Thiên-Huế) bị đảo lộn do ô nhiễm bụi, nguồn nước và tiếng ồn. Nỗi bức xúc này đã kéo dài hơn 15 năm nay, kèm theo đó là nhiều bệnh tật phát sinh.

Mới đây người dân xã Hương Văn đã kéo đến bao vây Nhà máy xi măng Luksvaxi Văn Xá (thuộc Công ty xi măng Luks Việt Nam), ngăn chặn công nhân đến làm việc, nhằm phản đối nhà máy gây ô nhiễm môi trường. Do bị phong tỏa, hơn 400 công nhân làm ca đêm phải bỏ ca do không thể vào bên trong nhà máy. Nhiều người dân thôn Giáp Thượng cho biết, tối nào nhà máy cũng xả bụi dày đặc vào nhà dân khiến hàng chục người bức xúc kéo đến nhà máy, yêu cầu các phân xưởng phải dừng sản xuất để hạn chế ô nhiễm. Mỗi lần xả bụi, nhà máy tắt hết hệ thống điện để dân khó phát hiện.

Người dân kéo đến phản đối Nhà máy xi măng Luksvaxi Văn Xá gây ô nhiễm.

Người dân kéo đến phản đối Nhà máy xi măng Luksvaxi Văn Xá gây ô nhiễm.

Ông Đặng Công Bình, Bí thư Đảng ủy xã Hương Văn cho biết, người dân bức xúc lâu nay về nhiều vấn đề chứ không chỉ việc xả bụi. Cụ thể, công ty chậm xử lý môi trường, không chịu bồi thường thiệt hại cây cối và hỗ trợ bảo hiểm y tế khám chữa bệnh. Công tác đưa dân lên khu tái định cư Ruộng Cà mặc dù đã được huyện phê duyệt, song phía nhà máy không thực hiện đúng như cam kết.

Nhà máy xi măng Luksvaxi Văn Xá, đơn vị liên doanh giữa Tập đoàn Luks (Hồng Công) và tỉnh Thừa Thiên-Huế, bắt đầu hoạt động từ năm 1996 (nay tỉnh đã bàn giao lại toàn bộ cho Tập đoàn Luks). Do xây dựng ở gần khu dân cư nên từ khi đi vào hoạt động đã gây ô nhiễm cho người dân sống xung quanh, trong đó thôn Giáp Thượng, xã Hương Văn và thôn Sơn Công, xã Hương Vân (huyện Hương Trà) gánh chịu hậu quả nặng nề.

Chị Nguyễn Thị Hiền ở thôn Sơn Công, cho biết: “Trước đây nhờ nghề trồng cây ăn quả, gia đình mỗi năm cũng thu nhập từ 20 đến 30 triệu đồng, giờ chịu chết. Cây đu đủ trồng dễ nhất, giờ mới ra quả đã úa vàng. Mỗi lúc gia đình ngồi ăn cơm, bụi đen cả chén. Nhà cửa bị bụi xi măng bám đầy, giếng nước cũng nhiễm bẩn. Còn bà Lê Thị Nhụy, bức xúc nói: “Trước đây, tui không bệnh tật gì nhưng gần 4 năm nay bị viêm xoang, do hàng ngày hít phải khói bụi nên bệnh càng nặng thêm”.

Được biết, từ cuối năm 2005, tỉnh Thừa Thiên-Huế không còn liên doanh, giao lại toàn bộ nhà máy xi măng này cho phía Hồng Công điều hành, nhà máy liên tục nâng công suất nên lượng bụi thải ra càng lớn, ô nhiễm môi trường càng nghiêm trọng.

PHAN LÊ

Tin cùng chuyên mục