TPHCM có khá nhiều công trình kiến trúc có giá trị cần được bảo tồn. Tuy nhiên, ngoài những công trình được xếp vào hàng di sản đã được bảo vệ bởi Luật Di sản, rất nhiều công trình có giá trị khác chưa được giữ gìn và bảo vệ đúng mức. Tại sao như vậy? Báo Sài Gòn Giải Phóng đã có cuộc trao đổi với TS-KTS Nguyễn Trọng Hòa, Viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển TPHCM xung quanh vấn đề này.
Người dân quyết định chọn nhà đầu tư
- PV: Khoảng những năm 1990 của thế kỷ trước, TPHCM đã từng thống kê, nghiên cứu về các công trình kiến trúc có giá trị cần được bảo tồn và hiện nay UBND TPHCM cũng đang giao cho Viện Nghiên cứu phát triển nghiên cứu sâu rộng hơn về công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị. Thưa ông, tại sao cứ mãi nghiên cứu mà chưa triển khai thực hiện công tác bảo tồn trong thực tế?
TS-KTS NGUYỄN TRỌNG HÒA: Bảo tồn những công trình kiến trúc có giá trị (không thuộc hạng di sản) không đơn giản bởi đa phần các kiến trúc ấy đang là một phần trong cuộc sống của người dân, gắn bó chặt chẽ với cuộc sống người dân. Tôi lấy ví dụ, một số nhà phố có từ thời Pháp ở khu vực gần chợ cầu Muối (quận 1) hay một số ngôi nhà khác cũng có từ thời Pháp ở khu vực đường Hải Thượng Lãn Ông (quận 5)… Đây là những kiến trúc khá độc đáo, mang dấu ấn về lịch sử phát triển khá rõ nét của TP mà TP đang thực thi một số chính sách để bảo vệ như hạn chế xây dựng, hạn chế sửa chữa… Thế nhưng, tất cả mới chỉ là những chính sách sơ khởi ban đầu của công tác bảo tồn. Công tác bảo tồn thực sự còn đang được nghiên cứu bởi bảo tồn không có nghĩa bảo tàng các công trình mà phải đưa chúng vào cuộc sống. “Bắt” chúng phải hòa nhập với cuộc sống đương đại của người dân, phục vụ người dân, phục vụ cộng đồng song không được làm ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc sống người dân cư ngụ trong các công trình ấy. Công việc này không hề đơn giản.
- Nhưng mọi công việc dù khó khăn đến đâu cũng phải đến lúc kết thúc. Trong nhiệm vụ được UBND TPHCM giao nghiên cứu công tác bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị trên địa bàn TP, Viện Nghiên cứu phát triển đã có ý hướng gì cho công tác này?
Viện Nghiên cứu phát triển đã xác lập được một số nguyên tắc cơ bản cho công tác bảo tồn trên địa bàn TP. Trước hết, công tác nghiên bảo tồn phải là tổng hòa các giải pháp đồng bộ từ kỹ thuật đến kinh tế. Hiện nay, đa phần người dân - chủ các công trình kiến trúc có giá trị - đều không có khả năng tài chính để chi trả cho công tác bảo tồn. Do vậy, nguyên tắc đầu tiên trong bảo tồn mà Viện Nghiên cứu phát triển sẽ đề xuất lãnh đạo TP xem xét là xây dựng được phương án bảo tồn vừa bảo tồn được công trình vừa phải hấp dẫn về mặt kinh tế để thu hút các nhà đầu tư tham gia. Hơn nữa, để nguyên tắc thứ nhất được người dân chấp nhận, viện sẽ đề xuất thêm nguyên tắc thứ hai, đó là tư vấn và nhà đầu tư sẽ trực tiếp làm việc với người dân, cùng người dân tìm ra phương án khả thi nhất, vừa đúng theo yêu cầu bảo tồn của nhà nước vừa đảm bảo lợi ích của người dân, nhà đầu tư và cả cộng đồng.
Nhà nước chỉ là người ra chính sách
- Như vậy, trong quan điểm về bảo tồn mà Viện Nghiên cứu phát triển sẽ trình TP, vai trò của nhà nước chỉ là người ra chính sách, còn thực thi là người dân - chủ nhân các công trình kiến trúc có giá trị?
Nhà nước sẽ chỉ là người ra chính sách, đặt các yêu cầu về bảo tồn để đảm bảo giữ gìn được công trình cho cả cộng đồng, cho cả xã hội. Vấn đề còn lại, nhà nước sẽ tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, các nhà tư vấn được làm việc và thỏa thuận trực tiếp với dân. Người dân được chọn nhà đầu tư hợp tác với mình. Kinh nghiệm ở một số nước lân cận cho thấy, nhà đầu tư có thể liên kết với dân, đưa công trình vào khai thác du lịch. Theo đó, người dân sẽ được nhận một phần lợi nhuận trước để đi thuê nhà ở nơi khác. Công trình kiến trúc sẽ được tu bổ lại, tất nhiên phải theo các quy định về bảo tồn một cách chặt chẽ và mở cửa đón khách du lịch. Cũng có trường hợp người dân sẽ không dời đi mà chỉ dành một phần công trình cho khai thác du lịch… TPHCM có thể áp dụng các kinh nghiệm này trong việc bảo tồn các công trình kiến trúc cho giá trị.
- Bao giờ Viện Nghiên cứu phát triển sẽ trình nghiên cứu này cho UBND TPHCM xem xét?
Dự kiến đến cuối năm nay, viện sẽ trình UBND TPHCM xem xét những nguyên tắc cơ bản trong bảo tồn các công trình kiến trúc có giá trị. Lưu ý, đây chỉ là những nguyên tắc cơ bản. Trong mỗi công trình bảo tồn cụ thể, tư vấn và người dân sẽ tham khảo những quy tắc để linh hoạt ứng dụng trong thực tế với mục tiêu cao nhất: bảo tồn được các công trình kiến trúc có giá trị.
Nguyễn Khoa