TPHCM có nhiều sáng kiến hợp lòng dân, từ chương trình xây nhà tình nghĩa, nhà tình thương, xóa đói giảm nghèo và nay một số quận đã và đang triển khai phong trào hiến đất làm đường, mở rộng hẻm, chỉnh trang đô thị. Đến nay, đã có 86.568 hộ dân hiến hơn 4 triệu m² đất, đóng góp 1.180 tỷ đồng đầu tư cơ sở hạ tầng.
Thời gian qua, quận Phú Nhuận là quận nội thành có nhiều con hẻm chật hẹp đã được người dân hiến đất để mở rộng. Làm được là nhờ có sự phối hợp chặt chẽ giữa quận, phường và ban vận động mở rộng hẻm. Kiên trì vận động giải thích, thuyết phục để người dân tự nguyện và đồng thuận với chủ trương mở rộng đường, hẻm nên việc hiến đất mở rộng hẻm đã được người dân ủng hộ.
Tính đến nay, người dân trong quận đã hiến gần 9.000m² đất trị giá hơn 250 tỷ đồng. Hẻm được mở rộng làm cho nhà nhà thông thoáng, góp phần cải thiện đáng kể về tình hình giảm ùn tắc giao thông và công tác phòng cháy, chữa cháy được thuận tiện, nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, một số quận khi triển khai cuộc vận động hiến đất mở rộng hẻm đã gặp khó khăn, có con đường, con hẻm đã hoàn thành nhưng chỉ có vài hộ không “đồng thuận”, dẫn đến tình trạng căn nhà chồi ra chắn một phần đường, hẻm làm ảnh hưởng mỹ quan đô thị (như ở Tân Bình, quận 12…).
Hiện nay TP rất thiếu bãi đậu xe, nhà gửi xe nên cũng cần xem lại việc quy hoạch khi cho phép xây dựng nhiều cao ốc văn phòng, nhà ở trong khu vực trung tâm nhưng lại thiếu nơi đậu xe và nhà giữ xe. Tại những tuyến đường có đông phương tiện giao thông lưu thông, mặt tiền trở thành nơi kinh doanh của người dân.
Thế nhưng, khi xây dựng nhà mới thì việc xây tầng hầm để xe vẫn dừng lại ở mức “tự nguyện” khi được cấp giấy phép xây dựng, chi phí xây dựng tầng hầm cao, chỉ vì diện tích kinh doanh bị hạn chế nên nhiều hộ không làm, đã đẩy trách nhiệm giữ xe cho xã hội giải quyết.
TPHCM kêu gọi người dân tham gia xây dựng gia đình văn hóa, khu phố văn hóa và được người dân nhiệt tình tham gia. Tuy nhiên, có nơi sau nhiều năm người dân tốn công sức đóng góp xây dựng khu phố đạt chuẩn khu phố văn hóa nhưng lại bị ảnh hưởng bởi nguyên nhân khách quan do cơ chế quản lý theo địa bàn.
Chẳng hạn, cầu Trường Đai và cầu Chợ Cầu là địa bàn giáp ranh giữa quận Gò Vấp và quận 12 từ lâu tồn tại chợ bán gia cầm trái phép. Nhiều lần phường hoặc quận ra quân truy quét, nhưng do không có sự “hiệp đồng” giữa hai quận, những người buôn bán gia cầm của quận đang bị truy quét chạy sang ranh quản lý của quận kia xem như thoát! Rốt cuộc việc xử lý triệt để buôn bán gia cầm ở khu vực này không đạt kết quả như mong muốn.
Một chủ trương khả thi đòi hỏi có sự hưởng ứng tích cực từ phía người dân, đồng thời chính quyền có quy định phù hợp với thực tế. Chẳng hạn, trường hợp cố tình không tham gia mở rộng hẻm, nếu cần có thể cưỡng chế. Việc làm hầm để xe phải được xem như là điều kiện để cấp phép kinh doanh mặt bằng ở mặt tiền. Những cao ốc chưa có nhà để xe phải sớm xây dựng nhà để xe thông minh.
Công tác quản lý hành chính theo địa bàn cần có sự phối hợp liên quận, nếu quận nào không thực hiện phải chịu trách nhiệm trước TP... Có như thế, những chủ trương hợp lòng dân sẽ được người dân nghiêm túc thực hiện, tạo điều kiện để TP chúng ta trở thành TP văn minh, hiện đại.
Lê Tăng Định