Nhà sáng chế vì cộng đồng

Được nghe về tài sáng chế cũng như tấm lòng nhân ái dành cho những phận đời bất hạnh của Giang Mãng Phước đã lâu, nhưng phải đến khi gặp, cùng trò chuyện và tận mắt nhìn sản phẩm mà anh sáng tạo mới cảm phục cái tâm của một người luôn xem hạnh phúc của người khác như hạnh phúc của chính mình.
Nhà sáng chế vì cộng đồng

Được nghe về tài sáng chế cũng như tấm lòng nhân ái dành cho những phận đời bất hạnh của Giang Mãng Phước đã lâu, nhưng phải đến khi gặp, cùng trò chuyện và tận mắt nhìn sản phẩm mà anh sáng tạo mới cảm phục cái tâm của một người luôn xem hạnh phúc của người khác như hạnh phúc của chính mình.

Say mê sáng tạo

Anh Giang Mãng Phước (bìa phải) cùng các công nhân là người khuyết tật.

Anh Giang Mãng Phước (bìa phải) cùng các công nhân là người khuyết tật.

Một trong những sản phẩm đầu tay được anh Giang Mãng Phước tâm đắc chia sẻ với chúng tôi là chiếc máy hủy kim tiêm mà anh dốc hết tâm huyết nghiên cứu chế tạo. Thập niên 90 của thế kỷ trước, để xử lý rác y tế, trong đó có kim tiêm sau khi sử dụng, ngành y tế trong nước thường phải sử dụng các loại máy hủy kim ngoại nhập, giá thành cao. Lúc đó, là nhân viên công ty trang thiết bị kỹ thuật y tế, có điều kiện thường xuyên tiếp xúc và nắm khá vững cấu tạo, nguyên lý hoạt động của các loại máy móc này, anh Phước nảy sinh ý định chế tạo ra máy hủy kim của Việt Nam đầu tiên. Ưu điểm vượt trội của máy là gọn nhẹ, dễ sử dụng, độ an toàn cao, hủy được nhiều loại kim nhưng giá thành chỉ bằng 1/3 máy nhập ngoại. Tháng 5-1999, thiết bị này sau khi kiểm nghiệm tại Chi cục Tiêu chuẩn đo lường chất lượng TPHCM đã được đánh giá cao và cấp phép lưu hành. Hơn 5.000 máy hủy kim tiêm của anh Phước đã có mặt tại nhiều cơ sở y tế, bệnh viện. “Giờ nhớ lại tôi vẫn rất vui và tự hào vì góp chút công sức cho cộng đồng. Tôi làm để chứng minh rằng, trí tuệ người Việt Nam không thua kém bạn bè quốc tế” - anh Phước tâm sự.

Không dừng lại đó, cuối năm 1999, anh tiếp tục gặt hái thành công khi cho ra sản phẩm nhãn áp kế có độ chính xác cao (dùng đo mắt trước khi phẫu thuật) với giá thành chỉ bằng 1/10 hàng nhập. Dụng cụ này cũng đã được bệnh viện mắt tin dùng. Một thành quả khác cũng rất đáng trân trọng cho những nỗ lực trong suốt quá trình đam mê, sáng tạo không ngừng nghỉ của anh, đó là chiếc cáng cứu thương cải tiến ra đời vào năm 2006, với giá thành khoảng 2 triệu đồng/chiếc (rẻ hơn nhiều so với hàng ngoại nhập). Loại cáng này thiết kế có bánh xe giúp di chuyển người bị nạn dễ dàng và có thể gấp lại khi không sử dụng. Độ chịu lực hơn 300kg. Trong trường hợp cần thiết, có thể nối nhiều cáng lại với nhau thành thang cứu hộ thẳng đứng, giúp thoát hiểm nhanh chóng. Và cũng chính sản phẩm này đã mang lại cho anh tấm bằng độc quyền giải pháp hữu ích của Cục Sở hữu trí tuệ (2006), giải nhì Giải thưởng sáng chế TPHCM (2008) và Huy chương vàng Hội chợ công nghệ thiết bị ASEAN +3 (2009).

Đồng hành cùng người khốn khó

Không chỉ đam mê sáng tạo ra sản phẩm hữu ích phục vụ cộng đồng, đề cao trí tuệ Việt, anh Giang Mãng Phước còn được biết đến như một người bạn thân thiết của những số phận éo le, cơ nhỡ. Kỷ niệm đáng nhớ nhất về duyên nợ làm từ thiện là việc giúp đỡ chị Nguyễn Thị Bá Liên, quê Bình Thuận. Người phụ nữ bất hạnh ấy đã sống khắc khoải suốt 20 năm ròng trong những cơn đau giày vò, nỗi mặc cảm tột độ khi mang trên mặt khối u thịt nặng gần 2kg. Đến Bệnh viện Ung bướu TPHCM làm công tác từ thiện, tình cờ biết chuyện chị Liên, xúc động, anh Phước quyết định hỗ trợ chị hàng chục triệu đồng để phẫu thuật.

Tháng 2-2011, tâm nguyện ấp ủ hàng bao năm về một cơ sở từ thiện để giúp đời của anh Phước thành hiện thực khi anh được Hội Giáo dục - Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam cho phép thành lập Trung tâm Giáo dục - Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Phước Vinh. Và cũng chính từ trung tâm này, hơn 10 năm qua, anh Phước đã giúp cho hàng chục lượt người khuyết tật có công ăn việc làm. Từ lúc ra đời đến nay, ngoài việc nghiên cứu chế tạo các loại thiết bị y tế, Trung tâm Phước Vinh đã đẩy mạnh việc phát triển sản xuất các công cụ đa năng hỗ trợ người khuyết tật. Hàng loạt các sản phẩm chất lượng cao, giá thành rẻ đã đến tận tay người khuyết tật như gậy, xe lăn, dụng cụ tập đi, vật lý trị liệu... Và trong số hàng chục công nhân lành nghề làm việc tại nơi đây, 1/2 là người khuyết tật.

Nhờ những đóng góp xuất sắc cho cộng đồng hàng chục năm qua, ngoài nhiều tấm bằng người tốt việc tốt, bằng sáng chế, anh Giang Mãng Phước còn được Bộ Y tế trao Kỷ niệm chương Vì sức khỏe nhân dân. Tháng 5-2013, anh vinh dự nhận giải thưởng cuộc thi viết về nhân tố mới thời đại Hồ Chí Minh

Mai Nguyễn

Tin cùng chuyên mục