Nhà thơ Nguyễn Hoa: Nên coi viết là sự nghiệp thiêng liêng

Nhà thơ Nguyễn Hoa: Nên coi viết là sự nghiệp thiêng liêng

Hàng năm, cứ vào dịp cuối năm, những người viết văn, làm thơ lại bắt đầu xôn xao và nghe ngóng... xem ai được kết nạp vào Hội Nhà văn Việt Nam trong năm nay. Đây là một thực tế của đời sống văn học nước nhà. Chúng tôi đã trao đổi với nhà thơ Nguyễn Hoa - ủy viên BCH, Trưởng ban Tổ chức - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

nhà thơ Nguyễn Hoa

nhà thơ Nguyễn Hoa

- Phóng viên: Thưa nhà thơ, nghe nói số hồ sơ xin vào Hội Nhà văn Việt Nam hiện đang tồn đọng rất nhiều! Có đúng thế không?

>> Nhà thơ NGUYỄN HOA: Vâng, cũng khá nhiều đấy! Hiện nay, số hồ sơ xin gia nhập Hội Nhà văn Việt Nam là 641 (tính đến ngày 20-11). Hồ sơ lâu nhất cũng khoảng 15, 16 năm.

- Nhiều thật. Qua con số này ông có nghĩ rằng đất nước ta quả là đất nước của thơ văn hay không?

Dân tộc ta vốn có truyền thống thơ ca, nhất là trong những năm gần đây điều kiện mọi mặt đều phát triển và tốt lên; tôi nghĩ một đất nước mà có nhiều người sáng tạo văn học là điều rất đáng mừng. Đấy là nói đội ngũ gần 1.000 hội viên chính thức của Hội Nhà văn Việt Nam và số người sáng tác đang xin gia nhập hội.

Bên cạnh đó còn biết bao người sáng tạo văn học, nghiên cứu văn học... vẫn đang miệt mài ngày đêm vì văn chương chữ nghĩa mà họ cũng chẳng cần thiết phải đứng trong một hội, đoàn nào... Văn học nghệ thuật, nói chung phải lấy chất lượng tác phẩm làm thước đo, chứ không nhất thiết nhìn vào số lượng.

- Vậy mỗi năm Hội Nhà văn Việt Nam kết nạp được bao nhiêu hội viên và tiêu chuẩn để được kết nạp ra sao?

Trung bình mỗi năm Hội Nhà văn Việt Nam xét kết nạp được hơn 20 hội viên. Hiện nay, hội viên cao tuổi nhất của chúng tôi là nhà văn, nhà viết kịch Học Phi, sinh năm 1913; hội viên trẻ nhất là nhà thơ Trần Hoàng Thiên Kim, sinh năm 1981. Tiêu chuẩn trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam đã được ghi đầy đủ trong điều lệ hội: Có tác phẩm đã in, được đánh giá có giá trị văn học; có giới thiệu đảm bảo của hai hội viên; có hai tác phẩm đứng tên riêng xuất bản thành sách, được dư luận đánh giá cao.

- Vậy còn quy trình xét kết nạp, thưa ông?

Công dân Việt Nam sau khi có đầy đủ các tiêu chuẩn trên sẽ làm hồ sơ gửi Ban công tác hội viên theo đúng quy định. Sau đó chúng tôi phân loại và gửi hồ sơ đến 4 ban chuyên môn là: văn xuôi, thơ, lý luận phê bình, văn học dịch (từ khóa 8 đã bỏ các ban như: an ninh quốc phòng, văn học thiếu nhi, văn học thiểu số. Sáng tác thuộc thể văn xuôi thì đưa vào văn xuôi, thơ đưa vào thơ... không phân chia như trước). Sau đó Ban hội viên gửi hồ sơ xuống các chi hội địa phương có người tham dự kết nạp để đánh giá và thẩm định từ cơ sở.

Sau khi các hội đồng chuyên môn xem xét, chọn lựa, bỏ phiếu kín, những người được quá bán sẽ lập thành danh sách và trình ban chấp hành Hội Nhà văn xem xét. Ban chấp hành với nhiều kênh thông tin thẩm định sẽ tiến hành bỏ phiếu kín. Tác giả nào quá bán sẽ trở thành hội viên Hội Nhà văn Việt Nam.

- Tuy tiêu chuẩn và quy trình rất rõ ràng nhưng nhiều năm qua vấn đề ai xứng đáng là hội viên luôn gây tranh cãi, luận bàn với nhiều ý kiến, quan điểm trái chiều. Vậy điều gì chưa ổn hoặc có tiêu cực chăng?

Tôi xin khẳng định không có gì chưa ổn hoặc tiêu cực ở đây. Hội Nhà văn Việt Nam là hội nghề nghiệp của những người sáng tạo văn học. Ai thấy có nhu cầu thì làm đơn xin gia nhập (tất nhiên phải đủ tiêu chuẩn). Văn chương nghệ thuật rất khó để đánh giá bởi quan niệm, quan điểm của mỗi người khác nhau. Thành viên này cho là hay, nhưng người khác lại cho chưa tới... Nhưng tựu chung là anh phải có văn tài, có tác phẩm được dư luận đánh giá cao. Ngay đánh giá một tác phẩm cũng không thể tuyệt đối được.

Lịch sử văn học thế giới cho thấy, nhiều tác phẩm văn học khi ra đời không được dư luận nghề nghiệp và đương thời đánh giá tốt, nhưng sau đó vài chục năm người ta mới đánh giá chính xác được tầm mức của tác phẩm và tác giả đó.

- Dư luận cho rằng nhiều hội viên Hội Nhà văn hiện nay không sáng tác, hoặc có người “ bằng mọi cách” trở thành hội viên và sau đó cũng im luôn. Và, vào hội rồi thì không có ra... Ông nhìn nhận vấn đề này như thế nào?

Nghề văn cũng như các nghề khác, người sáng tác cũng có lúc nổi, lúc chìm chứ không phải lúc nào cũng sáng tác được, không phải cứ vào hội rồi là sáng tác nhiều... Tôi đã có dịp tiếp xúc Hội Nhà văn Trung Quốc, họ cũng như ta, nhiều người vào hội xong thì sự nghiệp văn chương coi như cũng kết thúc, chỉ còn cái danh hội viên.

Tôi nghĩ rằng đã đi theo nghề viết văn làm thơ, nên coi viết là sự nghiệp thiêng liêng của bản thân mình, và thông qua viết để đóng góp được gì cho nhân sinh mới là điều đáng quý. Ngày xưa, các cụ Nguyễn Trãi, Nguyễn Du, Hồ Xuân Hương, Đoàn Thị Điểm... họ làm gì có hội đoàn nào...

CAO MINH

Tin cùng chuyên mục