Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân: Trong dịch thuật, không có nguyên tắc bất di bất dịch

Ngoài những tác phẩm như: Mùa xa nhà, Nhà văn già và em mọi nhỏ, Vũ điệu buồn của chữ…, nhà văn Nguyễn Thành Nhân còn là dịch giả của hơn 30 đầu sách. Gần đây, ông vừa giới thiệu 2 dịch phẩm Trở lại cố hương (Thomas Hardy) và Căn phòng của Jacob (Virginia Woolf) do NXB Tổng hợp TPHCM ấn hành.

Phóng viên Báo SGGP có cuộc trò chuyện với ông về mối liên hệ giữa dịch thuật và sáng tác. 

Mong giới thiệu nhiều tác phẩm hay 

° PHÓNG VIÊN: Chỉ trong thời gian ngắn nhưng ông đã giới thiệu đến độc giả nhiều dịch phẩm quan trọng, gần đây nhất là Trở lại cố hương (Thomas Hardy) và Căn phòng của Jacob (Virginia Woolf). Sự chăm chỉ và bền bỉ này được xuất phát từ động lực nào?

° Nhà văn NGUYỄN THÀNH NHÂN: Một phần vì những tác phẩm kinh điển có rất nhiều mà chưa được dịch sang tiếng Việt. Không riêng tôi mà các dịch giả khác cũng vậy, có dịch cả đời cũng không hết những tác phẩm hay. Tôi nóng lòng mong muốn được giới thiệu nhiều tác phẩm đến với độc giả Việt Nam. Ngoài ra, trong vòng 2 năm nay, sở dĩ tác phẩm dịch của tôi được xuất bản nhiều là có sự ủng hộ của NXB Tổng hợp. Tôi dịch cuốn nào xong, gửi sang cũng đều được NXB đồng ý. Nó có sự cộng hưởng từ hai bên như vậy.  

Nhà văn, dịch giả Nguyễn Thành Nhân: Trong dịch thuật, không có nguyên tắc bất di bất dịch ảnh 1 Nhà văn Nguyễn Thành Nhân

° Khi dịch sách ông quan tâm đến việc giữ nguyên văn phong của tác giả hay dịch một cách linh hoạt cho phù hợp với thưởng thức của độc giả?

° Mỗi tác phẩm sẽ có một vấn đề khác nhau và tâm niệm của tôi là phải chuyển tải đúng tinh thần của tác giả. Mỗi tác giả đều có phong cách riêng, khi dịch tôi cố gắng giữ văn phong của họ. Nhưng trường hợp văn phong rối quá thì mình cũng phải gỡ. Có những câu, tôi đọc thì hiểu nhưng dịch qua tiếng Việt nếu bám sát vào nguyên văn chắc chắn sẽ gây khó khăn cho người đọc. Lúc đó, buộc phải mềm hóa nó. Tuy nhiên, số này tỷ lệ không cao. Ngay cả bản thân người viết cũng vậy, cũng có lúc mình không khống chế được dòng suy tưởng, thành ra ý tưởng lúc đó mơ hồ, rối rắm. Khi đọc, tôi cố gắng thấu hiểu xem tác giả muốn nói gì và sau đó diễn đạt lại cho câu văn bớt rối.

Thực ra, một tác giả cũng có văn phong thay đổi chứ không phải là nhất quán từ đầu. Trường hợp nhà văn lẫy lừng Virginia Woolf cũng vậy, bà thay đổi văn phong nhiều lắm. Đương nhiên, vẫn có một văn phong chủ đạo nhưng đi sâu vào chi tiết sẽ thấy những thay đổi và khác biệt. Thành ra với dịch thuật, không có một nguyên tắc nào bất di bất dịch mà mình phải linh động. Có chỗ mình phải cắt bớt hoặc thêm vào làm sao cho tròn ý. 

° Ông có nghĩ dịch cũng là tham gia vào sáng tạo lần thứ hai? 

° Nó cũng là sáng tạo nhưng chỉ ở một mức độ nào đó thôi, không đáng để vỗ ngực xưng tên về sự sáng tạo đó. Khi dịch, tôi cố gắng để chuyển tải càng sát với tinh thần của nguyên tác càng tốt. Sáng tạo ở đây chỉ là về mặt kỹ thuật, còn ý tưởng vẫn là của tác giả. Bản thân tác phẩm đã hay rồi, chuyện dịch có hay hay không tùy thuộc vào khả năng của người dịch.

Sẽ viết về đề tài hậu chiến 

° Ngoài dịch, ông còn được biết đến là một nhà văn. Đây có phải là lợi thế của ông khi dịch sách?

° Tôi nghĩ rằng, dịch hay hay dở phụ thuộc không nhỏ vào văn phong của người dịch. Văn phong của tác giả thì không bàn rồi, nhưng nếu người dịch cũng là người viết sẽ mang đến nhiều thuận lợi. Vì tôi có thể linh động trong quá trình dịch. Khi người dịch là người viết, vốn từ sẽ phong phú hơn, dịch sát nghĩa theo từ điển thì chính xác nhưng hiệu quả không cao, mình có thể sử dụng những từ khác đồng nghĩa và gợi hơn. 

° Ở chiều hướng ngược lại, dịch thuật mang lại điều gì lớn cho ông trong công việc sáng tác? 

° Nó có 2 mặt, lợi và hại. Cái lợi ở đây là mình học hỏi được nhiều thủ pháp nhưng cái hại cũng là học quá nhiều thủ pháp khiến mình bị rối, không biết nên sử dụng chiêu nào. Giống như một người học võ, nhiều chiêu quá cuối cùng không biết đâu mới là chiêu ruột của mình. Muốn luyện thành thục một chiêu nào đó cần phải có thời gian. Và thủ pháp trong văn chương cũng vậy. Muốn sử dụng thủ pháp nào đó phải viết đi viết lại, thậm chí viết cuốn này chưa thành công thì phải viết thêm cuốn khác. Ngay như Virginia Woolf, bà là mẹ đẻ của thủ pháp dòng ý thức nhưng đâu phải viết là thành công liền được. 

° Có ý kiến cho rằng, đỉnh cao của Nguyễn Thành Nhân là Mùa xa nhà. Ông nghĩ sao về ý kiến này? 

° Cho đến bây giờ, đó đúng là đỉnh cao của tôi, vì sau này, tôi chỉ ra mắt truyện ngắn, tản văn nên về mặt thể loại thì nó hơn rồi. Về mặt cấu trúc, ý tưởng cũng hơn. Nhưng thực sự, giờ nhắc đến Mùa xa nhà, tôi cũng chán rồi, giống như mình không có gì khác ngoài nó. Tôi vẫn muốn viết một cái gì đó hơn cuốn trước và vẫn đang cố gắng. 

° Trở về từ chiến trường K, ở một khía cạnh nào đó có thể xem đây là trải nghiệm quý giá. Nhưng thực tế, ông mới chỉ viết tiểu thuyết Mùa xa nhà; liệu trong tương lai, ông có trở lại với đề tài này nữa không?

° Với tôi, viết được Mùa xa nhà là đủ rồi. Tôi không muốn viết thêm tác phẩm nào nữa dính dáng đến chiến trường K. Dĩ nhiên, tác phẩm là góc nhìn của tôi, những người đã từng tham chiến, họ sẽ có những góc nhìn khác nhau. Đối với tôi, những gì cần nói, tôi đã nói hết trong Mùa xa nhà, còn cảm nhận như thế nào là ở độc giả, mình không thể chi phối được. Điều này vượt ngoài khả năng, tầm kiểm soát của tác giả. Nếu vài chục năm nữa mà vẫn có người nhớ đến thì tôi cảm ơn cuộc đời rất nhiều, còn không thì thôi. 

Hướng sắp tới của tôi là viết về đề tài hậu chiến, cũng là về những người lính nhưng không phải ở chiến trường K mà trong cuộc sống xã hội.

Tin cùng chuyên mục