Nhà văn hóa lao động (NVHLĐ) là nơi để công nhân đến thư giãn, giải trí lành mạnh, học tập nâng cao kiến thức nhằm tái tạo sức lao động sau những giờ làm việc tại công xưởng, nhà máy. Thế nhưng, có một nghịch lý tại TPHCM, nhiều NVHLĐ được xây dựng lên rồi... để đó. Có nơi chỉ èo uột vài lớp học gọi là cho có, chứ không quan tâm đến nhu cầu của công nhân lao động. Trong khi đó, phần lớn công nhân đang làm việc tại các doanh nghiệp, công ty trong và ngoài các khu chế xuất, khu công nghiệp (KCX-KCN) lại không có nơi vui chơi, giải trí.
Nhu cầu không gặp nhau
Khi được hỏi rằng trong thời gian không lên xưởng may thì chị làm gì, công nhân Vũ Thị Mai (22 tuổi, làm việc tại một công ty may trong KCN Tân Bình) thật thà nói: “Tan ca là tôi về phòng trọ để nấu ăn rồi nghỉ ngơi. Những ngày được nghỉ làm, tôi cũng chỉ ở phòng trọ xem ti vi, lướt facebook rồi ngủ”. “Sao không đến NVHLĐ quận để vui chơi?” - PV hỏi. “Tôi và các bạn có ghé NVHLĐ của quận Tân Phú vài lần nhưng thấy không có các hoạt động vui chơi, giải trí, chỉ có ít lớp nhưng không phù hợp với bản thân nên thôi tôi không đi nữa. Với lại từ nhà trọ lên đó cũng xa nên tôi ngại đi”, Mai chia sẻ.
Bản thân Mai cũng như nhiều công nhân khác vì thu nhập còn thấp nên việc bỏ ra vài trăm ngàn đồng để đi xem phim ở rạp, mua vé xem ca nhạc cuối tuần hay đi đến vui chơi ở các khu giải trí là điều không dám nghĩ đến. Nhiều công nhân nam làm việc tại KCX Tân Tạo cho biết, muốn chơi bóng đá, bóng chuyền thì cả nhóm phải bỏ tiền ra thuê sân bên ngoài chứ NVHLĐ không có sân.
Về tình hình hoạt động của các NVHLĐ trên địa bàn TP, ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) TPHCM, nhìn nhận: Đa phần các NVHLĐ tại quận, huyện đều kết hợp làm trụ sở hoạt động của liên đoàn nên việc tổ chức các hoạt động phục vụ công nhân lao động còn hạn chế, chưa thật sự phù hợp với một thiết chế văn hóa hoàn chỉnh.
Theo khảo sát của LĐLĐ TP về nhu cầu công nhân đối với NVHLĐ, ngoài việc tổ chức nhiều lớp học, đa dạng phương thức dạy thì các NVHLĐ cũng cần linh động về thời gian cho phù hợp với giờ giấc công nhân. Bên cạnh đó là chính sách về giá cũng cần được cân nhắc, bởi thu nhập của công nhân vẫn còn rất eo hẹp. “Là phụ nữ từ quê lên TP làm việc, em thiếu vốn sống nên rất sợ giao thiệp ra bên ngoài. Nếu được tham gia các khóa đào tạo về kỹ năng sống em sẽ tự tin hơn”, công nhân Nguyễn Thúy Hoa (KCX Linh Trung) nêu nguyện vọng.
Ông Trần Đoàn Trung cho rằng, trong khi nhu cầu của công nhân về một nơi vui chơi, giải trí, học tập là rất lớn nhưng NVHLĐ lại không có hoạt động để đáp ứng được. “Các NVHLĐ cần phải xem công nhân là đối tượng phục vụ chính, đồng thời xem xét nhu cầu công nhân là gì để từ đó đưa ra các hoạt động phù hợp. Tránh tình trạng NVH có lớp học nhưng công nhân không tham gia, trong khi công nhân muốn học những vấn đề khác thì lại không mở được lớp dạy. Không thể chấp nhận được việc công nhân đi ngang qua và nhìn NVHLĐ với ánh mặt xa lạ”, ông Trần Đoàn Trung nhấn mạnh.
Cửa hàng tiện ích trong NVHLĐ là mô hình hướng đến khi xây dựng các NVH trong thời gian tới
Xây dựng hoạt động có sức hút
Một điều không thuận lợi là hiện nay các NVHLĐ đều được xây dựng cách xa nơi ở và nơi làm việc nên cũng chưa thu hút được công nhân đến sinh hoạt. Mới đây, NVHLĐ dành cho công nhân nằm trong KCX-KCN đầu tiên được đưa vào hoạt động tại Khu Công nghệ cao TPHCM (quận 9), được xem là nhà văn hóa kiểu mẫu tại các KCN để phục vụ nhu cầu của công nhân lao động. Trong khuôn viên không chỉ có tòa nhà với các phòng chức năng, mà nơi đây còn có sân bóng, công viên cây xanh và siêu thị công đoàn. Để thu hút công nhân đến NVH, thời gian đầu công đoàn có chủ trương giảm học phí các lớp học đối với công nhân là công đoàn viên.
Theo bà Trần Kim Yến, Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, NVHLĐ Khu Công nghệ cao được xây dựng chính là sự quan tâm, chăm lo thiết thực của các cấp ủy Đảng, chính quyền và tổ chức công đoàn, để công nhân lao động có nơi vui chơi, giải trí lành mạnh, gắn bó, hiểu biết lẫn nhau sau giờ lao động mệt nhọc. Bà Yến bày tỏ mong muốn đây sẽ là ngôi nhà thứ 2 để các công nhân giao lưu, học tập.
Ông Trần Đoàn Trung, Phó Chủ tịch LĐLĐ TPHCM, cho biết mô hình xây dựng NVHLĐ mà các cấp công đoàn TP đang hướng tới chính là có đầy đủ các thiết chế phục vụ nhu cầu người lao động. Từ nhu cầu thiết thực của công nhân, thời gian tới LĐLĐ TP sẽ xây dựng thêm các NVH trong các KCX-KCN để thuận tiện cho công nhân đến vui chơi, học tập. Cụ thể, LĐLĐ TP đang chuẩn bị xây dựng tại KCN Tây Bắc (huyện Củ Chi) và KCN Vĩnh Lộc. Mô hình NVHLĐ hướng đến sẽ phải có cửa hàng tiện ích, khu biểu diễn, các phòng chức năng, khu thể dục thể thao… để thu hút công nhân lao động. Riêng NVHLĐ tại các quận, huyện sẽ phải tính toán lại để hoạt động phải theo hướng chuyên nghiệp.
THÁI PHƯƠNG