Nhà văn Lê Văn Nghĩa: Viết nhân nghĩa, sống nghĩa tình

Dẫu biết hơn 10 năm qua anh đã kiên cường chống chọi với bạo bệnh, dẫu biết tình yêu chữ nghĩa mãnh liệt đã giúp anh vượt lên để bền bỉ sáng tác… nhưng khi hay tin nhà văn Lê Văn Nghĩa ra đi, tôi và bạn bè anh không chỉ bàng hoàng, tiếc thương mà còn thấy rõ khoảng trống mà một nhà văn viết nhân nghĩa, sống nghĩa tình để lại. 
 Nhà văn Lê Văn Nghĩa trong buổi ra mắt hội đồng chuyên môn thuộc Hội Nhà văn TPHCM
Nhà văn Lê Văn Nghĩa trong buổi ra mắt hội đồng chuyên môn thuộc Hội Nhà văn TPHCM

1. Nhà văn Lê Văn Nghĩa từng có một thời gian đến với lĩnh vực sân khấu. Anh mê nhiều kiệt tác hài kịch của thế giới. Anh có thể thuộc lời thoại và nằm lòng những câu nói của những kịch tác gia mà anh yêu thích như Molière, Bernard Shaw… Điều này phần nào lý giải vì sao anh dốc sức cho Báo Tuổi Trẻ Cười, một tờ báo cười duy nhất của Việt Nam tồn tại, duy trì gần 40 năm qua.

Sân chơi hài hước đó cũng giúp Lê Văn Nghĩa nhiều lúc hóa trở thành những nhân vật như Điệp viên không không thấy, Đại Văn Mỗ, Thằng Hề… Những nhân vật này đang được NXB Tổng hợp chọn in vào 2 tập truyện trào phúng Điệp viên không không thấy và Đại Văn Mỗ; Điệp viên không không thấy và nhà thơ thần giáng.

Chị Đinh Thị Thanh Thủy, Giám đốc NXB Tổng hợp, khi biết tin anh đang hấp hối, vội đưa bìa 2 quyển sách và viết ngay trên trang cá nhân: “Em đang hết tốc lực. Ráng chờ tụi em, anh Lê Văn Nghĩa ơi! Anh sắp chạm vào đứa con tinh thần của mình, anh ơi!”. 

Nhân vật truyện trào phúng của Lê Văn Nghĩa không chất chứa tiếng cười ra nước mắt như Kép Tư Bền, nhưng cái sự tưng tửng, cà khịa, cái thứ gì cũng biết, cũng thấy của Không Không Thấy, hay cái sự tham lam đểu giả vô hạn độ của Đại Văn Mỗ, góp phần phản ánh một góc hiện thực mà chỉ có thủ pháp dùng tiếng cười mới có thể thấy rõ hơn những ngóc ngách tối tăm, để từ đó có thể nhận diện, mổ xẻ và tìm cách rọi vào đó thứ ánh sáng mà trước nhất, ánh sáng nơi tâm hồn người viết. 

2. Mười năm lâm trọng bệnh là thời gian nhà văn Lê Văn Nghĩa dồn sức làm việc, làm việc “trối chết”. Những quyển sách ghi dấu ấn văn chương của Lê Văn Nghĩa đều ra đời trong khoảng thời gian này. Đó là những truyện dài, truyện vừa, truyện ngắn, tản văn, bút ký, ghi chép… về Sài Gòn, còn lại, đọng lại trong ký ức và tình cảm sâu lắng của một người Sài Gòn yêu tha thiết mảnh đất mình sinh ra và lớn lên cùng với những thăng trầm được mất của nó. 

Những Mùa hè năm Petrus; Chú chiếu bóng, nhà ảo thuật, tay đánh bài và tụi con nít xóm nhỏ Sài Gòn năm ấy; Tụi lớp Nhứt trường Bình Tây, cây viết máy và con chó nhỏ; Mùa tiểu học cuối cùng… tuy viết về trường lớp, về thầy cô, về tụi học trò phá như quỷ, nhưng Lê Văn Nghĩa, bằng sự trải nghiệm gần cả cuộc đời gắn bó Sài Gòn - TPHCM và bằng cách thể hiện qua ngôn từ bình dị, gần gũi, tự nhiên, nhẹ nhàng, đặc biệt là sự hài hước dí dỏm vốn có, đã phần nào khắc họa được cốt cách của con người nghĩa khí và vẻ đẹp nghĩa nhân của một đô thị lớn nhất phương Nam. 

Rồi gần đây, những quyển sách mà Lê Văn Nghĩa cho mình chỉ là người lượm lặt đây đó chuyện hay chuyện lạ của người Sài Gòn - TPHCM trong những quyển tạp bút Sài Gòn khâu lại mảnh thời gian, Sài Gòn dòng sông tuổi thơ, Sài Gòn chuyện xưa mà chưa cũ… rồi quyển  sách mà nhà văn Lê Văn Nghĩa dành nhiều tâm sức Văn học Sài Gòn 1954-1975, những chuyện bên lề, càng cho thấy rõ hơn phẩm chất cao đẹp ở một người cầm bút. Nhà văn không chỉ khắc họa phần nào vẻ đẹp nhân nghĩa của con người, của một vùng đất trải qua bao biến cố, mà muốn qua đó rút ngắn những cách biệt, mở rộng biên độ thấu hiểu, bao dung và nỗ lực gắn kết giữa con người với con người. 

3. Khi được Hội Nhà văn TPHCM mời làm Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi nhiệm kỳ mới, nhà văn Lê Văn Nghĩa cân nhắc khá lâu rồi mới nhận lời. Tôi nhớ anh nói dứt khoát: “Không biết trước đây thế nào, nhưng tôi giữ vị trí này thì đề nghị các thành viên hội đồng không gửi tác phẩm dự giải. Phải độc lập và khách quan”. Hôm Hội Nhà văn TPHCM ra mắt các hội đồng chuyên môn, anh nói: “Tôi có thể không tham gia được hết khóa, nhưng còn sức tới đâu, tôi làm hết mình tới đó”.  

Thật không ngờ, chỉ sau hơn một tháng ra mắt Hội đồng Văn xuôi, nhà văn Lê Văn Nghĩa gửi đến Ban chấp hành Hội Nhà văn TPHCM lá đơn xin từ nhiệm. Anh viết: “Tôi được Ban chấp hành Hội Nhà văn khóa VIII tin tưởng mời tôi giữ chức Chủ tịch Hội đồng Văn xuôi. Không thể phụ lòng tin yêu này, nên tôi đã nhận lời đảm trách. Nhưng với thời gian, tôi hiểu rằng mình không đủ sức khỏe để đảm trách tốt công việc này - một công việc cần sự cần mẫn, công tâm và mất nhiều thời giờ cũng như đủ sự minh mẫn…”.

Kèm theo đơn từ nhiệm là một quyển tiểu thuyết và một mẩu giấy viết tay: “Có thời gian nằm đọc hết quyển sách này. Tôi đề nghị Ban chấp hành Hội Nhà văn và Hội đồng Văn xuôi đưa vào danh sách đề cử cho giải thưởng năm nay”. 

Nhà văn Lê Văn Nghĩa là vậy. Hết lòng với bè bạn, với đồng nghiệp, tận tâm với công việc, luôn khao khát làm được nhiều việc giúp ích cho văn chương, cho cuộc đời, ngay cả khi vật vã trên giường bệnh.

Tang lễ nhà văn Lê Văn Nghĩa được tổ chức tại Nhà Tang lễ Bộ Quốc phòng tại TPHCM (số 5 Phạm Ngũ Lão, phường 3, quận Gò Vấp). Do TPHCM đang trong thời gian giãn cách theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ, gia đình nhà văn tổ chức tang lễ đơn giản và mong mọi người hãy tưởng niệm nhà văn, thay vì đến viếng trực tiếp.

Tin cùng chuyên mục