Nhà văn Ma Văn Kháng ra mắt tập truyện ngắn “Người khách kỳ dị”

Ở vào tuổi 83, nhà văn Ma Văn Kháng vẫn miệt mài sáng tạo. Sau hơn 20 tiểu thuyết, gần 200 truyện ngắn, phần lớn lấy cảm hứng từ sử thi và thế sự đời tư, đề cập phần nhiều đến cuộc sống và con người vùng Tây Bắc; mới đây, ông vừa cho ra mắt tập truyện ngắn Người khách kỳ dị, do NXB Phụ nữ ấn hành.

Nhà văn Ma Văn Kháng sinh năm 1936 tại Hà Nội. Ông là một nhà văn nổi bật của nền văn học đương đại Việt Nam nửa sau thế kỷ XX, đặc biệt từ khi bắt đầu thời kỳ Đổi mới. Các tác phẩm của ông đã đạt được nhiều giải thưởng văn học lớn trong nước và quốc tế, tiêu biểu như: Giải thưởng Văn học ASEAN 1998; Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật 2001, Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học Nghệ thuật 2012. Nhiều tác phẩm của ông còn được trích dẫn trong chương trình giảng dạy phổ thông môn Văn.

Nối tiếp tập truyện ngắn Bãi vàng và những chuyện tình nho nhỏ năm 2017, NXB Phụ nữ vừa gửi đến bạn đọc tập truyện ngắn Người khách kỳ dị, một ấn phẩm mang đậm dấu ấn, những dư vị đặc sắc của cuộc sống hiện đại, bao chứa trong đó là nỗi trăn trở, hoang hoải không ngừng của nhà văn Ma Văn Kháng về giá trị nhân sinh cũng như vị trí của nó trong lòng xã hội công nghiệp đang biến đổi từng giây, từng phút.

"Người khách kỳ dị" là tập truyện ngắn mới nhất của nhà văn Ma Văn Kháng 
Tác phẩm gồm 16 truyện ngắn, tiếp tục là dòng chảy cho cảm hứng bất tận của nhà văn Ma Văn Kháng về những đề tài vốn đã trở thành thế mạnh trong bút lực của ông. Trước hết là những câu chuyện nhỏ, có xen lẫn chút hư ảo, kì dị về phong tục, quan niệm tâm linh, sự linh thiêng của người và vật nơi miền núi Tây Bắc, cụ thể là nơi nẻo xa Lào Cai.

Bên cạnh đó, tác giả tiếp tục đi sâu vào những biến chuyển trong đời sống con người chốn thị thành, những thay đổi về lối sống, cái nhìn về vật chất, đồng tiền và tác động của chúng tới hành động của con người với con người trong xã hội cũng như tới tình cảm của lứa đôi, gia đình, thầy trò. Nhưng từ sâu thẳm những mảnh truyện, mảnh đời hết sức dạn dĩ đó vẫn ánh lên sự ấm nồng của tình người, những chiêm nghiệm về đời, về người tưởng chừng như đã mai một nhưng vẫn còn nguyên giá trị giữa lối sống hiện đại tấp nập, xô bồ.

Từ chất mạo hiểm, liều lĩnh của anh lái xe đêm Quý trong Xe chạy đêm, những mâu thuẫn nhỏ nhặt giữa anh em trong gia đình cùng sợi dây gắn kết mơ hồ giữa họ dựa trên cái giật mình lo sợ trước vong linh cha mẹ đã khuất trong Cát bụi, Một đám cổ khâu; đến Đất dữ, Quán ăn nổi, tác giả phơi bày trước mắt người đọc những góc khuất trong tâm lí "xu thời" của con người, khi tính thực dụng, tham lam len lỏi vào cuộc sống vốn đã chẳng có gì hoa vinh của vợ chồng anh lính Đường trong xóm trọ nghèo, của ba người thầy giáo chất phác Hướng, Lộc và Thụ.

Mạch truyện nhịp nhàng với nhiều tình tiết ly kỳ, hấp dẫn, nhiều phân đoạn tâm lý được đẩy lên cao trào và vỡ òa trong sự thức tỉnh, bài học được rút ra. Ngôn ngữ của tác giả cũng biến thiên linh hoạt, khi thì mộc mạc, gần gũi, khi lại ngang tàng, châm biếm, gay gắt mà đượm cái thi vị của cuộc sống, nhẹ nhàng mà chẳng phai chất đời.

Đây cũng chính là chất liệu giúp tác giả đúc lên những nhân vật rõ nét về cá tính và thật gần gũi với bạn đọc, như thể khi đọc và ngẫm những con người trong Người khách kỳ dị, ta như được thấy phần nào đó của chính mình, chút gì đó cay xót, tủi nhục nhưng trên hết là ta tìm thấy hy vọng về cuộc sống tốt đẹp hơn, hy vọng về tình người mãi không mất đi dù trong bất cứ hoàn cảnh nào.

Tin cùng chuyên mục