Nhà văn phải có tính chuyên nghiệp

Nhà văn phải có tính chuyên nghiệp

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn

Trong dáng vẻ bề ngoài hiền lành, nhân hậu nhưng nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn là tác giả của nhiều tác phẩm văn học, điện ảnh, sân khấu có nội dung dữ dội, quyết liệt, với khối lượng tác phẩm đồ sộ đáng nể.

Lao động nhà văn đối với ông là nguồn đam mê đường dài, mang tính chuyên nghiệp được nuôi dưỡng một cách bền vững. Cuộc trò chuyện với ông thật thú vị, một sự chính trực của người cầm bút.

Nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn ký tặng sách bạn đọc. Ảnh: NGUYỄN HUY

* Phóng viên: Thưa ông, trước cuộc sống ngày càng sôi động hiện nay, vì sao các nhà văn lại có phần im ắng, chưa tạo được những cú “sốc”?

* Nhà văn NGUYỄN MẠNH TUẤN: Không biết các nhà văn khác nghĩ thế nào, riêng tôi vẫn là “tiên trách kỷ, hậu trách nhân”. Từng một thời chúng ta đã có những tác phẩm vừa hữu ích, vừa nổi tiếng nên ngày nay tôi vẫn ham muốn và bức xúc viết ra những tác phẩm “tạo cú sốc” như thế và hơn thế. Nhưng thú thật, cuộc sống ngày nay để có một tác phẩm vừa nổi tiếng, lại vừa hữu ích... là thách thức lớn đối với nhà văn. Nhiều năm qua, tôi cố gắng, thậm chí, đau đầu, ráng tìm cho ra chiếc chìa khóa để mở cánh cửa đang đóng này, nhưng lực bất tòng tâm… Và đã đến lúc nhìn thẳng vào sự thật là mình đã lớn tuổi rồi, hãy nhường cho thế hệ kế thừa lãnh trách nhiệm lớn lao mà mình không thể làm tiếp.

* Phải chăng sự vắng bóng tác phẩm của nhà văn là do có sự “bó buộc” nhà văn?

* Trước đây, cũng có luồng ý kiến cho rằng do “bị trói”, “bị bó”, do cơ chế bảo thủ, lạc hậu… nên nhà văn không được công bố tác phẩm, nhà văn không được thỏa sức sáng tạo… Còn theo tôi, ngày nay, việc in ấn, xuất bản theo cơ chế nhà nước tuy vẫn còn một số nhược điểm, nhưng điều kiện để các nhà văn, nhà báo công bố tác phẩm trong thời đại truyền thông hiện đại khác trước rất nhiều. Vì thế, nếu có, theo tôi là các nhà văn đang tự “bó” mình.

* Bạn đọc một thời rất sôi nổi với các tiểu thuyết Những khoảng cách còn lại, Đứng trước biển, Cù lao Tràm… của ông. Ông cũng để lại cho làng điện ảnh một gia tài cả ngàn tập phim truyền hình và hàng chục tác phẩm điện ảnh, trong đó có những phim phê phán thẳng thắn, mạnh mẽ vào các hiện tượng tiêu cực như Lưới trời, Hậu họa, Đồng tiền xương máu… rồi dòng phim lịch sử hoành tráng như Huyền sử thiên đô, Thái sư Trần Thủ Độ... Ông có thể cho biết nguồn nào để cho ông sáng tạo nhiều tác phẩm đến như vậy?

* Về điều này, tôi chỉ có thể nói ngắn gọn, nguyên tắc của riêng mình: Phải biết nuôi dưỡng năng lực và cảm hứng sáng tác chuyên nghiệp, phải biết tạo uy tín với người đọc, người xem và nhất định phải sống được bằng nghề viết.

* Ông nghĩ thế nào về những tác phẩm viết theo “đơn đặt hàng”?

* Theo tôi, tất cả đều do tài năng và cảm hứng. “Đơn đặt hàng” vẫn có thể tạo ra được cảm hứng và đối với tài năng của người viết đều có thể cho ra đời những tác phẩm có giá trị cao.

* Tập truyện Nỗi sợ hãi màu nhiệm của ông, về hình thức giống như một bút ký, tự truyện nhưng trong đó lại chất chứa những vấn đề con người hiện đại: Người thầy với tâm đức, thần tượng và cách cư xử, sự kìm nén ấu trĩ hay thói vô đạo… Cuốn sách ra đời trong sự lẻ bóng những nhà văn có tên tuổi trong văn đàn, ông hy vọng gì cho cuốn sách này?

* Tinh thần của Nỗi sợ hãi màu nhiệm là câu “Vô đạo ắt vô luân. Vô luân ắt vô phúc” ở trang đầu cuốn sách. Tôi muốn nhấn mạnh về đạo lý trong cuộc sống hiện đại ngày nay. Ý nghĩa đó thấm được vào bạn đọc là tôi thành công, nếu không thấm vào bạn đọc là tôi thất bại. Việc nó là tự truyện hay truyện vừa, chuyện cũ hay chuyện mới, thực ra chỉ là cách lựa chọn của tôi, để người đọc nhiều tầng lớp, nhiều trình độ, thị hiếu có thể tiếp cận tác phẩm nhiều phần hay một phần phù hợp với mình. Xin đừng bận tâm.

* Khi đứng trước sự thành công hay thất bại của mình, ông sẽ làm gì…?

* Hồi mới vào nghề, điều này rất quan trọng và chiếm nhiều cảm xúc, nhưng khi đạt đến độ chuyên nghiệp cao thì thành công hay thất bại, được khen ngợi hay phê phán, nổi tiếng hay bình lặng đều không ảnh hưởng đến sáng tác, sáng tạo.

* Cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này.

 Hiện nay, nhà văn Nguyễn Mạnh Tuấn cùng vợ là nhà thơ, nhà báo Hà Phương, cùng quản lý Trường Mầm non Hoa Mai, một ngôi trường do hai vợ chồng gầy dựng bằng “nghề tay trái” ở phường 11, quận Gò Vấp, Từ 20 năm trước, vợ chồng ông đã say mê việc phát triển một môi trường sư phạm riêng của mình với cái tâm, cái đức dành cho thế hệ mầm non.

Với bạn bè, Nguyễn Mạnh Tuấn là người ân tình, hào hiệp, sẵn sàng giúp đỡ khi bạn gặp khốn khó. Ngôi trường của vợ chồng ông luôn rộng mở đón bạn bè đến với mình.

NGA PHAN

Tin cùng chuyên mục