Là nhà văn trẻ thuộc thế hệ “8x đời đầu” sắc sảo, cá tính với nhiều góc nhìn thú vị về cuộc sống nói chung và nghề văn nói riêng, Nguyễn Quỳnh Trang còn là một cây bút cần mẫn: trung bình mỗi năm chị cho ra đời một tác phẩm trong suốt 8 năm qua.
Văn chương cần bền bỉ và kiên nhẫn
PV: Tiểu thuyết mới nhất Yêu trên đỉnh Kilimanjaro được chị viết trong 2 năm. Vậy điều gì đã thôi thúc chị đầu tư cho tác phẩm dài hơi này? Chị đã lựa chọn nó hay nó chọn bạn?
Nhà văn trẻ NGUYỄN QUỲNH TRANG: Ngay khi hoàn thành tiểu thuyết đầu tay 1981, tôi đã viết ngay trang đầu tiên cho tác phẩm Nhiều cách sống. Và trong lúc chờ 1981 đến với bạn đọc, thì quyển Nhiều cách sống - đã tượng hình. Những quyển sách sau ra đời cũng do tôi luôn giữ cách làm việc ấy: không để mình được phép ngừng viết. Văn chương cần bền bỉ và kiên nhẫn, riêng tiểu thuyết còn đòi hỏi phải vượt qua chính mình, trong một hành trình khó nhọc, dài hơi.
Ngay từ khi bắt đầu cầm bút, tôi đã chọn lĩnh vực truyện ngắn để rèn kỹ năng, còn viết trọn vẹn một quyển tiểu thuyết mới là điều tôi hướng đến. Theo tôi biết, nhiều nhà văn không duy trì được nghề, và cho dù thành công đâu đó trong bất kỳ vai trò nào, họ vẫn mang trong lòng một sự trống rỗng. Tôi rất không thích sự trống rỗng đó, khi hiểu rõ mình sinh ra, được trời trao cho khả năng viết, đây cũng chính là sự nghiệp và sứ mệnh của mình. Do vậy, tôi không dám làm gián đoạn việc viết, vì cảm giác ngừng viết có nghĩa là ngừng thở. Thế nên, tất cả mọi việc của tôi đều lấy sáng tác làm trọng tâm.
Tám năm qua tôi duy trì trung bình mỗi năm cho ra đời một quyển sách, trong khi mọi trách nhiệm, mọi việc khác vẫn vẹn toàn bao gồm chăm sóc gia đình. Tôi nghĩ, ý chí sẽ quyết định cuộc đời mình theo hướng nào, đừng để cuộc đời dẫn dắt mình vào lẩn quẩn. Ngoài ra, với tôi, còn sống thì đừng làm gì để đến lúc chết lại tiếc nuối!
Yêu trên đỉnh Kilimanjaro được tôi bắt tay vào trang viết đầu tiên sau khi từ Hà Nội đặt chân vào TPHCM, nên tôi muốn nó là bước ngoặt của việc sáng tác. Hai năm làm quen với nhịp sống mới, mảnh đất mới, con người mới... cũng là lúc tôi viết từng trang mới. TPHCM đã xuất hiện như quê hương của nhân vật, và lối sống của người thành phố hiện đại đã lấp lánh qua tiểu thuyết này.
Vậy đây là câu chuyện cá nhân chị, hay chị muốn gửi gắm điều gì đến độc giả?
Đây là câu chuyện về vẻ đẹp của Sự Chết, toàn bộ nhân vật trong tiểu thuyết này đều từ hư vô cấu thành. Tôi nghĩ, chúng ta vốn được tạo sinh từ bản chất hư vô, và rốt cuộc rèn luyện bản thân để trở nên vô ngã. Và vô ngã để quay ngược trở lại hư vô, chấm dứt vòng xoay của bánh xe luân hồi, kết thúc vòng nghiệp sinh - tử.
Có vẻ đây là quyển tiểu thuyết nghiêng về triết luận, rất “khó nhằn” với số đông độc giả, nhất là độc giả trẻ. Tại sao chị chọn đề tài này, tại sao lại là Kilimanjaro?
Tên quyển tiểu thuyết được lấy cảm hứng từ một truyện ngắn của Ernest Hemingway - tiểu thuyết gia người Mỹ - Tuyết trên đỉnh Kilimanjaro (The Snows of Kilimanjaro), dù tôi chỉ đọc phần mở đầu của truyện ngắn đó. Một cuộc đối thoại giữa hai nhân vật nam và nữ về mọi vấn đề, trong đó có hình ảnh ngọn núi Kilimanjaro thấp thoáng. Điều kỳ diệu nhất mà tôi thích, là trên đỉnh Uhuru của Kilimanjaro (thuộc Tazannia, châu Phi) có băng phủ. Đó là ngọn núi mà như lời kể của người dân bản xứ: là nơi các linh hồn sau khi chết đều tựu về để chuẩn bị cho hành trình sống mới. Tuy nhiên, băng trên Uhuru đang tan dần, và chỉ hơn 20 năm sau tính từ thời điểm này, băng hà trên Uhuru biến mất, nghĩa là huyền thoại dệt nên ngọn núi này đã không còn. Sự tan vỡ của khối băng hà mà người ta từng nghĩ là vĩnh cửu làm tôi liên tưởng tới sự tồn tại ngắn ngủi của kiếp người. Kilimanjaro là địa điểm đẹp, phù hợp để tôi viết về tiến trình Sống và Chết.
Để viết được các vấn đề lớn, nhà văn cần... trưởng thành
Cảm nghĩ của chị về quyển sách thứ 8 này so với các ấn phẩm trước?
Tôi thương những tác phẩm như nhau, mỗi quyển đều ra đời trong hoàn cảnh khó khăn khác nhau, nhưng đều mang điểm chung là tôi phải vượt qua điểm chết trong tinh thần để tác phẩm có đời sống riêng nó.
Theo chị, trừ cây bút chuyên viết cho tuổi trẻ - Nguyễn Nhật Ánh - ra, nhà văn Việt Nam liệu có sống được bằng nghề?
Tôi nghĩ, thường cứ làm tốt thiên mệnh của mình thì các nhà văn đều tìm được hạnh phúc trong cõi riêng mình, tiền không phải là mục đích của người viết, quan trọng là tác phẩm cần có giá trị thực sự, ít ra là với chính tác giả.
Chị đã gặp không ít khó khăn trước khi tác phẩm được trình làng, cũng như không ít nhà văn trẻ cho biết họ thường bị vướng mắc, trục trặc ở khâu xuất bản, phát hành, bản quyền...?
Đúng là tôi đã gặp những chuyện không như ý khi xuất bản quyển sách này. Sau cùng, vì để chủ động việc lo cho đứa con tinh thần của mình tốt nhất, tôi đã quyết định tự đầu tư, in ấn. Nhờ thế, sau tiểu thuyết này tôi sẽ nhận biên tập và cả in ấn cho các nhà văn, nhà nghiên cứu tài năng với mong muốn đảm bảo họ sẽ không bị trục trặc nữa, nhất là khâu tác quyền, kết nối họ với thị trường sách...
Có ý kiến cho rằng, hiện nay tác phẩm của các nhà văn trẻ chỉ quanh đi quẩn lại cái tôi cá nhân với những nỗi buồn, niềm đau, những được - mất, bế tắc riêng mình. Chị nghĩ sao?
Theo tôi, để viết được những vấn đề lớn, bản thân nhà văn cũng cần trưởng thành.
Theo chị, văn chương Việt Nam, nhất là văn chương trẻ đương đại đang ở đâu trong mặt bằng văn chương khu vực?
Tôi nghĩ tìm một quyển sách thực sự là tác phẩm văn chương trong thời điểm này với tác giả trẻ là rất khó. Con số nhà văn giàu sáng tạo và tài năng chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay. Nhu cầu độc giả ra sao sẽ có một số người viết xuất hiện để phục vụ họ. Còn các nhà văn tài năng, văn chương của họ sẽ dành cho số ít người có thể chia sẻ. Với mặt bằng chung của văn chương trẻ hiện nay, chỉ có cá nhân mới tự tạo cho mình được chỗ đứng. Và đứng ở đâu, chỗ nào, cũng chỉ cá nhân đó quyết định!
Cảm ơn chị về cuộc trò chuyện này!
THÀNH NHÂN (thực hiện)