Nhà văn Trương Anh Quốc: Từ núi cao viết về biển

Nói về vùng sông nước miền Tây là nhớ về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; hay nhắc đến nhà văn Đỗ Bích Thúy, độc giả không khỏi nhớ đến vùng núi cao phía Bắc. Cũng vậy, nhà văn Trương Anh Quốc đã thành công khi tạo ra một không gian sáng tác của riêng mình, đó chính là biển. 
Nhà văn Trương Anh Quốc (đứng) trong buổi ra mắt tiểu thuyết Sóng. Ảnh: HỌC SINH
Nhà văn Trương Anh Quốc (đứng) trong buổi ra mắt tiểu thuyết Sóng. Ảnh: HỌC SINH

Trong văn chương, việc tạo ra một không gian riêng biệt là điều không dễ. Đó dường như là chỉ dấu quan trọng để bạn đọc nhớ về người viết. Như nói về vùng sông nước miền Tây là nhớ về nhà văn Nguyễn Ngọc Tư; hay nhắc đến nhà văn Đỗ Bích Thúy, độc giả không khỏi nhớ đến vùng núi cao phía Bắc. Cũng vậy, nhà văn Trương Anh Quốc đã thành công khi tạo ra một không gian sáng tác của riêng mình, đó chính là biển. 

1. Kỹ sư điện Trương Anh Quốc (43 tuổi) làm việc trên biển. Anh không chỉ trú ngụ trong không gian của vùng biển trong nước mà lênh đênh qua các hải trình, những vùng đất khác nhau. Những trải nghiệm đó là điều kiện giúp anh viết về biển một cách chân thực và sinh động, tạo nên ấn tượng riêng biệt so với những tác giả khác, kể cả những tác giả từng viết về biển. 

Cảm thức biển hiện hữu trong văn chương của Trương Anh Quốc ngay từ tác phẩm đầu tiên, tập truyện ngắn Sóng biển rì rào (NXB Trẻ), rồi qua tiểu thuyết Biển (NXB Trẻ). Và vừa phát hành mới đây là tác phẩm Sóng (NXB Hội Nhà văn), được định danh là tiểu thuyết du ký. Không mô tả cái hay, cái đẹp của những vùng đất giống như các cuốn sách du ký đơn thuần, tiểu thuyết của Trương Anh Quốc đôi khi chỉ là những lát cắt nho nhỏ mà lòng tác giả có nhu cầu bộc bạch. Tất cả xuất phát từ sự nhạy cảm, đa cảm của một người trót vương nợ văn chương. Đặc biệt, sức nặng của cuốn tiểu thuyết này là ở sự ngồn ngộn chi tiết; có những chi tiết lạ mà không phải ai cũng biết. Những chi tiết đôi khi rất nhỏ nhưng lại nói với độc giả bao điều về thân phận con người. Văn của Trương Anh Quốc không cầu kỳ, không hoa mỹ mà lấp lánh vẻ đẹp của sự chân thực, giản dị. 

Theo chia sẻ của Trương Anh Quốc, Sóng được khởi nguồn bằng hồi ức từ chuyến đi biển đầu tiên của anh, trong thời gian 13 tháng. “Tác phẩm là cảm xúc của lần đầu tiên đi tàu. Chuyến tàu ấy ghi dấu lần đầu tiên tôi được bước ra thế giới. Cái gì cũng mới, cái gì cũng lạ, cũng để lại dấu ấn trong tâm trí. Hơn 15 năm trôi qua, nhưng khi bắt đầu viết lại, cảm xúc liền ùa về, giống như đang được sống lại quãng thời gian mà mình lần lượt được đặt chân lên từng đất nước”, Trương Anh Quốc tâm sự. 

Trương Anh Quốc viết nhiều về biển, khiến độc giả nhớ đến văn chương của mình cũng nhờ biển, nhưng vùng quê mà anh sinh ra lại là một xã nghèo thuộc huyện trung du Quế Sơn (tỉnh Quảng Nam). Con nhà nghèo nên từ nhỏ anh đã gắn bó với núi rừng trong cuộc mưu sinh của gia đình. Quốc làm nương rẫy, đi rừng, đốn củi, đốt than rồi chăn nuôi… như bao cậu bé quê ngày đó. Tận đến lớp 12, Quốc vẫn chỉ quanh quẩn với núi rừng, làng mạc, nhưng trong thâm tâm của Quốc đã mơ hồ hình thành ước mơ về những chuyến viễn du, đến những vùng đất xa xôi. Mơ ước đó trở thành sự thúc giục, khiến anh quyết tâm thi vào Trường Đại học Hàng hải. Trở thành sinh viên, Quốc bắt đầu được trông thấy biển. Biển trải ra trước mắt Quốc với sự mênh mông vô tận, sau này anh gắn bó với biển như một định mệnh. 

2. Trương Anh Quốc có duyên với nhiều giải thưởng. Tập truyện Sóng biển rì rào giúp anh đoạt giải nhì cuộc thi Văn học tuổi 20 lần thứ 3 (năm 2005); năm 2010 anh đoạt giải nhất cũng tại cuộc thi này với tiểu thuyết Biển; năm 2013, anh nhận đồng giải nhì với cố nhà văn Trần Kim Trắc trong cuộc thi truyện ngắn “Con người và cuộc sống hôm nay” do Báo SGGP tổ chức; đầu năm 2015, anh nhận thêm giải tư cuộc thi truyện ngắn của Tạp chí Văn nghệ Quân đội. 

Có duyên với giải thưởng nhưng Trương Anh Quốc nói anh không phải là người chờ đợi những giải thưởng, cũng không phải vì giải thưởng mà thấy mình hơn người khác. Với Quốc, giải thưởng chỉ có giá trị trước lúc kết thúc và ngay lúc trao giải. “Trước lúc kết thúc, mình có mục tiêu, có động lực để phấn đấu; lúc nhận giải thì mình vui. Giống như giải thưởng là mục tiêu mình hướng tới trong lúc viết để tham gia cuộc thi, còn sau đó mình cũng cần quên đi, chứ mình đâu nhớ mãi để làm gì. Nếu cứ tạo áp lực cho mình thì rất khó để viết”, anh tâm sự. 

Trương Anh Quốc vẫn hồn nhiên với văn chương như cách mà anh đã từng bày tỏ trong cuốn sách đầu tay: “Nói viết truyện thì nghe có vẻ to tát quá. Tôi chỉ ghi lại những điều mắt thấy tai nghe, chuyện của bạn bè tôi: những thủy thủ trên đại dương mênh mông, bốn phía đều là chân trời. Những con người thích cỡi mây, đạp sóng và yêu biển vô bờ. Những thú vui mà chỉ có những người đi biển mới có… Sống trên mặt đại dương thấy mình nhỏ bé nhưng không cô đơn bởi luôn có tiếng sóng biển rì rào… Tôi kể cũng không hết vì nhiều lúc tai nghe, mắt thấy nhưng sóng lớn quá chưa ghi kịp đã quên…”. 

Trương Anh Quốc bảo, anh viết văn không nhằm để định hình tên tuổi. Văn chương là niềm vui, không phải mang lại cơm áo gạo tiền. Anh nhìn văn chương một cách nhẹ nhàng, giống như một kênh để gặp gỡ, giao lưu với bạn bè. “Văn chương giống như một môn thể thao để rèn luyện sức khỏe vậy. Thay vì rèn luyện về thể xác thì văn chương giúp con người ta rèn luyện về tinh thần”, Trương Anh Quốc ví von.

Tin cùng chuyên mục