Khai mạc Ngày thơ Việt Nam

Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước

Ngày 2-3, tức Rằm tháng Giêng, Ngày thơ Việt Nam lần thứ 16 do Hội Nhà văn Việt Nam tổ chức đã diễn ra tưng bừng tại khu vực Văn Miếu - Quốc Tử Giám, Hà Nội.
Khu vực sân thơ Trẻ thu hút sự quan tâm của giới trẻ
Khu vực sân thơ Trẻ thu hút sự quan tâm của giới trẻ

Ngày thơ Việt Nam năm nay là một hình thức thể nghiệm để tiến tới việc đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn chương Việt Nam với nhiều hoạt động tôn vinh cả thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương. Tại lễ khai mạc, nhà thơ Hữu Thỉnh, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, chia sẻ: “Ngày thơ năm nay được tiến hành với chủ đề “Nhà văn Việt Nam đồng hành cùng đất nước”. Đó là đồng hành với người lao động sáng tạo trên tất cả các lĩnh vực của đời sống; đồng hành với những con người đang đứng ở đầu sóng ngọn gió bảo vệ Tổ quốc. Đó chính là những nhân vật trung tâm trong văn học thời kỳ đổi mới, nguồn cảm hứng không bao giờ vơi cạn của tất cả những người làm văn học trên cả nước. Việc một quốc gia hàng năm đều dành ra một ngày để tôn vinh các giá trị thơ ca là một việc làm hiếm có trên thế giới”, nhà thơ Hữu Thỉnh nhấn mạnh.

Bên cạnh sân thơ Truyền thống và sân thơ Trẻ, người yêu thơ cũng có cơ hội giao lưu với nhà thơ tiêu biểu đến từ Hội Nhà thơ Nhật Bản. Cùng đó, ngày thơ cũng có sự tham gia của hơn 60 câu lạc bộ thơ trên khắp cả nước với nhiều hoạt động trình diễn, giới thiệu thơ... Trong khuôn khổ sự kiện, ban tổ chức tiến hành triển lãm chân dung, hình ảnh các nhà văn Việt Nam đã tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các hoạt động trên là bước chuẩn bị quan trọng để tiến tới đưa Ngày thơ Việt Nam dần trở thành Ngày văn học Việt Nam, góp phần tôn vinh thơ, văn xuôi, lý luận phê bình và tiếp cận của công chúng với văn chương. 

Nhà văn Nguyễn Trí Huân, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, cho biết, có 17 trong số các tiết mục trình diễn trong Ngày thơ Việt Nam là đọc thơ, diễn thơ do một số nhà thơ gần gũi với công chúng, chủ nhiệm các câu lạc bộ thơ phụ trách nên tính đại chúng khá cao. Năm nay, “Cánh buồm thơ” là phương án trưng bày và cũng là biểu tượng của ngày thơ. Việc chọn 50 câu thơ để tham gia nghi thức thả thơ vẫn được giữ nguyên. Đây đều là những câu thơ hay, đại diện cho các thế hệ, khuynh hướng, tôn trọng tính đa dạng nhưng vẫn tập trung vào chủ đề đồng hành cùng đất nước, nhất là những vấn đề xã hội đang quan tâm. 

Cùng ngày, tại sân khấu chính tòa nhà Liên hiệp Các hội VHNT TPHCM đã diễn ra lễ khai mạc Ngày thơ Việt Nam 2018 tại TPHCM. Trước đó, từ ngày 1-3, các hoạt động của ngày thơ đã diễn ra với chương trình ra mắt sách, tọa đàm thơ, giới thiệu các lều thơ, biểu diễn thơ của các CLB thơ quận-huyện, các trường đại học… 

Điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam 2018 tại TPHCM là các hoạt động thơ ca thể hiện sự tưởng nhớ, tri ân các thế hệ cầm bút, cầm súng từng tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968. Các nhà thơ của nhiều thế hệ, từ những người từng trải qua sự kiện 50 năm trước đến các nhà thơ trẻ hôm nay đã giới thiệu những bài thơ đi qua năm tháng và những bài thơ mới hôm nay, với nội dung rất đa dạng. Nhà thơ Hoài Vũ, người đã từng trực tiếp tham gia trận đánh vào sân bay Tân Sơn Nhất trong cuộc tổng tiến công 50 năm trước cho biết đề tài Mậu Thân 1968 không bao giờ cạn đối với những người nghệ sĩ - chiến sĩ như ông. Nhà thơ Hoài Vũ là tác giả của các bài thơ nổi tiếng được phổ nhạc như Vàm cỏ đông, Anh ở đầu sông em cuối sông, Đi trong hương tràm, Hoàng hôn lặng lẽ (được phổ nhạc thành ca khúc Chia tay hoàng hôn).

Tin cùng chuyên mục