Vườn cây trái xã Trung An, huyện Củ Chi, cách trung tâm TPHCM chừng 17km (đường chim bay) không chỉ là nơi trồng mà còn kết hợp với du lịch miệt vườn. Ở đây có cách phục vụ khá hấp dẫn, khi mua vé vào vườn cây, du khách ăn thoải mái theo kiểu “ăn bao bụng” chôm chôm hoặc dâu ngọt. Chủ vườn sẵn sàng giúp làm những món ăn hương đồng gió nội như cháo gà, rượu đế theo đơn đặt hàng phục vụ ngay tại vườn.
Anh Hồ Văn Thành Ly (Chủ tịch Hội Nông dân xã Trung An) cho biết trước đây là xã nghèo, đa phần nông dân chỉ làm lúa, cây ăn trái là hàng chạy chợ, kiếm thêm thu nhập. Nhưng khi chuyển đổi cây trồng vật nuôi hiệu quả hơn lúa và gắn học tập với việc ứng dụng công nghệ mới, giống mới cải tạo lại vườn, giúp nghề làm vườn ở đây nhiều chuyển biến, hiệu quả hơn. Việc cải tạo các vườn tạp từ năng suất thấp sang kiểu vườn cây hiệu quả cao gắn với phát triển du lich miệt vườn nên cuộc sống của bà con nông dân làm vườn đã trở nên khá hơn.
Với lợi thế nằm dọc sông Sài Gòn, xã Trung An có nhiều sông rạch nhỏ đẹp nên việc trồng và phát triển cây ăn trái rất thuận lợi. Cả xã có 308/1.320 ha đất nông nghiệp chuyên trồng cây ăn trái với nhiều chủng loại, tập trung 3 ấp: An Bình, An Hòa và Bốn Phú. Có thể nói, những loại cây trồng khá phong phú: chôm chôm, măng cụt, dâu, mít, xoài, mận An Phước, sầu riêng, ổi không hạt giúp nhà vườn hấp dẫn du khách, nhất là vào dịp cuối tuần hoặc ngày lễ. Có vườn một ngày đón gần 1.000 lượt người vào chơi nên trái cây được tiêu thụ nhiều, không lo đầu ra. Nhiều nông dân trước đây khó khăn nhưng nay nhờ nghề vườn kết hợp du lịch nên cuộc sống khấm khá. Các thành viên Tổ sản xuất cây ăn trái như anh Huỳnh Văn Huệ, Võ Văn Phích, Huỳnh Văn Trúc, Đỗ Văn Thành (ấp An Hòa), Hồ Văn Sỹ, Nguyễn Văn Thiềm (ấp Bốn Phú), chị Nguyễn Thị Lan... có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha/mùa.
Anh Thành Ly cho biết thêm, nhờ kết hợp vườn cây ăn trái gắn dịch vụ du lịch giúp cho việc tiêu thụ trái cây của bà con thuận tiện hơn trước nhiều. Trên 80% lượng trái cây của nhà vườn trong xã bán cho du khách. Theo thông lệ, hàng năm từ tháng 6 trở đi, trong các ngày nghỉ, khách các nơi đổ về với 2.000-3.000 người/ngày, có khi chật kín hết các khu vườn cây ăn trái. Nhờ vậy nông dân buôn bán trái cây dễ và có thu nhập nhiều hơn trước.
ĐẶNG VĂN THÀNH