Nhạc kịch Cây sáo thần: Chuyên nghiệp, hoàn chỉnh

Vào hai tối 8 và 9-11, tại Nhà hát Thành phố, Nhà hát giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) công diễn bản dựng hoàn chỉnh vở nhạc kịch Cây sáo thần (âm nhạc W.A.Mozart, biên kịch: Emanuel Schikaneder). Đây là vở nhạc kịch lớn hoàn chỉnh đầu tiên biểu diễn tại TPHCM, với dấu ấn về dàn dựng diễn xuất của đạo diễn tài ba người Đức David Hermann.
Nhạc kịch Cây sáo thần: Chuyên nghiệp, hoàn chỉnh

Vào hai tối 8 và 9-11, tại Nhà hát Thành phố, Nhà hát giao hưởng - Nhạc - Vũ kịch TPHCM (HBSO) công diễn bản dựng hoàn chỉnh vở nhạc kịch Cây sáo thần (âm nhạc W.A.Mozart, biên kịch: Emanuel Schikaneder). Đây là vở nhạc kịch lớn hoàn chỉnh đầu tiên biểu diễn tại TPHCM, với dấu ấn về dàn dựng diễn xuất của đạo diễn tài ba người Đức David Hermann.

Tại Việt Nam, cơ hội để thưởng thức một vở nhạc kịch hoàn chỉnh là rất hiếm hoi. HBSO đã bắt tay đầu tư dàn dựng và công diễn lần đầu tiên vở nhạc kịch hoàn chỉnh Cây sáo thần với sự hỗ trợ của Dự án Transposition - Na Uy, một tổ chức văn hóa phi lợi nhuận đã và đang hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật lớn của Việt Nam như: Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam, Dàn nhạc giao hưởng Việt Nam, Nhạc viện TPHCM, HBSO... Khán giả yêu thích âm nhạc cổ điển sẽ có cơ hội thưởng thức vở nhạc kịch hoàn chỉnh từ âm nhạc, phục trang, ánh sáng, thiết kế sân khấu, diễn xuất kịch, vũ đạo…

Cây sáo thần là vở nhạc kịch có tính chất thần thoại, mang chút hơi hướng cổ tích, đa sắc, tình tiết câu chuyện nhiều tính kịch: Để đến được với tình yêu, chàng hoàng tử Tamino và nàng Tamina xinh đẹp đã phải trải qua rất nhiều thử thách khắc nghiệt. Nhà soạn nhạc lừng danh Mozart đã phát triển câu chuyện từ truyền thuyết và dùng âm nhạc để đưa thông điệp đến với xã hội hiện đại rằng thế giới luôn cần tình yêu, sự bao dung và lòng quả cảm để đấu tranh với những định kiến của xã hội.

Một cảnh trong vở nhạc kịch Cây sáo thần.

Vở được dàn dựng công phu, hấp dẫn, lôi cuốn khán giả bằng những màn biểu diễn hát opera tiếng Anh, xen kẽ là những câu thoại tiếng Việt sinh động, hài hước, dí dỏm… với sự tham gia biểu diễn của nhiều nghệ sĩ và giọng hát opera quốc tế nổi tiếng: Magnus Staveland (Tenor), Halvor F. Melien (Baritone), Derek Anthony (Bass), những nghệ sĩ giao hưởng đến từ Na Uy, nhạc trưởng lừng danh Magnus Loddgard cùng các giọng hát được yêu mến của HBSO: Thanh Nga, Trần Duy Linh, Cho Hae Ryong, Thu Hường, Thanh Huyền, nghệ sĩ khách mời Đào Tố Loan đến từ Hà Nội…

Đây cũng là lần đầu tiên HBSO “chịu chi” thuê sân khấu Nhà hát Thành phố cả tuần lễ để thực hiện chạy chương trình. Trong không gian thật với sự hỗ trợ của âm thanh, ánh sáng, cảnh trí, phục trang… tinh thần biểu diễn nghệ thuật của các nghệ sĩ và chất lượng vở diễn được nâng lên, bay bổng, thăng hoa hơn.

Qua bàn tay dàn dựng diễn xuất tài tình của đạo diễn mang hai dòng máu Pháp - Đức David Hermann, vở nhạc kịch Cây sáo thần đem lại một dấu ấn tươi mới cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật của HBSO trên bước đường phát triển, nâng cao chất lượng hoạt động, từng bước xây dựng vững chắc tay nghề ca, diễn.

NSƯT Trần Vương Thạch, Giám đốc HBSO, chia sẻ: “Đây là lần đầu tiên HBSO đầu tư dàn dựng một vở nhạc kịch hoàn chỉnh, có sân khấu, trang phục, diễn xuất. Năm ngoái, nhà hát chỉ mới làm được phần nhạc, năm nay làm thêm phần kịch để phối hợp với phần nhạc có sẵn, đầu tư dàn dựng chỉnh chu thêm để cho ra mắt một vở nhạc kịch đúng nghĩa. Trong những năm qua, nhà hát đã nỗ lực thực hiện một số vở nhạc kịch nhỏ như Người giữ Cồn, trích đoạn nhạc kịch Cô Sao… thì nay, nhà hát bắt tay làm một vở nhạc kịch kinh điển thế giới Cây sáo thần, làm được việc này, chúng tôi cảm thấy rất hạnh phúc. Điều này cũng khẳng định sự đóng góp của nhà hát trong quá trình phát triển loại hình nhạc kịch tại TPHCM.

Đây còn là dịp để nhà hát nhìn lại kết quả sau nhiều năm đầu tư đào tạo, thử thách, tìm kiếm và sự cố gắng phấn đấu của tập thể anh em nghệ sĩ nhà hát nhiều thế hệ trên con đường làm nghề, hoạt động nghệ thuật, phát triển nhà hát. Có thể nói rằng diễn xuất là cái khó nhất đối với diễn viên, nghệ sĩ Việt Nam, vì tại Việt Nam chưa có trường đào tạo nghệ sĩ nhạc kịch. Trong vở này, chúng tôi cũng chuẩn bị 2 ê kíp biểu diễn, trong đó có một ê kíp toàn diễn viên nhà hát. Đó cũng là bước chuẩn bị cho dự kiến tháng 6 năm sau nhà hát sẽ tái diễn vở nhạc kịch Cây sáo thần với phiên bản 100% nghệ sĩ Việt Nam biểu diễn. Chúng tôi luôn chú trọng lợi ích của sự hợp tác là làm sao để sau những hợp tác thì các tác phẩm ở lại với chúng tôi”.

Trên lộ trình hoạt động và phát triển nhà hát, HBSO cũng đang đặt hàng các tác giả trong nước sáng tác những tác phẩm nhạc kịch mang đậm bản sắc văn hóa Việt Nam, bên cạnh đó cũng tranh thủ tìm kiếm các đối tác trong và ngoài nước để phát triển loại hình nhạc kịch, các phong cách nhạc kịch nhiều thời đại khác nhau…

THÚY BÌNH

Tin cùng chuyên mục