Tại kỳ họp HĐND TPHCM chuyên đề về giải quyết tình trạng quy hoạch treo trước đây, UBND TP đã nhận lỗi, hứa giải quyết dứt điểm. Thế nhưng đến kỳ họp HĐND TP lần này, quy hoạch treo vẫn tiếp tục là vấn đề bức xúc của nhiều cử tri TPHCM.
Chậm chuyển biến
Tại TPHCM, có một số khu vực bị quy hoạch treo kéo dài từ 10 - 20 năm, như Ga Bình Triệu (Thủ Đức), Bình Quới - Thanh Đa (Bình Thạnh), ấp Doi (Gò Vấp)… Ngoài “thâm niên” về thời gian treo, các khu quy hoạch này đều có diện tích rộng, như Ga Bình Triệu 60ha, Bình Quới - Thanh Đa trên 200ha. Kể từ khi có quyết định quy hoạch, quyền sở hữu nhà, quyền sử dụng đất hợp pháp của hàng ngàn hộ dân bị cản trở. Người dân không được chuyển mục đích sử dụng đất; chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm với điều kiện đất trước khi quy hoạch là đất ở, đã có nhà ở; được cấp giấy chứng nhận theo mục đích trước khi có quy hoạch và được quyền chuyển nhượng quyền sử dụng đất.
Mặt khác, khi đã vào quy hoạch, chính quyền không còn quan tâm đầu tư phát triển hạ tầng, vì vậy, sau hàng chục năm bị treo, tại TPHCM hình thành nhiều khu dân cư nham nhở, phố không ra phố, ruộng không ra ruộng, còn cuộc sống người dân gặp nhiều khó khăn, thiệt thòi.
Tại kỳ họp HĐND TPHCM chuyên đề về giải quyết tình trạng quy hoạch treo, UBND TP đã nêu mục tiêu kiên quyết điều chỉnh, xóa những khu quy hoạch treo lâu năm. Thế nhưng, thực tế việc chính quyền các quận - huyện xử lý quy hoạch treo đã không như mong đợi. Khu quy hoạch Bình Quới - Thanh Đa được điều chỉnh quy hoạch treo bằng cách quy hoạch tăng diện tích đất ở và đất dành cho hạ tầng kỹ thuật; giảm diện tích đất cây xanh, sinh thái.
Còn quyền của người dân trong khu quy hoạch treo về sở hữu nhà và sử dụng đất vẫn không được đề cập đến, vẫn tiếp tục bị treo. Tại khu quy hoạch treo Ga Bình Triệu, tình hình cũng chưa có gì hứa hẹn. Mới đây, trong buổi làm việc với người dân địa phương, cán bộ quận chỉ trưng lại bản quy hoạch, thông báo diện tích, ranh giới khu đất quy hoạch làm ga, người dân ngơ ngác không rõ đấy là thông báo thu hồi đất hay lấy ý kiến người dân về điều chỉnh quy hoạch.
Trước kỳ họp HĐND TP lần này, cử tri tại các khu vực bị quy hoạch treo tiếp tục phản ánh nỗi bức xúc với đại biểu HĐND. Cử tri huyện Bình Chánh phản ánh tình trạng hàng loạt dự án đã nhiều năm không triển khai, như dự án 42ha (Hưng Long), dự án chung cư Hạnh Phúc (xã Bình Hưng)… khiến đường ngập, đất bỏ hoang. Cử tri huyện Củ Chi đề nghị nên xem xét lại một số dự án kéo dài, nếu không làm thì hủy bỏ, như dự án khu hoa lan, cây cảnh tại xã Phước Vĩnh An, mở rộng lộ giới quốc lộ 22...
Cần thay đổi cách làm
Nêu ý kiến về vấn đề quy hoạch treo, các cử tri nhận thức rõ để có một đô thị văn minh, hiện đại, cần phải xây dựng quy hoạch và có tầm nhìn hướng đến tương lai. Tuy nhiên không thể vì những dự án và quy hoạch không khả thi mà treo quyền lợi của người dân nhiều năm liền. Thực tế việc các quận - huyện điều chỉnh, xóa quy hoạch treo trong thời gian qua còn đối phó chứ chưa giải quyết được vấn đề căn cơ là ổn định đời sống và bảo đảm các quyền lợi cho người dân sống trong các khu quy hoạch treo.
Luật Đất đai 2003 đã quy định rõ quyền của người dân về nhà cửa, đất đai, trong đó có các quyền định đoạt, cầm cố, thế chấp, sang nhượng… Quyền của người dân về nhà đất chỉ chấm dứt khi nhà nước có quyết định thu hồi, trưng dụng, trưng mua hay chính chủ sở hữu, sử dụng sang nhượng lại cho người khác. Đây là những quyền về nhà đất đã được luật định.
Thực tế, chỉ bằng một quyết định phê duyệt quy hoạch, nhiều quyền của người dân về nhà đất bị tước bỏ. Người dân chỉ được cấp giấy phép xây dựng tạm; không được chuyển mục đích sử dụng đất. Đất đai tại những vùng quy hoạch treo bị bỏ hoang nhiều năm. Điều bất hợp lý ở đây là quyết định hành chính to hơn luật.
Một giải pháp được nhiều cử tri đồng tình: Nếu 3 năm không thực hiện dự án thì chính quyền điều chỉnh, xóa quy hoạch. Quy định này hạn chế, giảm bớt thiệt hại cho người dân sống trong khu quy hoạch. Thế nhưng, thực tế các cơ quan, đơn vị có liên quan lại không thực hiện quyền, trách nhiệm của mình trong việc xử lý quy hoạch treo. Nhiều khu quy hoạch sau nhiều năm không triển khai nhưng sở - ngành, quận - huyện vẫn không xem xét điều chỉnh, xóa quy hoạch, mà còn tìm cách tiếp tục kéo dài.
Để chủ trương xóa quy hoạch treo đi vào thực chất, thiết thực, đòi hỏi các sở - ngành, quận - huyện phải thay đổi cách nghĩ, cách làm, chứ không xóa quy hoạch treo theo cách đối phó như hiện nay.
TRẦN YÊN