Nhắc nhau chuyện ăn uống

Hai câu chuyện liên quan đến việc ăn uống khiến cộng đồng mạng tranh cãi kịch liệt đến nay vẫn chưa hạ nhiệt. 

Khán giả yêu thích phim rạp thi nhau mang theo xô, thau, nồi… đến cụm rạp L. để đựng bắp rang miễn phí. Hình ảnh khán giả trẻ rồng rắn xếp hàng, xô bắp rang “khủng”, đến những việc ăn không hết, bắp rơi vãi khắp nơi, khiến nhiều người ngao ngán… Liệu chúng ta có cần phải tranh thủ đồ ăn miễn phí đến như vậy không? Nhưng chuyện ăn uống trong một bộ phận người trẻ chưa dừng lại ở đó, tài khoản mạng xã hội J.D. (hơn 243.000 lượt theo dõi) chia sẻ clip không ăn cơm trắng, thậm chí chê thẳng thừng “cơm trắng có gì đâu ngon”, khiến nhiều người bức xúc.

Một lần nữa, câu chuyện ăn uống - tưởng chừng chỉ là một nhu cầu cơ bản - lại trở thành tâm điểm tranh cãi trong một bộ phận bạn trẻ. Cả 2 trường hợp, có khi không muốn, người ta cũng phải bày tỏ quan điểm cho rõ. Nhu cầu ăn uống không bao giờ là điều đáng lên án, nhưng không phải ngẫu nhiên mà ông bà ta có hàng loạt ca dao tục ngữ nói về chuyện ăn uống như “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng” hay “Học ăn, học nói, học gói, học mở”… Ăn uống cũng là một cái nết mà con người ta cần phải rèn giũa.

Chương trình khuyến mãi, dùng thử, phát miễn phí… luôn nằm trong bài toán kinh doanh của các công ty, doanh nghiệp để kích cầu. Nhưng tranh thủ lấy thật nhiều để rồi phung phí thức ăn, liệu có nên? Và một xô hay một nồi bắp rang liệu có đáng để một số người trẻ phải mang tiếng ứng xử kém hoặc tệ hơn là mang tiếng tham ăn?

Trong sự phát triển của xã hội hiện đại, nhu cầu ăn uống cũng được chú trọng hơn khi người ta dần quan tâm đến thực phẩm sạch, chế độ ăn có lợi cho sức khỏe. Nhưng để buông ra câu “cơm trắng có gì đâu ngon” chắc chắn cần phải coi lại. Mặc dù đã gỡ clip và xin lỗi, nhưng hiện tại tài khoản J.D. vẫn đều đặn chia sẻ bài viết khuyến khích việc cắt giảm cơm trắng trong khẩu phần ăn.

Sẽ chẳng có gì sai trái để lên án, vì ăn gì là lựa chọn của mỗi người và ăn theo chế độ nào tùy thuộc vào sức khỏe cá nhân. Chia sẻ chế độ ăn kiêng cũng cần phải thận trọng trong ngôn từ diễn đạt, bởi mạng xã hội nhiều người tiếp cận, đôi khi chỉ một sai lầm nhỏ cũng gây hậu quả lớn. Nếu chẳng may con trẻ tiếp xúc với nội dung trên, mà không có sự định hướng của người lớn thì sao? Nói gì, ăn gì sẽ không là vấn đề và không gây hại cho ai, khi bạn làm điều đó một mình và không chia sẻ lên bất kỳ nền tảng mạng xã hội nào.

Nhưng điều cơ bản mà chưa làm tốt thì những việc khó hơn làm sao trọn vẹn, chuyện ăn cũng phải nhắc đôi khi là một nỗi hổ thẹn.

Tin cùng chuyên mục