Hội thảo về quản lý tập thể quyền tác giả và quyền liên quan (Cục Bản quyền tác giả văn học nghệ thuật, Tổ chức Sở hữu trí tuệ thế giới WIPO và Cục Bản quyền tác giả Nhật Bản phối hợp tổ chức) vừa diễn ra tại Hà Nội. Đại diện các cơ quan chức năng trong nước cùng chuyên gia nước ngoài đã cùng nhau chia sẻ và xới lên nhiều vấn đề đáng quan tâm…
Biểu giá nào cho bản quyền tác phẩm âm nhạc?
Cơ sở nào để các tổ chức quản lý tập thể quyền tác giả đưa ra biểu giá thu phí bản quyền, chẳng hạn với các dịch vụ karaoke, phát thanh, truyền hình…? Ông Mihaly Ficsor, Chủ tịch CEECA (Liên minh Quyền tác giả Trung và Đông Âu), cho biết có nhiều yếu tố để xây dựng biểu giá: dựa trên tổng doanh thu của đơn vị đó hay căn cứ số người sử dụng tác phẩm, tác phẩm sử dụng lần đầu hay tái sử dụng… Ông giải thích, ở một số nước phát triển, tác phẩm âm nhạc được “mã hóa” bằng những ký hiệu riêng và có những phần mềm “đo đếm” tần suất sử dụng tác phẩm, tác phẩm được sử dụng lần đầu hay tái sử dụng…
Còn ở ta, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, Giám đốc Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam, không đài nào hay đơn vị kinh doanh karaoke nào chịu tiết lộ doanh thu hay tỷ suất lợi nhuận. Mặt khác, vì không có dữ liệu về tần suất sử dụng tác phẩm nên bài hát sử dụng 1.000 lần/năm cũng bị đổ đồng như bài hát sử dụng 1 lần/năm. Ông Phương cho biết, các đơn vị kinh doanh dịch vụ karaoke tự “khai” dùng bao nhiêu đĩa với tổng số bao nhiêu bài hát, rồi trên cơ sở số phòng hát để đưa ra biểu giá.
Cầm chai nước khoáng lên, ông chua xót: “Thông thường, giá bản quyền ca khúc cho mỗi phòng hát/ngày chỉ bằng giá nửa chai nước khoáng này: 2.000 đồng/ngày” và ông nói thẳng: “Việc cho phép các tổ chức phát thanh, truyền hình sử dụng tác phẩm âm nhạc không phải xin phép gây khó khăn cho chúng tôi khi thương lượng với họ. Họ đưa ra mức trả chi phí bản quyền thấp đến vô lý chúng tôi cũng đành chịu và việc thương lượng có khi bị “treo” vô thời hạn và họ vẫn cứ sử dụng tác phẩm. Chúng tôi chỉ còn biết kêu cứu…”.
Chia sẻ với các đồng nghiệp Việt Nam, ông Mihaly Ficsor lưu ý: “Việc tính giá phải linh hoạt chứ không thể so sánh nước này với nước khác, vùng nọ với vùng kia”.
Có thu được phí sao chép cá nhân?
Nhà thơ Đoàn Thị Lam Luyến, Giám đốc Trung tâm Bản quyền tác giả, tác phẩm văn học, Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam, nói rằng mô hình cấp phép tự nguyện đối với các cơ sở sao chép chỉ mới phổ biến ở các nước phát triển. Còn ông Vũ Mạnh Chu, Cục trưởng Cục Bản quyền tác giả văn học - nghệ thuật (Bộ VH-TT-DL), khẳng định: “Việc thu phí các thiết bị sao chép cá nhân (máy photocopy, máy nghe nhạc, đĩa trắng…) chưa thể thực hiện ở Việt Nam. Hình thức bảo vệ bản quyền đẳng cấp cao này chỉ áp dụng ở 36 quốc gia đều là các nước phát triển”.
Trong khi đó ở Việt Nam, tình trạng tác giả tác phẩm văn học nghệ thuật chỉ được nhận nhuận bút khi in tác phẩm lần đầu và khi tái bản, đang gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi chính đáng của tác giả trong nước và các tác giả nước ngoài có tác phẩm xuất bản ở Việt Nam. Hiệp hội Quyền sao chép Việt Nam đưa vào “tầm ngắm” việc thu tiền nhân bản tác phẩm văn học từ các cơ sở photocopy tại đại hội thành lập hiệp hội từ hồi tháng 8-2010.
Ông Tan Ngiap Foo, thành viên Liên hiệp Quốc tế Công nghiệp ghi âm, cho rằng ở các nước mà người dân có thói quen sử dụng miễn phí thì việc thực thi vấn đề quyền tác giả rất khó khăn. Ông khuyên những người hoạt động trong lĩnh vực này cần kiên trì thuyết phục và phải có thời gian để người sử dụng tác phẩm nhận thức được vấn đề.
Hoàng Thắng