Dễ hát, dễ nhớ, nên dòng nhạc trẻ đang hot trên thị trường dễ tiếp cận với các khán giả trẻ. Tuy nhiên, có thể thấy có rất nhiều bài hát thuộc dòng nhạc này đang được sáng tác khá dễ dãi.
Nhan đề dài như sớ táo quân: Vài năm trước, nhiều người còn nhớ tên của một số bài hát dài thậm thượt, theo kiểu nghĩ sao viết vậy như: Hứa thật nhiều thất hứa cũng thật nhiều; Sao em ép anh lại yêu em; Đàn ông không được quên hết tình còn nghĩa; Anh tin mình đã trao nhau một kỷ niệm...
Thường một tác phẩm văn học nghệ thuật, dù ở lĩnh vực nào, người ta chú trọng ở tựa đề. Bởi vì những gì tinh túy nhất trong tác phẩm được chắt lọc kỹ càng và đặt làm đề tựa. Và những tác phẩm có giá trị thường có nhan đề rất ngắn, hấp dẫn. Tựa đề càng dài càng chứng tỏ sự bế tắc trong cách suy nghĩ.
Thế nhưng, giới trẻ hiện nay hầu như bị âm nhạc thị trường lôi cuốn ở những cái tựa dài như sớ Táo quân chỉ vì thấy lạ tai, nghe ngồ ngộ hoặc giai điệu tạm ổn và rất ít người chịu thưởng thức nội dung bài hát mà tác giả gửi gắm trong đó.
Nhạc trẻ hiện nay có nhiều ca khúc dễ dãi từ câu từ cho đến nhan đề. Ảnh minh họa
Nhiều bạn khi được hỏi, có bao giờ cảm nhận nội dung mà tác giả viết, đều trả lời: “Em nghe vui tai là thích chứ không cần tìm hiểu nội dung làm gì cho mệt”. Nắm được tâm lý đó nên các nhạc sĩ của dòng nhạc này ra sức sáng tác những bài hát chỉ cần đọc tựa đề là hiểu hết nội dung chứ không cần suy nghĩ. Một số nhạc sĩ cho rằng, sáng tác ca từ không khó, mà khó là ở cách đặt tựa sao cho nhanh, ngắn, hoa mỹ, mang tính thơ ca để uyển chuyển và bay bổng hơn.
Đặt tựa gây sốc: Gần đây, dòng nhạc trẻ trên thị trường lại tiếp tục xuất hiện những ca khúc đến từ những mẩu chuyện vụn vặt trong đời sống, theo kiểu tự nhiên chủ nghĩa, dù rằng nó đã được nhạc sĩ chuyển tải thành âm nhạc. Đơn cử, một đài truyền hình phỏng vấn về ước mơ của một học viên cai nghiện, thì ngay lập tức có bài Đẹp trai thì mới có nhiều đứa yêu. Hay bài Anh không đòi quà, Đưa nhau đi trốn, Tao cũng là cung bò cạp, Oh my chuối...
Qua truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội Facebook và trang chia sẻ YouTube mà từ những ca khúc chẳng có gì đặc biệt, nói đúng hơn là “thảm họa âm nhạc” nhưng lại được đại bộ phận giới trẻ thích thú, đi đâu cũng nghe hát hò.
Âm nhạc thể hiện văn hóa và thẩm mỹ. Một nhạc sĩ trẻ tâm sự rằng, âm nhạc thị trường hiện nay cạnh tranh khốc liệt, không phải như ngày xưa. Muốn được ca sĩ chú ý mua tác phẩm độc quyền, hay công chúng thích thì đòi hỏi phải sáng tác theo thị hiếu, dù cho đó là “thảm họa”. Sáng tạo ở đây là theo kiểu giật title (nhan đề) để đánh động vào tâm lý hiếu kỳ của bạn trẻ. Bởi nhạc thị trường có tuổi thọ rất thấp, mau “chết”, nếu trau chuốt quá thì thật lãng phí.
Tại sao các dòng nhạc chính thống... dù đã trải qua hàng chục năm trời vẫn được các lứa tuổi yêu âm nhạc nhớ đến? Hay những bài nhạc trẻ ở thập niên 90 của thế kỷ 20 mà đến bây giờ thế hệ 7X, 8X vẫn còn xao xuyến lâng lâng mỗi khi nghe lại? Đó là bởi nhạc sĩ sáng tác vì tình yêu nghệ thuật, chịu khó sáng tạo theo phong cách riêng, nội dung đa dạng, ca từ bay bổng chứ không phải như nhạc thị trường bây giờ chỉ toàn yêu đương nhặng xị. Lẽ ra người trẻ phải tiên phong trong vấn đề sáng tạo, phát triển âm nhạc nước nhà, tiến ra thị trường âm nhạc quốc tế. Nhưng tín hiệu hiện nay cho thấy âm nhạc đang thụt lùi. Nhiều nhạc sĩ trẻ khẳng định, dòng nhạc thị trường dù mau “chết” nhưng chỉ một năm “sống sót” họ có thể khỏe re về tài chính từ đứa con tinh thần đó.
Đã đến lúc nhạc thị trường nên thay đổi tư duy và phong cách sáng tác. Ông bà mình thường nói: “Hữu xạ tự nhiên hương”, nếu biết làm mới âm nhạc theo hướng chất lượng thì từ một người, hai người, rồi trở thành hệ thống thì âm nhạc chuẩn mực sẽ đi vào nề nếp. Từ đó, dòng nhạc “mì ăn liền” sẽ chết và nhạc trẻ chuẩn mực, tươi vui sẽ lên ngôi, có thể sánh vai cùng âm nhạc khu vực và cả thế giới.
ĐẶNG TRUNG CÔNG