Nhạc Việt thời WTO

Nhạc Việt thời WTO

Không chờ đến khi Việt Nam chính thức gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), làng ca nhạc Việt Nam mới ồn ào chuyện hợp tác quốc tế. Thanh Lam, Hồng Nhung, Mỹ Linh, Hồng Hạnh, Tam ca Áo trắng… đã khởi động những dự án hợp tác với nước ngoài từ cách đây khá lâu. Yếu tố nước ngoài ngày càng hiện diện rõ nét trong đời sống nhạc Việt.

  • Nhộn nhịp vào – ra
Nhạc Việt thời WTO ảnh 1

Ê-kíp thực hiện live show “Đường xa vạn dặm” chụp hình lưu niệm với hoàng tử và công chúa Nhật Bản.

Chương trình giao lưu ca nhạc Việt- Hàn Đôi cánh hy vọng với 4 chàng trai của nhóm nhạc Hàn Quốc V-4Men do MTV châu Á tổ chức vừa diễn ra tại TPHCM vào cuối tháng 11.

Sau đó, nhóm phát hành album Andante gồm hơn 10 ca khúc nhạc Hàn, lời Việt, cùng nhóm MTV, ca sĩ Thu Minh, Đàm Vĩnh Hưng...  “Cùng với việc đưa các nghệ sĩ nổi tiếng của châu Á đến VN trình diễn và giao lưu, MTV châu Á sẽ chọn thời điểm thích hợp giới thiệu những giọng hát, ca khúc VN trên kênh MTV châu Á để bạn trẻ các nước biết đến nền âm nhạc đương đại VN”, Phó giám đốc Công ty BHD Ngô Thị Bích Hạnh- đại diện MTV châu Á  tại VN- cho biết.

Kasim Hoàng Vũ vừa hoàn thành phần ghi hình bài hát rock Mặt trời bên kia của nhạc sĩ Lê Quang tại Thái Lan với ê-kíp thực hiện của kênh MTV châu Á.

Video clip này dự kiến phát sóng trên MTV Thái Lan vào cuối tháng 12-2006. Đây là bài hát về đề tài ma túy, phần lời bằng tiếng Việt, phần hình ảnh có phụ đề tiếng Anh. Kasim còn tiếp tục thực hiện DVD gồm 10 bài hát pop tự sáng tác tại Thái Lan và đều được thực hiện với êkíp Mặt trời bên kia.

Một số bài trong DVD cũng sẽ được chọn phát trên kênh MTV Thái Lan. Việc Kasim có “vào” được MTV châu Á hay không phụ thuộc vào số lượng khán giả bình chọn clip.

Năm 2004, nhạc sĩ Tuấn Khanh đã đưa hai nhóm nhạc MTV và Trio 666 đi Thái Lan để ký hợp đồng với MTV châu Á sau khi các nhóm nhạc này được Hãng Rai International của Ý bình chọn là những nhóm nhạc đại diện cho âm nhạc “đương đại” VN.

Lam Trường thì mới tung ra album nhạc Thái lời Việt Anh nhớ em- sản phẩm hợp tác giữa Công ty Truyền thông GOM (VN) và Tập đoàn Giải trí GMM (Thái Lan).

“Ông bầu” Quang Huy – Giám đốc Công ty Thế giới Giải trí - bỏ ra tiền tỷ mời ê-kíp của Hãng TF Entertainment (Hàn Quốc) làm album cho ca sĩ Ưng Hoàng Phúc, Quỳnh Anh và nhóm Weboys... Ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng chuẩn bị thực hiện DVD đầu tay, hứa hẹn đầu tư “đậm” và sẽ là ca sĩ VN đầu tiên phát hành bản gốc DVD tại thị trường Mỹ.

Mỹ Tâm đã ký hợp đồng với Công ty Nurimarru Picture (Hàn Quốc) làm album. Công ty này đặt hàng các nhạc sĩ Hàn Quốc sáng tác 6 ca khúc cho Mỹ Tâm, 6 ca khúc còn lại do các nhạc sĩ VN đảm nhận.

Không những hợp tác làm album, các ca sĩ trong nước còn thăm dò và tìm hiểu thị trường ngoài nước thông qua các live show và các chương trình biểu diễn.

Sau đợt biểu diễn cuối năm ngoái tại Đài Loan với 6 live show tạo được hiệu ứng tốt, từ 30-12-2006 đến 10-1-2007, ca sĩ Đan Trường  sẽ tổ chức live show tại 7 tỉnh/thành phố Đài Loan.

Ca sĩ Mỹ Linh được chọn biểu diễn tại chương trình Frends of love trong Hội chợ Công nghiệp quốc tế Expo 2006 sắp diễn ra tại Nagoya (Nhật Bản) - quy tụ nhiều ngôi sao ca nhạc châu Á.

Cũng tại thị trường này, Hồ Ngọc Hà được giới thiệu hợp tác với Công ty AVEX, cả lĩnh vực sân khấu biểu diễn và làm album. Live show được nhắc đến khá nhiều trong năm nay là Vọng nguyệt của ê-kíp nhạc sĩ Quốc Trung cùng Thanh Lam, Tùng Dương... tham gia Liên hoan Âm nhạc quốc tế Roskilde (Đan Mạch) - một trong những LH âm nhạc thường niên lớn nhất thế giới đã có lịch sử 20 năm - cùng 160 ban nhạc, trong đó có nhiều  tên tuổi lớn của âm nhạc thế giới như: Pat Metheny, Guns ‘n’ Roses, Kanya West, Kaiser Chiefs, Scissor Sisters... Từ đây, Vọng nguyệt được đánh giá đủ năng lực để có thể tổ chức tour lưu diễn châu Âu vào năm 2007.

Thời gian tới, ông Nakagawa Toshi - pianist nổi tiếng của Nhật, sẽ đến VN làm album cổ điển phát hành tại thị trường Nhật với ca sĩ Mỹ Linh. 

Ông Tachikawa Naoki cũng như một số nhà sản xuất âm nhạc đến từ Hàn Quốc, Đài Loan... đều nhìn thấy sự gần gũi giữa văn hóa bản xứ và văn hóa Việt Nam. Theo họ, ngôn ngữ không phải là rào cản người nước ngoài thưởng thức âm nhạc Việt,  ngược lại, nét mềm mại và biểu cảm của ca từ Việt rất dễ đi vào lòng người.

  • Ta hát cho... ta nghe
Nhạc Việt thời WTO ảnh 2

Ca sĩ Tùng Dương hát nhạc jazz tại Copenhagen Jazz Festival (Đan Mạch) tháng 7-2006.

Tuy nhiên, những dự án hợp tác làm album, tổ chức live show trước đây thường chỉ mới dừng ở mức độ nhỏ, lẻ, chưa gắn với chiến lược đưa một giọng hát hay một album cụ thể chiếm lĩnh thị trường ngoại.

Hay nói đúng hơn, ca sĩ VN chưa có những nhà sản xuất có khả năng đưa ca sĩ theo đường hướng mang tính khẳng định tên tuổi trên thị trường nước ngoài.

Các chương trình của Đan Trường do Cục Du lịch Đài Loan tổ chức, chủ yếu hướng vào đối tượng là những cô gái VN lấy chồng xứ Đài và hầu hết các show diễn đều miễn phí. Các album của Hồng Hạnh, Tam ca Áo trắng... khi “xuất khẩu” sang Nhật cũng trong tình trạng “ta hát cho ta nghe”.

“Người Nhật có thể biết âm nhạc Argentina, âm nhạc Mỹ La-tinh nhưng nhạc Việt Nam thì không”, ông Tachikawa Naoki, nhà sản xuất âm nhạc có tên tuổi ở Nhật, trong chuyến công tác tại TP.HCM mới đây đã khẳng định với báo giới. Ca sĩ VN “bay” show ở Mỹ và bán album chỉ loanh quanh trong cộng đồng người VN.

Các liên hoan, mặc dù là dịp tốt để quảng bá âm nhạc Việt và mở ra những cơ hội hợp tác nhưng liên hoan càng lớn bao nhiêu, live show nhạc Việt càng có vị trí khiêm tốn bấy nhiêu. Đó là chưa nói, từ liên hoan, muốn tiến sâu vào thị trường âm nhạc một nước nào đó là cả một chặng đường dài.

Còn các dự án hợp tác làm album, ngoài việc “làm mới” và gây thanh thế bằng ê-kíp nước ngoài, các ca sĩ đều muốn nâng cao chất lượng và phong cách của các clip.

Nhịp độ hình ảnh chậm, ý tưởng không mới và chất lượng kỹ thuật cũ kỹ là những căn bệnh cố hữu của các video clip nội khiến người nước ngoài rất khó chịu. Vì vậy, album của ca sĩ VN ở nước ngoài rất khó trở thành sản phẩm chinh phục người nghe.

Với kế hoạch phát triển toàn cầu của MTV, VN cũng như bất kỳ một nước nào đều có thể trở thành đích ngắm của MTV. VN hiện có nhiều lợi thế như: âm nhạc Việt Nam có những thay đổi đáng kể trong những năm gần đây; cơ cấu dân số trẻ với nhu cầu thưởng thức âm nhạc ngày càng cao...

Tuy nhiên, MTV châu Á và nhiều đối tác chưa mặn mà với VN bởi thị trường âm nhạc còn bát nháo, hay nói đúng hơn, ta chưa có một thị trường âm nhạc đúng nghĩa, đại đa số người dân vẫn nghe nhạc theo kiểu “nghe chùa” hoặc “nghe lậu”. Tải nhạc từ các trang web, mua đĩa lậu với giá rất “bèo” hay nghe/thu các chương trình ca nhạc miễn phí trên truyền hình. Đó là điều khiến còn ái ngại khi quyết định đầu tư vào Việt Nam.

Tuy V-4Men là nhóm nhạc “vô danh” ở thị trường Hàn Quốc nhưng sang VN, với cái “mác” Hàn Quốc và những chiêu tiếp thị của một công ty liên doanh giữa hai bên Việt- Hàn, ít ra chương trình Đôi cánh hy vọng đã lóe lên những hy vọng nhất định trong việc nhóm nhạc này chinh phục thị trường nhạc Việt.

Kế hoạch gia nhập thị trường Việt Nam của nhóm nhạc V-4Men cho thấy chiến lược phát triển khôn ngoan của ông bầu Hàn Quốc. Tuy nhiên, các ca sĩ, nhóm nhạc ngoại vào VN còn dè dặt bởi còn khá nhiều rào cản: tiếng Việt rất khó hát, việc xét duyệt cấp phép các tác phẩm được viết lời bằng tiếng Anh trong phạm vi sản xuất băng đĩa khá khắt khe...

Những điều đó làm nản lòng nhiều nhạc sĩ và cả những ai muốn đến Việt Nam làm ăn ở lĩnh vực có liên quan.

CHI MAI

Tin cùng chuyên mục