Nhân danh người trẻ

Ngày 8-3, trên mạng xã hội, một bạn trẻ Đà Lạt viết: “Chúng tôi là những con người sinh ra và lớn lên ở đây. Từng cành cây, ngọn cỏ nơi mảnh đất này, xem như là một phần cuộc sống của mình vậy. Chính bản thân chúng tôi cũng chưa bao giờ nỡ bẻ một cành hoa, chưa bao giờ đến nơi của các bạn phá hoại một thứ gì. Cớ sao các bạn nỡ bẻ những cành đào mang hơi thở của Đà Lạt xuống để trang trí xe của các bạn, để selfie, check in đem khoe với bạn bè, mà không nghĩ rằng, mỗi cành đào bị các bạn bẻ đi sẽ phá hoại cây đào đó, cũng như làm tổn thương đến tấm lòng hiếu khách của chúng tôi? Mỗi cây đào hay bất cứ cành cây, ngọn cỏ nào nơi đây đều không là của riêng ai, nó là của chung tất cả những con người có ý thức”.

Câu chuyện bắt nguồn từ một nhóm “phượt thủ dỏm” trẻ tuổi, vô tư bẻ một loạt các cành hoa mai, anh đào, vốn đang nở rộ ở Đà Lạt, xuống trang trí xe máy và được tận dụng cho các bạn trẻ chụp hình đủ kiểu. Và đây cũng không phải là lần đầu tiên, những hành động phục vụ cái tôi cá nhân của những người trẻ gây khó chịu trong cộng đồng. Từ vượt rào cấm vào phá tung những thảm hoa tam giác mạch ở Hà Giang, đến những mùa hoa dã quỳ, hoa hướng dương ở Lâm Đồng, Nghệ An… đều bị các bạn nhân danh người trẻ, phá hoại không thương tiếc để khoe mẽ bản thân.

Nhìn rộng ra, không chỉ có những hình ảnh mà cư dân Lâm Đồng, Hà Giang, Nghệ An phàn nàn, mà còn rất nhiều hình ảnh phản cảm khác do người trẻ gây ra, đang diễn ra hàng ngày như: xả rác, chen lấn, vừa đi đường vừa nhổ nước bọt, nói tục, chửi bậy, đánh nhau... Rồi thói ích kỷ, coi mình là nhất giữa đám đông cũng là tật xấu khó bỏ đối với một bộ phận thanh niên Việt Nam.

Chắc người Việt không thể quên, câu chuyện choáng váng ở nhà vệ sinh tại nhà hàng một nước trong khu vực, khi thấy cái biển to, đánh máy bằng tiếng Việt hẳn hoi: “Đi vệ sinh nhớ dội nước”. Đáng chú ý là chỉ có mỗi tiếng Việt mà không có ngôn ngữ khác ở đây. Còn chuyện xả rác bừa bãi thì nhiều vô kể. Ngay tại các điểm du lịch, người trẻ cũng là những người làm xấu hình ảnh nhất khi thoải mái nhậu nhẹt, chửi thề, xả rác… bất chấp ánh nhìn khó chịu từ xung quanh. Người viết từng chứng kiến cảnh một nhóm bạn trẻ đi du lịch thác Bản Giốc (Cao Bằng) ngồi nhậu nhẹt xả rác bừa bãi, to tiếng ta đây như chốn đông người. Đã thế, có người còn ra thẳng đầu nguồn con suối gần đó, xả xuống suối. Chốc lát sau, dòng nước đó dội xuống thác và rất đông những du khách người Việt đang vui chơi dưới thác không hề biết mình đang lãnh hậu quả từ những bạn trẻ người Việt thiếu ý thức kia. 

Thực tế cho thấy, ý thức của nhiều người trẻ ngày nay bị xuống cấp ảnh hưởng xấu đến hình ảnh của người Việt trẻ. Sự thụt lùi về văn hóa của người trẻ đang trở thành một nạn lớn và tiếng xấu về việc ứng xử thiếu văn hóa đó đang ngày càng lan truyền mạnh mẽ. Với những tiếng xấu về văn hóa, làm sao thế hệ trẻ có đủ tự tin để hòa nhập và phát triển đất nước?

Suy cho cùng, tính cách phần lớn do ảnh hưởng của giáo dục từ trong gia đình đến nhà trường và do môi trường xã hội tác động. Nếu một cộng đồng, một xã hội được thắt chặt kỷ cương và pháp luật nghiêm minh thì những thói xấu như háo danh, sĩ diện, tùy tiện... trong người trẻ sẽ khó có đất sống. Đừng để người trẻ hay nhân danh người trẻ để làm những chuyện mất hình ảnh tốt đẹp của người Việt trẻ!

THÀNH ĐẠT

Tin cùng chuyên mục