Nhân lực y dược: Thiếu nhưng… không dám tuyển

Với mục tiêu 15 bác sĩ/vạn dân và 2 dược sĩ/vạn dân vào năm 2015 nhưng TPHCM hiện chỉ mới đạt 13 bác sĩ và 1,56 dược sĩ/vạn dân. Trong khi thời gian để hoàn thành mục tiêu đang ngắn lại thì công tác đào tạo đang “dài ra”, chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Đó là chưa kể chất lượng đào tạo đang thực sự báo động khi một số cơ sở tư nhân có nguồn đào tạo nhân lực y, dược nhưng bệnh viện (BV) không dám tuyển!
Nhân lực y dược: Thiếu nhưng… không dám tuyển

Với mục tiêu 15 bác sĩ/vạn dân và 2 dược sĩ/vạn dân vào năm 2015 nhưng TPHCM hiện chỉ mới đạt 13 bác sĩ và 1,56 dược sĩ/vạn dân. Trong khi thời gian để hoàn thành mục tiêu đang ngắn lại thì công tác đào tạo đang “dài ra”, chỉ tiêu không đạt yêu cầu. Đó là chưa kể chất lượng đào tạo đang thực sự báo động khi một số cơ sở tư nhân có nguồn đào tạo nhân lực y, dược nhưng bệnh viện (BV) không dám tuyển!

  • Thiếu... bác sĩ

Với quy mô 150 giường bệnh và là BV đa khoa, nhưng từ nhiều năm qua BV quận 2 rất khó tuyển y bác sĩ. Chính vì vậy một số chuyên môn kỹ thuật của BV chậm triển khai hoặc triển khai èo uột như hồi sức cấp cứu, nhi khoa, thận-niệu.

Theo bác sĩ Trần Văn Khanh, Giám đốc BV quận 2, BV đang cải tổ lại đội ngũ cũng như cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhưng yếu tố con người vẫn quyết định. BV đang cần thêm 5-7 bác sĩ có tay nghề, nhất là khoa ngoại, sản khoa, hồi sức cấp cứu. Trong khi đó, một số BV khác như quận 12, Cần Giờ, Bình Chánh, Nhà Bè cũng rơi vào hoàn cảnh tương tự.

Theo lãnh đạo một số BV, tình trạng “đói” bác sĩ đã kéo dài từ lâu do không thu hút được nhân tài. “Cơ sở xuống cấp, trang thiết bị nghèo nàn, chế độ đãi ngộ thấp là những nguyên nhân chính mà bác sĩ không muốn về quận, huyện”, một lãnh đạo BV huyện cho biết. Chính vì vậy, theo Sở Y tế TPHCM, hiện công suất trung bình của các BV quận, huyện cũng chỉ 60%-70%. Ngay như một số BV đã xây dựng khang trang như BV quận 12, Hóc Môn nhưng nhiều chuyên khoa vẫn chưa đủ y bác sĩ. Tình trạng “đói” bác sĩ ở các trạm y tế xã, phường cũng đáng báo động.

Theo Sở Y tế TPHCM, với 322 trạm y tế phường, xã nhưng thống kê đến hết năm 2011, TPHCM chỉ có 244 trạm y tế có bác sĩ (đạt tỷ lệ 76%). Có những trạm y tế tuyển mãi không được bác sĩ nên đành để y sĩ làm trưởng trạm.

Theo tìm hiểu, một số BV tuyến thành phố cũng không khỏi đau đầu vì đang thiếu y bác sĩ, nhất là các vị trí cần chuyên môn cao như ngoại thần kinh, chấn thương chỉnh hình, thận-niệu. Bên cạnh bác sĩ, điều dưỡng cũng là nhân sự hầu hết các BV tại TPHCM đang thiếu hụt.

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến năm 2015, TPHCM cần thêm 12.469 bác sĩ. (Ảnh: Khám sức khỏe cho bệnh nhi tại Bệnh viện quận 2).

Để đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe nhân dân, đến năm 2015, TPHCM cần thêm 12.469 bác sĩ. (Ảnh: Khám sức khỏe cho bệnh nhi tại Bệnh viện quận 2).

Với mạng lưới y tế gồm 112 BV có tổng cộng 31.454 giường bệnh, TPHCM hiện chỉ có 41.580 cán bộ y tế phục vụ. Trong đó có 10.077 bác sĩ (đạt tỷ lệ 13 bác sĩ/vạn dân) và 1.182 dược sĩ (đạt tỷ lệ 1,56 dược sĩ/vạn dân).

PGS-TS Nguyễn Tấn Bỉnh, Giám đốc Sở Y tế TPHCM, cho biết với năng lực đào tạo hiện nay, 2 trường Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch lẫn Đại học Y Dược TPHCM cho ra trường khoảng 1.000 sinh viên/năm. Tuy nhiên, không phải tất cả trong số đó đều ở lại TPHCM làm việc. Hơn nữa, một lượng không nhỏ đội ngũ y bác sĩ về hưu cũng cần phải bù đắp vào. Chẳng hạn, Đại học Y khoa Phạm Ngọc Thạch năm 2011 cũng chỉ khoảng 420 sinh viên của tất cả các loại hình đào tạo (chính quy, chuyên tu) ra trường và một phần trong đó là của các tỉnh gửi đào tạo.

Theo PGS-TS Bỉnh, kết quả công tác đào tạo năm 2011 cho thấy TPHCM chỉ đào tạo được 441 người hệ đại học, 270 thạc sĩ và bác sĩ chuyên khoa 1, 152 tiến sĩ và bác sĩ chuyên khoa 2, còn lại là hệ trung cấp và bồi dưỡng. Trong khi, chỉ tiêu đạt tỷ lệ 15 bác sĩ/vạn dân, 2 dược sĩ/vạn dân vào năm 2015, TPHCM cần nhu cầu đào tạo 12.469 bác sĩ và 1.663 dược sĩ. Như vậy, với thời gian 3 năm tới, năng lực đào tạo là khó đáp ứng được mặc dù có tăng chỉ tiêu đào tạo.

  • Không dám tuyển

Quy mô 250 giường nội trú với 151 cán bộ y bác sĩ, BV Y học Cổ truyền TPHCM được đánh giá là BV chuyên khoa hàng đầu về y học cổ truyền của thành phố. Bác sĩ Lê Hoàng Sơn, Giám đốc BV, cho biết mặc dù bệnh nhân tăng liên tục qua các năm nhưng cơ bản nguồn nhân sự đáp ứng đủ. Tuy nhiên, điều bác sĩ Sơn băn khoăn là chất lượng y bác sĩ chưa cao, nhất là nhân lực được đào tạo từ các trường tư nhân.

Đồng thời, theo bác sĩ Sơn thì chưa có các chuyên khoa sâu về y học cổ truyền như da liễu, nội tiết, nội thần kinh… mặc dù chủ trương của Chính phủ là đẩy mạnh khám chữa bệnh bằng đông-tây y kết hợp.

Trong khi đó, Viện trưởng Viện Y dược học dân tộc, TS Nguyễn Thị Thư, cho biết y học cổ truyền không còn là nơi an dưỡng cho người bệnh như trước nữa mà trở thành nơi hứng các bệnh nan y mà y học hiện đại đã chê như ung thư giai đoạn cuối, thoái hóa khớp giai đoạn 4, tai biến mạch máu não nhiều lần… Hơn nữa, với quy định của ngành y tế là tất cả các BV quận, huyện có khoa y học cổ truyền thì xét ra lĩnh vực này vẫn còn thiếu người trầm trọng. “Nhu cầu đến 2015 phải có 1.500 bác sĩ y học cổ truyền nhưng thực tế hiện nay chỉ khoảng 300 người”, TS Thư cho biết.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Chăm sóc bệnh nhân tại Bệnh viện Nhi đồng 1 TPHCM.

Theo ông Huỳnh Công Hùng, Trưởng ban Văn hóa-Xã hội HĐND TPHCM, tình trạng thiếu y bác sĩ ở y học hiện đại lẫn y học cổ truyền là đáng quan ngại. Theo ông Hùng, bình quân mỗi năm lượng bệnh nhân tăng lên 10%-15%, nhất là các bệnh như ung thư, tim mạch, truyền nhiễm… nhưng lực lượng y, bác sĩ tăng không đáng kể. Trong đó, thiếu và yếu nhất hiện nay vẫn trong lĩnh vực y tế dự phòng.

Trước thực trạng trên, ông Huỳnh Công Hùng đặt ra các vấn đề như sớm tăng chỉ tiêu đào tạo; liên kết đào tạo; đào tạo lại… Đồng thời, ông Huỳnh Công Hùng cho biết phải có chương trình đào tạo quản trị BV, xúc tiến đưa 300 y bác sĩ đi đào tạo thạc sĩ, tiến sĩ ở nước ngoài… “Thiếu hụt y bác sĩ là một trong những nguyên nhân chính gây quá tải BV, đồng nghĩa chất lượng khám chữa bệnh cũng thấp. Bác sĩ ít mà bệnh nhân đông thì phải thăm khám qua loa thôi”, ông Huỳnh Công Hùng lo lắng.

"Sinh viên ra trường chưa có chất lượng như mong muốn. Sau khi nhận về thường phải đào tạo bổ sung rất mất công, có khi đào tạo lại 6-7 tháng mà vẫn chưa làm được việc. Chúng tôi cũng tham gia đào tạo sinh viên y học cổ truyền ở các trường tư nhưng không dám tuyển dụng"

Bác sĩ Lê Hoàng Sơn,
Giám đốc BV Y học Cổ truyền TPHCM

Tường Lâm

Tin cùng chuyên mục