Nhân quyền Việt Nam: Từ quan điểm đến sự khẳng định - Bài 2: Những “trò hề” trơ trẽn và lạc lõng

Dân chủ, nhân quyền là giá trị thiêng liêng mà toàn nhân loại hướng tới. Thế nhưng, đây cũng là chủ đề nhạy cảm mà các thế lực thù địch, cơ hội chính trị và một số tổ chức phi chính phủ được sự hậu thuẫn của phương Tây luôn tìm cách lợi dụng nhằm thực hiện những động cơ, mưu đồ đen tối đối với Việt Nam. Thực tiễn cho thấy, để xuyên tạc vấn đề nhân quyền ở Việt Nam, các đối tượng tập trung vào những vấn đề sau:

Lợi dụng danh nghĩa các tổ chức “vì con người” để đưa ra luận điệu vu cáo về nhân quyền 

Các tổ chức này “phán xét” Việt Nam “thiếu nền dân chủ”, “vi phạm quyền tự do tín ngưỡng, tôn giáo”, “giam giữ tù nhân lương tâm”… thông qua công bố gọi là Báo cáo nhân quyền Việt Nam hàng năm. Chẳng hạn, năm 2021, cái gọi là tổ chức Mạng lưới nhân quyền Việt Nam (trụ sở tại New York, Mỹ) đã công bố Báo cáo nhân quyền Việt Nam với vẻ ngoài rất đồ sộ (8 chương, 3 phụ lục, 105 trang), bằng giọng điệu lập lờ, “mớm lời”, “rắc thính” như “giải trình một cách trung thực tình hình nhân quyền tại Việt Nam”, “được kiểm chứng qua các nguồn dữ liệu mở”, trong đó ghi rõ: Việt Nam vẫn tiếp tục vi phạm những nhân quyền cơ bản, từ phân biệt đối xử, bắt và giam giữ tùy tiện, vi phạm các đảm bảo về xét xử công bằng, đến hạn chế quyền tự do tôn giáo, tự do quan điểm và biểu đạt, tự do lập hội.

Năm 2022, Ủy ban tự do tôn giáo quốc tế Mỹ (USCIRF) ra Báo cáo cập nhật về tình hình tự do tôn giáo của Việt Nam năm 2022, trong đó cho rằng “Việt Nam tự do tôn giáo không được bảo vệ”; “đề nghị đưa Việt Nam vào danh sách quốc gia cần quan tâm đặc biệt về tự do tôn giáo”.

Dù đã cố gán ghép sản phẩm thành “báo cáo” nhưng bản chất lại không khác gì tài liệu chắp vá bao biện, chạy tội, tẩy trắng cho những kẻ vi phạm pháp luật. Trên báo People’s World (số ra ngày 4-4-2022), nhà báo Amiad Horowitz đã khẳng định “đó là những điều dối trá” và “những cáo buộc Việt Nam không có tự do tôn giáo là vô căn cứ nhằm bôi nhọ nước xã hội chủ nghĩa này”, đồng thời nhấn mạnh “tuyên bố của USCIRF không phù hợp với tình hình thực tiễn Việt Nam. Những gì mà chúng ta biết về USCIRF, về vai trò và thành phần của tổ chức này cho thấy, báo cáo của USCIRF về tự do tôn giáo ở Việt Nam mang động cơ chính trị”.  

Trong khi Việt Nam đã tham gia hầu hết các công ước nhân quyền quốc tế, “nội luật hóa” những điều luật phù hợp vào quá trình hoàn thiện pháp luật Việt Nam, tích cực đóng góp vào hoạt động xã hội của Liên hiệp quốc, là quốc gia có tốc độ tiếp cận internet thuộc nhóm nhanh nhất thế giới, thì Freedom House (FH) - tổ chức được biết đến với tên gọi mỹ miều “Nhà tự do”, thường xuyên đưa ra các báo cáo sai lệch, bịa đặt hàng năm.

Ngày 2-6-2022, tổ chức này đã công bố cái gọi là “Báo cáo về nền dân chủ khi sống lưu vong” với những luận điệu trơ trẽn, nực cười: “Việt Nam là một trong số các quốc gia đàn áp xuyên quốc gia nhằm bịt miệng người đấu tranh ngay cả khi họ rời quê hương”; “tấn công mạng vào các tổ chức hỗ trợ người Việt tị nạn và thúc đẩy nhân quyền”, “quấy rối, cấm xuất cảnh hoặc tịch thu hộ chiếu đối với các “nhà dân chủ”. Ngay sau đó, một số kênh truyền thông chống đối như BBC, RFA, VOA… đã nhanh chóng phát tán, lan truyền những nội dung sai lệch trên để làm nhiễu loạn thông tin, kích động tư tưởng thù địch, chống phá Đảng, Nhà nước Việt Nam.

Mặt khác, trong khi Việt Nam đặc biệt quan tâm, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và được tiến hành trên nhiều lĩnh vực, từ phòng ngừa, phát hiện, xử lý tội phạm cũng như hỗ trợ nạn nhân đến hoàn thiện hệ thống pháp luật về phòng chống buôn bán người, đặc biệt là số vụ buôn bán người ngày càng giảm, thì ngày 19-7-2022, Bộ Ngoại giao Mỹ đã có đánh giá về tình hình mua bán người trên thế giới năm 2022, trong đó Việt Nam bị hạ xuống nhóm 3 sau 3 năm liên tiếp ở nhóm 2.

Báo cáo này cũng chỉ rõ những nước nằm trong nhóm 3 có thể bị hạn chế nhận một số viện trợ từ Mỹ trong tương lai. Đây là những nhận xét phiến diện, thiếu khách quan, không phản ánh đầy đủ, chính xác các nỗ lực của Việt Nam trong phòng chống vấn nạn này.

Kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước

Các thế lực thù địch ra sức tuyên truyền, vinh danh các đối tượng mà họ gọi là “những chiến sĩ đấu tranh cho dân chủ, nhân quyền, tự do ngôn luận, tự do báo chí” thông qua các “giải thưởng” mang tầm “quốc tế” hàng năm, như “Giải thưởng Nhân quyền Việt Nam”, “Giải thưởng Người bảo vệ nhân quyền” hay “Giải thưởng Tự do báo chí”, “Giải thưởng Những người bảo vệ tuyến đầu”…

Giải thưởng nhân quyền vốn thiêng liêng, cao quý, thường dành cho những người có đóng góp lớn trong thúc đẩy quyền con người ở các quốc gia, vùng lãnh thổ hay ở phạm vi khu vực và thế giới. Thế nhưng, một nghịch lý đang diễn ra lâu nay là một số tổ chức nước ngoài lập ra các loại “giải thưởng nhân quyền” để cổ vũ, khích lệ cho một số đối tượng chống đối.

Nhân quyền Việt Nam: Từ quan điểm đến sự khẳng định - Bài 2: Những “trò hề” trơ trẽn và lạc lõng ảnh 1 Người dân đến nhận tiền hỗ trợ khó khăn do ảnh hưởng dịch Covid-19 tại UBND phường 8, quận 5 (TPHCM), ngày 8-7-2021. Ảnh: MAI HOA

Năm 2021, “Giải thưởng Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam” được trao cho 5 đối tượng đang chấp hành án phạt tù về hành vi lợi dụng quyền tự do ngôn luận để chống Nhà nước, gồm: Cấn Thị Thêu (cùng 2 người con của bà là Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư) và Đinh Thị Thu Thủy, Nguyễn Văn Túc; đối tượng Phạm Thị Đoan Trang (đang thụ án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam) được Bộ Ngoại giao Mỹ trao giải “Phụ nữ can đảm quốc tế”, Bộ Ngoại giao Anh và Canada trao giải tự do báo chí… Đặc biệt, năm 2022, đối tượng này được tổ chức nhân quyền tự xưng Martin Ennals trao giải thưởng nhân quyền (Bùi Thị Thiện Căn, mẹ của Đoan Trang đã thay mặt con gái mình nhận “giải thưởng” này).

Việc trao giải cho một đối tượng vi phạm pháp luật này không chỉ thể hiện sự cổ xúy cho sự chống đối các nhà nước độc lập, có chủ quyền và cũng cho thấy bản chất của giải thưởng Martin Ennals cũng không khác gì các loại giải thưởng mang danh nhân quyền để trao cho những đối tượng lợi dụng quyền tự do để xâm phạm lợi ích của Nhà nước.

Với Việt Nam, “việc trao những giải thưởng cho Đoan Trang không nằm ngoài mục đích hạ thấp uy tín của Việt Nam, từ đó cổ vũ cho các hoạt động can thiệp, gây sức ép bên ngoài dưới danh nghĩa dân chủ, nhân quyền và khích lệ số chống đối trong và ngoài nước hoạt động cực đoan hơn”. Đồng thời,  thực chất chỉ là cái cớ để các tổ chức, cá nhân phản động, thù địch, cơ hội chính trị “lồng ghép” vào đó những nội dung tuyên truyền sai lệch nhằm kích động những phần tử bất mãn, phản động chống đối Đảng, Nhà nước ta.

Lợi dụng dịch Covid-19 để chống phá 

Đại dịch Covid-19 không chỉ gây ra nhiều hệ lụy tiêu cực về kinh tế - xã hội toàn cầu, mà còn khiến cho sự nỗ lực đảm bảo cuộc sống cũng như quyền con người ở các quốc gia bị ảnh hưởng rất nghiêm trọng. Ở Việt Nam, “dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam, với chủ trương sát, đúng cùng các giải pháp phù hợp, với tinh thần đoàn kết của dân tộc”, toàn dân đồng lòng, chúng ta đã cơ bản kiểm soát được tình hình dịch bệnh, đưa đất nước vào trạng thái bình thường mới, trong đó tăng trưởng GDP 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất châu Á); qua đó, đẩy mạnh thực hiện “mục tiêu kép” vừa phòng chống dịch có hiệu quả, vừa phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm an sinh xã hội, an ninh con người. Nhờ đó, các quyền cơ bản của con người luôn được coi trọng và đảm bảo.

Đặc biệt, cùng với nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt khác, ngày 1-7-2021, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 68/NĐ-CP về một số chính sách hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động gặp khó khăn do đại dịch Covid-19 với tổng số tiền hỗ trợ lên đến 26.000 tỷ đồng. Các gói hỗ trợ này đã nhanh chóng đến tận tay người lao động, người yếu thế trong xã hội, giúp họ vượt qua khó khăn trong dịch bệnh. 

Tuy nhiên, một điểm đáng chú ý thời gian qua là các đối tượng tập trung lợi dụng vấn đề “đảm bảo quyền trong tình thế cấp thiết” để vu cáo Việt Nam “vi phạm nghiêm trọng quyền con người trong đại dịch Covid-19”, can thiệp quá sâu vào tự do cá nhân của người dân (nhất là tự do đi lại), lợi dụng dịch bệnh để “đàn áp” tự do ngôn luận, “bỏ mặc”, không chăm lo cho người dân.
Trên internet, mạng xã hội, những nhà “dân chủ” rêu rao rằng việc thực hiện siết chặt giãn cách ở một số địa phương là “biện pháp sai lầm, phản khoa học”; đồng thời tuyên bố không thể coi “chống dịch như chống giặc” để nhốt dân, “tra tấn dân”, “nhà tù của dân”… từ đó vu cáo cách làm này “chỉ làm dịch lan rộng, dân chưa chết vì dịch bệnh thì đã chết vì đói”. Đó còn là nạn tin giả, kẻ “nối giáo cho giặc” - với những đánh giá thiếu khách quan, đi ngược lại các tiêu chí bảo đảm quyền con người. 

Ngoài những luận điệu “mua đi bán lại” nêu trên, các thế lực thù địch còn tập trung vào phê phán, xuyên tạc Nhà nước Việt Nam ngăn cản tự do ngôn luận, tự do bày tỏ chính kiến, tự do hội họp; chỉ trích chính quyền “trì hoãn” việc ban hành luật về hội, luật biểu tình…

Hơn thế, “chúng còn kích động khuynh hướng cực đoan nhằm “hạ bệ thần tượng”, đòi “giải thiêng” các giá trị lịch sử dân tộc, phủ nhận thành quả cách mạng, bôi nhọ, xúc phạm lãnh tụ và lãnh đạo Đảng, Nhà nước; đòi khơi thông dòng văn chương của những cây bút chống cộng trước năm 1975”; đồng thời đẩy mạnh xuyên tạc, kích động trên lĩnh vực giáo dục - đào tạo, văn hóa - nghệ thuật, đạo đức, lối sống; tăng cường ưu tiên cấp học bổng để thu hút học sinh, sinh viên tham gia tìm hiểu “lối sống Mỹ”, “nghiên cứu nhân quyền”, đẩy mạnh hoạt động của các tổ chức hội nhóm tôn giáo... nhằm “thay máu” giới trẻ…  

Từ hoạt động chống phá, xuyên tạc, có thể nhận thấy, các thế lực phản động, thù địch lấy chống phá về chính trị, tư tưởng làm khâu đột phá; lấy mua chuộc kinh tế làm mũi nhọn; lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền, dân tộc, tôn giáo, môi trường, chủ quyền biển, đảo làm ngòi nổ; dùng ngoại giao, đầu tư kinh tế để hỗ trợ, hậu thuẫn…

Trên phương diện lý luận, thực tiễn và khoa học cho thấy các luận điệu tuyên truyền, xuyên tạc như trên đều không phản ánh đúng thực tế về những thành tựu to lớn trong bảo vệ, bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở Việt Nam.

Tin cùng chuyên mục