Nhân tai chồng thiên tai

Chạy “lũ thủy điện”
Nhân tai chồng thiên tai

Miền Trung năm nay hứng chịu 11 cơn bão kèm theo lũ, rồi lũ chồng lũ bởi thủy điện xả lũ làm cho hàng vạn gia đình xơ xác, lao đao gây thiệt hại nặng nề.

Lũ thủy điện chồng lên lũ tự nhiên đã nhấn chìm nhiều nhà dân ở lưu vực sông Vu Gia. Ảnh: Nguyên Khôi

Lũ thủy điện chồng lên lũ tự nhiên đã nhấn chìm nhiều nhà dân ở lưu vực sông Vu Gia. Ảnh: Nguyên Khôi

Chạy “lũ thủy điện”

Khi bão số 11 đâm thẳng vào Đà Nẵng, Quảng Nam, hàng chục ngàn ngôi nhà bị tốc mái, đường điện bị đứt nhiều nơi, cột điện gãy đổ la liệt, hệ thống cây xanh tan hoang. Nhiều người tự hỏi, vì sao năm 2013 người dân miền Trung bị quá nhiều tai ương như thế? Nhiều người có chung câu trả lời, do miền Trung là cái rốn thiên tai, nhưng cũng nhiều người cho rằng, nó còn có những nguyên nhân từ con người gây ra.

Nhà máy thủy điện Hố Hô xả tràn hơn 1.500m³/s, Nhà máy thủy điện Hương Sơn, hồ Kẻ Gỗ đều xả khoảng 100m³/s... khiến các huyện miền núi Hương Khê, Hương Sơn, Vũ Quang bị ngập lũ trên diện rộng, đặc biệt là lũ quét kinh hoàng đã xảy ra ở xã Sơn Kim 1, Sơn Kim 2... (huyện Hương Sơn), xã Hương Quang, Hương Điền... (huyện Vũ Quang) Hà Tĩnh.

Tại xã Hương Hóa, huyện Tuyên Hóa (Quảng Bình), thủy điện xả lũ cũng cuốn trôi hàng trăm hécta hoa màu của hàng chục hộ dân trong xã. Ông Hoàng Minh Đề, Chủ tịch UBND huyện Tuyên Hóa cho biết huyện đã nhiều lần yêu cầu thủy điện Hố Hô xả lũ phải tính đến thiệt hại, đền bù cho bà con nhưng đến nay thủy điện này vẫn chưa đền bù cho dân đồng nào.

Trong khi đó, những ngày đầu tháng 10 vừa qua, các địa phương ở lưu vực sông Vu Gia - Thu Bồn như: Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn, Hội An (Quảng Nam) và Hòa Vang (TP Đà Nẵng) phải thấp thỏm với… lũ thủy điện. Sáng 2-10, Ban quản lý dự án thủy điện Đắk Mi 4 (thuộc Tổng Công ty Đầu tư phát triển đô thị và khu công nghiệp Việt Nam) có văn bản số 34/TB-BQL thông báo xả tràn về hạ du sông Vu Gia với lưu lượng từ 1.000 - 1.800m³/s. Nhưng trên thực tế, thủy điện Đắk Mi 4 xả lũ đến 2.744m³/s, vượt hơn 1/3 lần so với biên độ lớn nhất như thông báo.

Chính vì thế, trưa 2-10, người dân các xã Đại Lãnh, Đại Hưng (Đại Lộc), vùng hạ du sông Vu Gia thấy nước sông dâng cao bất thường nên hoảng loạn tức tốc chạy lũ vì ngỡ vỡ đập thủy điện.

Hai tuần sau đó, ngày 16-10, một lần nữa người dân xã Đại Lãnh, Đại Hưng, Đại Quang, Đại Đồng (huyện Đại Lộc) và một số địa phương hạ du sông Vu Gia, lại phải cấp tập chạy lũ vì bị “lũ thủy điện” chồng lên lũ tự nhiên, nhấn chìm nhiều nhà cửa. Trưa 15-10, khi cơn bão số 11 vừa dứt, trên địa bàn huyện Đại Lộc chỉ có mưa nhỏ, thế nhưng nước lũ cứ ào ào đổ về, nước sông vượt mức báo động 2 rồi báo động 3. Sở dĩ nước lũ đổ về nhanh là do các thủy điện lớn, nhỏ phía thượng nguồn Vu Gia đồng loạt xả lũ, như thủy điện Đắk Mi 4, Sông Bung 5, Sông Bung 4, A Vương… trong đó thủy điện Đắk Mi 4 xả với lưu lượng trên 2.000m³/s.

Ông Nguyễn Khắc Xuyên, Bí thư Đảng ủy xã Đại Hưng (huyện Đại Lộc, Quảng Nam), bức xúc: 2 lần liên tiếp chịu 2 cơn lũ từ thủy điện, cộng với bão số 11 quần thảo, xã Đại Hưng bị thiệt hại nặng nề, người dân khánh kiệt. Các thủy điện xả lũ có thông báo đến địa phương nhưng thời gian thông báo quá gấp, chỉ khoảng 1 giờ đồng hồ, khiến người dân chạy lũ không kịp. Với thời gian ngắn như thế, người dân chỉ có thể chạy thoát thân chứ không thể di chuyển kịp tài sản, trâu bò và nhiều vật dụng khác. 

Thảm họa được báo trước

Tỉnh nhiều thủy điện nhất ở miền Trung là Quảng Nam với 48 dự án thủy điện được quy hoạch với tổng công suất 1.601,6 MW. Giảm 10 dự án do bị thu hồi từ 2010 đến nay. Dự án thủy điện được “phủ sóng” khắp 10 huyện của tỉnh Quảng Nam, gồm Tây Giang, Đông Giang, Nam Giang, Phước Sơn, Hiệp Đức, Nam Trà My, Bắc Trà My, Tiên Phước, Quế Sơn và Đại Lộc. Trong đó, huyện Nam Giang, có đến 11 dự án thủy điện bậc thang vừa và nhỏ; huyện Nam Trà My có đến 13 dự án thủy điện; huyện Bắc Trà My hiện có 2 dự án là thủy điện Sông Tranh 2 và Tà Vy. Tính đến thời điểm này, tại tỉnh Quảng Nam mới có 8 công trình thủy điện đang phát điện, gồm công trình thủy điện A Vương, Sông Côn 2, Khe Diên, Đại Đồng, Sông Cùng, Za Hung, Trà Linh 3 và Sông Tranh 2.

Do các dòng sông miền Trung hẹp, có độ dốc cao nên hầu hết các nhà máy thủy điện được thiết kế dựa vào cột áp để phát điện nên hầu hết các bờ đập của các hồ thủy điện này đều không thiết kế cửa xả đáy và tích nước cao nhất có thể. Qua “sự kiện xả lũ hồ thủy điện A Vương năm 2009” có thể đưa ra dự báo những thảm họa cho vùng hạ du nếu như 58 thủy điện cùng xả lũ cùng lúc khi lũ hạ du đang đạt mức báo động 3 thì không biết chuyện gì sẽ xảy ra. Và, nếu như 58 nhà máy thủy điện cùng hứng hết nước vào mùa khô thì không biết vùng hạ du sẽ ra sao ?

Nói về thủy điện, sinh kế, tái định cư và thực tế tại địa phương, bà Lê Thị Thu Hương, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hương Trà, Thừa Thiên - Huế, cho biết: “Hương Trà nằm giữa 2 con sông Hương và sông Bồ với 2 nhà máy thủy điện Bình Điền và Hương Điền. Hai dự án này đã góp phần tăng nguồn thu ngân sách, thúc đẩy phát triển hạ tầng cho địa phương. Tuy nhiên, 2 dự án thủy điện trên cũng mang nhiều khó khăn trên địa bàn. Chính quyền thị xã phải xử lý công tác tái định cư, an sinh xã hội cho nhiều người dân bị ảnh hưởng phải di dời”.

“Vùng hạ du sông Hương, sông Bồ trước đây có khoảng 1.000ha cây bưởi Hương Trà, là đặc sản của Huế, song hiện nay chỉ còn 300ha, vì phù sa không về được, cây bưởi không còn tốt tươi, người dân đành chặt bỏ” - bà Hương dẫn chứng.

Quảng Ngãi là tỉnh của miền Trung có ít tiềm năng thủy điện. Thế nhưng, tại địa phương này cũng có hơn 26  dự án nhỏ và vừa được cấp phép. Đến tháng 10-2013, Quảng Ngãi chỉ có 4 thủy điện đã hoàn thành đưa vào khai thác, 18 dự án còn lại đang trong tình trạng quy hoạch “treo”. Giữa tháng 5-2013, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Cao Khoa đã ký quyết định thu hồi giấy phép đối với 12 dự án thủy điện “treo”.

Sợ vỡ đập hơn sợ động đất

Trận động đất lớn nhất xảy ra vào ngày 22-10-2012 tại Thủy điện Sông Tranh 2 (huyện Bắc Trà My, Quảng Nam) với cường độ 4,6 độ richter đã làm rung chuyển vùng này. Cách đó 50km, tại TP Tam Kỳ, nhà cửa rung lắc. Nếu động đất 6,2 độ richter thì sao? Ông Võ Như Nghề, thôn Đồng Trường 2, thị trấn Trà My, nói: “Nếu như mạnh chừng đó, nhà cửa còn chi, chạy cũng không kịp đâu. Nó xảy ra ban ngày đã chạy không nổi, nói chi ban đêm”.

Ngày 28-8-2013, Bộ Tư lệnh Quân khu 5 cùng UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức diễn tập ứng phó động đất tại tổ Đàng Nước, thị trấn Trà My, Bắc Trà My. Tình huống giả định là động đất 6,2 độ richter làm 50 người chết, 120 người bị thương, nhà cửa sụp đổ… Ông Trần Văn Doan, Chủ tịch Hội Người cao tuổi thị trấn Trà My, nói: “Diễn tập là để cứu hộ, chứ động đất mạnh như rứa, sống - chết là hên xui”.

Thủy điện Sông Tranh 2 chịu được động đất 5,5 độ richter. Diễn tập lần này không có kịch bản cho việc động đất làm vỡ đập. Nếu vỡ đập đi cùng động đất thì lúc đó chẳng còn ai ngồi được ở đó mà tính chuyện cứu hộ cứu nạn, bởi tất cả sẽ bị cuốn phăng ra biển. Dư luận địa phương cho rằng: động đất sợ thì có sợ, nhưng không lo sợ bằng vỡ đập thủy điện!

NHÓM PV


Đắk Lắk: Chưa tưới tiêu, đập thủy lợi đã sập lún

Mới đưa vào sử dụng từ đầu năm nay và chưa tưới tiêu được gì cho cây trồng của người dân, nhưng công trình hồ thủy lợi Ea Mrông (xã Ea Đrông, thị xã Buôn Hồ, Đắk Lắk) hiện đã nứt toác, sập lún và uy hiếp tính mạng, sản của hàng trăm hộ dân phía hạ du.

Thị xã Buôn Hồ buộc phải xẻ thân đập thủy lợi Ea Mrông để tránh nguy cơ vỡ đập.

Thị xã Buôn Hồ buộc phải xẻ thân đập thủy lợi Ea Mrông để tránh nguy cơ vỡ đập.

Xả lũ cứu đập...

Công trình thủy lợi Ea Mrông được khởi công vào năm 2009 và đưa vào sử dụng từ đầu năm 2013. Công trình này có dung tích 147.000m³, diện tích lưu vực 1,7km² với năng lực tưới cho 200ha cà phê và 50ha lúa nước của người dân quanh vùng. Nhưng sau khi tích nước chưa được bao lâu, thân đập bằng đất (dài dài 215m và rộng 4m) đã bắt đầu xuất hiện nhiều vết nứt toác, khe nứt có xu hướng phát triển ngày một rộng, sâu và uy hiếp đến sự an toàn của thân đập. Đến ngày 17-10, thân đập đã có nhiều vết nứt dài 20-30m dọc thân trên, các vết nứt ngang thân đập dài 4 - 6m với bề rộng khoảng 15-20cm và sâu từ 1,5 - 3,5m. Vì thế, chủ hồ đã phải xẻ thân đập xã lũ vào ngày 17-10. Tại thời điểm phá tràn xả lũ, hàng trăm người dân vẫn đang thu hoạch lúa mùa dưới hạ du, nhiều người tiếc của bất chấp nguy hiểm nên lực lượng chức năng phải cưỡng chế.

Theo quan sát của PV vào ngày 22-10, giữa thân đập bị sập một đoạn có chiều dài khoảng 100m, sâu khoảng 1,5 - 3,5m, phần mái thượng lưu bên cạnh hố sập có xu hướng trượt xuống lòng hồ. Lượng nước trong lòng hồ còn lại khoảng 50.000m³, mực nước cao hơn chân thân đập khoảng 0,4m. Cống điều tiết van xả đáy đã bị đất sạt lấp kín miệng cống, không thể xả đáy.

Ông Hoàng Văn Thái, Phó Trưởng phòng Kinh tế thị xã Buôn Hồ, cho biết: “Trước nguy cơ vỡ đập, cơ quan chức năng đã trực tiếp xuống kiểm tra công trình và thống nhất chỉ đạo phá tràn xả lũ, đào sâu 3,5m tháo nước trong hồ. Đồng thời thông báo cho người dân tạm hoãn công việc thu hoạch để đảm bảo an toàn, kể cả phải dùng biện pháp cưỡng chế”. Việc phá đập xả lũ đã gây thiệt hại hơn 5ha lúa nước chuẩn bị thu hoạch và khoảng 15ha cây ăn quả của người dân trên địa bàn xã Ea Đrông.

Ông Hoàng Văn Thái phân bua: “Nếu không phá đập Ea Mrông để xả lũ, hậu quả sẽ vô cùng nghiêm trọng. Bởi ngoài thiệt hại hoa màu dưới vùng hạ du còn có 1 đập của Công ty TNHH MTV Cà phê 49 và một số hồ đập khác có thể sẽ bị vỡ dây chuyền”.

Thi công ẩu?

Ông Phạm Tiến San, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Đắk Lắk, cho biết: Công trình thủy lợi Ea Mrông do UBND thị xã Buôn Hồ làm chủ đầu tư và đơn vị thi công là Công ty CP Công trình Việt Nguyên (ở TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk). Sau khi xây dựng xong, UBND thị xã Buôn Hồ đã bàn giao cho UBND xã Ea Đrông quản lý vào đầu năm nay. Theo quyết toán năm 2011, công trình có tổng vốn đầu tư khoảng 3,3 tỷ đồng.

“Ngay sau sự cố xẻ đập xả lũ, chi cục chúng tôi đã cử đoàn xuống kiểm tra hiện trạng công trình. Nguyên nhân sập lún đập có thể do đơn vị thi công chưa vét hết bùn dưới thân đập, phần móng chưa thi công kỹ và chất lượng đập đất không tốt. Công trình này về cơ bản đã hư hỏng hoàn toàn, buộc phải xây dựng lại. Vì thế, cả đơn vị thi công và chủ đầu tư phải chịu trách về chất lượng của công trình này” - ông Phạm Tiến San cho hay.

Trong ngày 22-10, Thanh tra Sở NN-PTNT Đắk Lắk cũng đã cử đoàn xuống kiểm tra sự cố sập lún công trình thủy lợi Ea Mrông. Trong khi đó, lực lượng chức năng thị xã Buôn Hồ cũng đã di dời người dân ra khỏi vùng hạ du của công trình thủy lợi này để tránh nguy hiểm. Cùng ngày, PV cũng đã liên hệ với chủ đầu tư và đơn vị thi công để tìm hiểu nguyên nhân sập lún, hướng khắc phục nhưng đều được từ chối trả lời.

CÔNG HOAN

Tin cùng chuyên mục