Stanilavski - nhà hoạt động sân khấu lỗi lạc người Nga từng quan niệm “Sân khấu là một thánh đường” và ông cũng thường nhắc nhở các nghệ sĩ, khi đến với sân khấu hãy bỏ “đôi giày bẩn” của bạn ở ngoài cửa. Điều này cho thấy, ông quan niệm sân khấu là một chốn thiêng liêng, là một nơi để khán giả nhận thức về cái đẹp, hướng thiện, truyền đạt những thông điệp mang tính giáo dục cho cuộc sống và con người. Chính vì thế, những nghệ sĩ cũng là những người có sứ mệnh đặc biệt, phải được hội tụ đầy đủ tài năng và nhân cách.
“Những đôi giày bẩn” chính là những thói hư tật xấu, sự ích kỷ, chủ nghĩa cá nhân, bệnh ngôi sao… mà khi trở thành một nghệ sĩ họ luôn phải tự tu thân và rèn luyện không ngừng. Đã có một thời, quan niệm ấy trở thành kim chỉ nam cho công tác đào tạo nghệ sĩ ở các trường nghệ thuật của chúng ta.
Vậy mà, giờ đây nhìn lại, trong thế giới showbiz Việt người ta thấy đầy rẫy những thị phi, scandal, tai tiếng… Tài cũng có, nhưng tật cũng rất nhiều. Mới đây, trong dịp một bàn tròn với các nghệ sĩ có tên tuổi, chúng tôi đã gặp không ít tiếng thở dài về tư cách của một số nghệ sĩ trẻ. Một số đạo diễn phải thú thật là dựng vở thì họ không ngán, nhưng sợ nhất là… không có diễn viên để tập. Kế hoạch làm việc dù đã được sắp xếp rất chặt chẽ, nhưng các diễn viên trẻ sẵn sàng bỏ tập để… chạy một “sô” khác ngon ăn hơn. Một nghệ sĩ trẻ giờ đây cùng một lúc phải “tả xung hữu đột” giữa sàn tập, sàn diễn, trường quay.
Một số nghệ sĩ cũng than phiền, nhiều khi các NSƯT đến tập vở, ngồi chờ dài cả cổ mà chẳng thấy các “sao” trẻ, còn đang lạc ở nơi đâu… Việc thiếu đạo đức diễn viên, thiếu đạo đức và lương tâm nghề nghiệp khiến cho chất lượng các vở diễn ngày càng tuột dốc, khiến cho các nghệ sĩ không có cơ hội để tỏa sáng tài năng. “Con hư tại mẹ”, việc các nghệ sĩ trẻ ngày nay xem nhẹ đạo đức nghề nghiệp thường được đổ lỗi là do nhà trường không nghiêm túc dạy dỗ con trẻ đến nơi đến chốn, nhưng một số nghệ sĩ - giảng viên nghệ thuật lại thanh minh rằng, chính cơ chế thị trường đang làm hỏng nghệ sĩ trẻ.
Có một thực tế cho thấy, ở nhiều sân khấu, điểm diễn, đang thiếu trầm trọng những nhà quản lý nghệ thuật chuyên nghiệp, các “ông bầu” hầu như không có hợp đồng làm việc rõ ràng để ràng buộc cũng như chế tài các nghệ sĩ, họ chỉ chăm chăm tranh thủ vắt kiệt sức lao động của các nghệ sĩ. Còn việc tiếp tục đào tạo, giáo dục các nghệ sĩ… là điều không tưởng.
Nhân cách nghệ sĩ ngày càng bị mai một, còn các tài năng cũng đang bị khai thác cạn kiệt. Những thế hệ nghệ sĩ vàng giờ đây nhìn lại tuổi đã cao, đầu đã bạc, nhưng lại chưa có một đội ngũ kế thừa vững vàng. Sự thiếu hụt trầm trọng của nghệ sĩ vừa có tài vừa có tâm cũng do chính chúng ta nhiều năm qua thiếu chủ trương, thiếu định hướng đề đầu tư, thiếu sự chăm chút cho công tác đào tạo nghệ thuật. Từ khi sân khấu bước vào cơ chế thị trường, chúng ta có gì dùng nấy, có sao làm vậy… cứ thế, tự chống chỏi cho đến khi nguồn nhân lực đã cạn.
Một NSƯT trăn trở, ngày nay chúng ta đang phú quý giật lùi. Từ những năm 1959, nhà nước đã nhận thấy tầm quan trọng của văn hóa nghệ thuật và sớm có những chủ trương chính sách cho công tác đào tạo tài năng nghệ thuật. Ngày ấy, để tìm kiếm các tài năng nghệ thuật, các trường phải cử người lặn lội đi đến tận vùng sâu, vùng xa để tuyển sinh. Và khi đã được tuyển chọn vào trường, tiêu chuẩn của các “hạt giống” nghệ thuật ngày ấy là: 22kg gạo/tháng, bằng tiêu chuẩn của một công nhân và được hưởng lương 32 đồng/tháng, bằng 1/2 lương của một chuyên viên. Khoảng 6 - 7 tuổi, các em đã được học văn hóa, khổ luyện nghệ thuật, được học làm người, rồi sau đó được cử đi tu nghiệp ở nước ngoài…
Còn ở bộ môn nghệ thuật truyền thống của dân tộc, cũng không thiếu các “lò” đào tạo tài năng theo phương thức truyền nghề của các nghệ nhân. Khoảng 5 - 7 tuổi, các em được chọn để học việc, học nghề, học ca, học múa, học làm người… 15 tuổi được học diễn, rồi được chăm chút trở thành những tài danh…
Với những phương thức đào tạo ấy, các tài năng thuở ấy đã trở thành một thế hệ nghệ sĩ vàng, có nhiều đóng góp vào sự nghiệp văn hóa nghệ thuật của cả nước. Một nghệ sĩ lão thành cũng chia sẻ thêm: Chúng ta đừng ngạc nhiên khi gần đây ở nhiều nước trong khu vực nổi bật lên những cá nhân đạt thành tích cao trong các lĩnh vực văn hóa, thể thao quốc tế. Tất cả đều theo một quy luật: Đầu tư cho các mầm non nghệ thuật từ khi họ còn rất nhỏ cả về tài năng và nhân cách. Vậy mà, từ hàng chục năm nay, về chủ trương chính sách, chúng ta lại bỏ quên chiến lược đầu tư một cách căn cơ cho đào tạo nguồn nhân lực trong lĩnh vực văn hóa nghệ thuật. Không ít nghệ sĩ giờ đây lại thầm mong ước: bao giờ cho đến… ngày xưa!
VIỆT HÀ