Nhân vật trong ngày: Park Taehwan vùng lên!

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong ngày thi đấu 14-11 chính là… sự vùng lên mãnh liệt của kình ngư 21 tuổi lừng danh Park Taehwan - vốn được giới “giang hồ” mệnh danh là “Michael Phelps của châu Á” hay được các đồng hương ưu ái gọi là “hoàng tử biển”.
Nhân vật trong ngày: Park Taehwan vùng lên!

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trong ngày thi đấu 14-11 chính là… sự vùng lên mãnh liệt của kình ngư 21 tuổi lừng danh Park Taehwan - vốn được giới “giang hồ” mệnh danh là “Michael Phelps của châu Á” hay được các đồng hương ưu ái gọi là “hoàng tử biển”.

Park giành chiến thắng ở cự ly 200 mét tự do cá nhân nam. Chiếc HCV của Taehwan chính là chiếc HCV đầu tiên của bơi lội Hàn Quốc ở Asian Games 2010. Điều đó cũng có nghĩa là lần đầu tiên, một chiếc HCV đã “lọt sổ” khỏi cuộc đối đầu giữa Trung Quốc và Nhật Bản.

Các kỷ lục trong ngày 14-11

°Bơi lội: Park Taehwan (Hàn Quốc) đạt thành tích 1:44.85 ở cự ly 200 mét tự do cá nhân nam; Zhao Jing (Trung Quốc) đạt thành tích 2:06:46 ở cự ly 200 mét ngửa cá nhân nữ - tất cả đều phá kỷ lục châu Á.

°Đua xe đạp: Jang Sunjae (Hàn Quốc) đạt thành tích 4:26.089 ở nội dung đuổi bắt cá nhân nam; Jiang Fan (Trung Quốc) đạt thành tích 3:37.105 ở thành tích đuổi bắt cá nhân nữ - tất cả đều phá kỷ lục châu Á.

°Cử tạ: Li Ping (Trung Quốc) nâng được mức tạ 103 kg - phá kỷ lục thế giới về cử đẩy (kỷ lục cũ thuộc về Ri Song Hui của CHDCND Triều Tiên: 102 kg, lập được hồi năm 2002).

H.D

Trước khi đến với giải đấu, Taehwan được giới chuyên môn đánh giá là có khả năng thắng được 3 HCV và giành giải thưởng MVP - dành cho “VĐV xuất sắc nhất giải”.

Ngoài cự ly 200 mét tự do, Taehwan còn có nhiều cơ hội giành chiến thắng ở các cự ly sở trường khác là 400 mét tự do và 1.500 mét tự do - những cự ly từng làm nên tên tuổi của anh.

Nhà ĐKVĐ Asians Games và Olympic này (đoạt 3 HCV ở Doha 2006 và 1 HCV ở Bắc Kinh 2008) đã nhập cuộc rất tự tin với những cú quạt tay mạnh mẽ. Khi anh về đến đích, đám đông khán giả hiện diện ở Trung tâm thể thao dưới nước Aoti đã ồ lên đầy phấn khích khi biết rằng chẳng những Taehwan giành được HCV mà anh còn phá được kỷ lục châu Á với thành tích 1 phút 44 giây 85 phần trăm.

Thành tích này nhanh hơn 0,05 giây so với kỷ lục cũ cũng do chính anh lập ở Doha 2006. Sự vùng lên của Taehwan chính là lời đáp trả xứng đáng cho sự bành trướng của bơi lội Trung Quốc và sự lỳ lợm của bơi lội Nhật Bản trong suốt 2 ngày thi đấu vừa qua…

Màn trình diễn của Taehwan cũng khiến cho những người từng đánh bại anh ở giải VĐTG bơi lội diễn ra tại Rome vào hồi tháng 7, tháng 8 năm 2009 phải thẩm định lại về tất cả những đánh giá của mình.

Ở giải VĐTG 2009, Taehwan đã thi đấu rất tệ hại - anh bị loại khỏi vòng chung kết ở 2 cự ly 200 mét tự do (xếp thứ 12 chung cuộc) và 400 mét tự do (xếp thứ 13 chung cuộc), còn ở cự ly 1.500 mét tự do, anh chỉ xếp thứ 9 chung cuộc. Theo 1 số dư luận ở vào thời điểm đó, thất bại bất ngờ của Taehwan có thể là do anh mặc bộ đồ bơi kiểu mới LZR Racer của… Speedo (?).

Kình ngư Park Taehwan.

Kình ngư Park Taehwan.

Chính Taehwan cũng buộc phải lên tiếng thừa nhận, vì thành tích tồi trong thời gian qua (cả ở giải VĐTG lẫn ở vòng loại), anh đã lo lắng trước khi bước vào vòng đua chung kết: “Tôi đã không có thành tích tốt trong vòng loại (chỉ là 1:49.15 - PV). Vì thế, tôi đã sợ bị tuột lại ở phía sau trong vòng chung kết. Tôi thậm chí còn không dám nghĩ là mình có thể phá được kỷ lục châu Á. Hy vọng với chiến thắng hôm nay, tôi có thể tự tin tìm kiếm thành công ở cự ly 400 mét tự do…”.

HOÀNG DƯƠNG

Những thành tích đáng chú ý của Park Taehwan

° Pan Pacific Victoria 2006: 2 HCV (400 mét tự do và 1.500 mét tự do), 1 HCB (200 mét tự do).
° Asian Games Doha 2006: 3 HCV (200 mét tự do, 400 mét tự do và 1.500 mét tự do), 3 HCĐ (các cự ly đồng đội) và 2 kỷ lục châu Á.
° VĐTG Melbourne 2007: 1 HCV (400 mét tự do), 1 HCĐ (200 mét tự do).
° Olympic Bắc Kinh 2008: 1 HCV (400 mét tự do), 1 HCB (200 mét tự do).
° Là “1 trong 4 kỳ nhân độc nhất thế giới” bơi dưới 1:45 ở cự ly 200 mét tự do (những người còn lại là các tên tuổi lừng danh như Michael Phelps của Mỹ, Ian Thorpe của Australia và Pieter van den Hoogenband của Hà Lan).

H.D

Tin cùng chuyên mục