(SGGPO).- Sáng nay, 13-6, Quốc hội bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn đối với các thành viên Chính phủ. Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng điều hành phiên họp.
Sau khi Trưởng Ban Dân nguyện Nguyễn Đức Hiền trình bày Báo cáo giám sát việc giải quyết kiến nghị của cử tri gửi tới kỳ họp thứ 2 của Quốc hội khóa XIII, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Nguyễn Minh Quang đăng đàn trả lời chất vấn.
Báo cáo với Quốc hội, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, tại kỳ họp này ông nhận được 12 chất vấn, đa số tập trung vào các lĩnh vực đất đai, tài nguyên nước, biến đổi khí hậu.
Đại biểu Nguyễn Anh Sơn (Nam Định) đặt câu hỏi trực tiếp với Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang: “Năm 2013 là hết thời hạn giao đất nông nghiệp theo Luật Đất đai 2003, sắp tới sẽ giải quyết như thế nào để tránh gây xáo trộn, bất ổn xã hội”?
Cũng liên quan đến đất nông nghiệp, đại biểu Nguyễn Minh Lâm (Long An) muốn biết Bộ đã tham mưu cho Chính phủ như thế nào về đổi mới chính sách pháp luật đất đai; tạo điều kiện cho việc tích tụ đất đai để phát triển sản xuất nông nghiệp hiện đại. Nêu thực tế có tới 70% khiếu nại tố cáo liên quan đến đất đai, đại biểu Nguyễn Thị Kim Bé (Kiên Giang) hỏi về vai trò của Bộ trong việc trực tiếp giải quyết và tham mưu cho Chính phủ giải tỏa những điểm nóng này. “Những khiếu kiện liên quan đến đất đai còn tồn đọng tới mấy trăm đơn thư, bao giờ giải quyết dứt điểm?”, bà Bé bức xúc.
Trong khi đó, đại biểu Võ Kim Cự (Hà Tĩnh) nhắc lại lời hứa của Bộ trưởng Tài nguyên và Môi trường tiền nhiệm – ông Phạm Khôi Nguyên - về việc phấn đấu 2010 cơ bản xong việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. “Đến nay tỷ lệ đạt thấp. Đây là việc rất quan trọng, tác động lớn đến tình hình kinh tế, an sinh xã hội. Bộ trưởng có giải pháp gì để cải thiện tình hình?”, đại biểu nêu vấn đề.
Một số đại biểu khác yêu cầu làm rõ kết quả giải quyết các vụ việc “nóng” thời gian qua như tại Tiên Lãng (Hải Phòng), Văn Giang (Hưng Yên), Cần Thơ…
Trả lời các đại biểu, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang công nhận nhiều bất cập còn tồn tại trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Bên cạnh những khoảng trống, những bất hợp lý về chính sách giá đất, ràng buộc trách nhiệm của chủ đầu tư trong xây dựng khu tái định cư, hỗ trợ đào tạo nghề, Bộ trưởng cho rằng, ở nhiều nơi, việc thu hồi đất chưa đảm bảo dân chủ, công khai, bình đẳng; chưa hài hòa lợi ích giữa 3 bên: Nhà nước, người sử dụng đất và người có đất bị thu hồi; trình độ cán bộ làm công tác thu hồi đất còn yếu kém.
“Cơ quan chức năng cần giám sát việc thỏa thuận giữa các chủ đầu tư dự án với người dân để điều tiết lợi ích các bên”, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang nói. Theo ông, tới đây, nên quy định theo hướng Nhà nước thu hồi, tạo quỹ đất sạch, tổ chức đấu giá quyền sử dụng.
Về thời hạn sử dụng đất nông nghiệp, kiến nghị kéo dài thời hạn sử dụng đất, lên tới khoảng 50 năm. Hạn mức chuyển quyền sử dụng đất nông nghiệp hiện là 6 ha, có thể sẽ được nâng lên 5-10 lần, nhưng cùng với đó phải có các chính sách thuế chặt chẽ đi kèm để ngăn chặn tình trạng đầu cơ đất đai.
“Tiếp sức” cho Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang, Tổng Thanh tra Chính phủ Huỳnh Phong Tranh cho biết, công tác xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo liên quan đến đất đai đang được xúc tiến tích cực, từ nay đến cuối năm sẽ giải quyết căn bản số đơn thư tồn đọng. Tất nhiên, sẽ không thể giải quyết tuyệt đối như mong muốn vì lĩnh vực này luôn có những vụ việc mới phát sinh, cũng hết sức tạp, ông Huỳnh Phong Tranh nói thêm.
Liên quan đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang cho biết, hiện tỷ lệ cấp giấy đối với đất nông, lâm nghiệp và đất ở nông thôn đạt tỷ lệ khá cao (trên 85%). Có hai loại đạt thấp là đất ở đô thị (63%) và đất chuyên dùng (khoảng 60%) đúng là phải tập trung giải quyết. Đây là những trường hợp có nguồn gốc phức tạp, không đủ giấy tờ, có vi phạm trong quá trình sử dụng hoặc phải chờ quy hoạch. Thêm vào đó, hệ thống văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất rất thiếu nhân lực. Đặc biệt, kinh phí đo đạc bàn đồ địa chính rất thiếu, ước cần tới khoảng 30.000 tỷ đồng, nhưng nay tất cả các nguồn cộng lại chỉ 1.000 tỷ đồng/ năm.
Trước chất vấn về thời hạn cụ thể hoàn thành công việc này, Bộ trưởng có phần phân vân: “Sẽ chỉ có thể giải quyết cơ bản, vì thực tế luôn phát sinh những trường hợp cấp mới, cấp đổi, sang tên chuyển chủ… Với điều kiện có kinh phí, cùng với nỗ lực của tất cả các cấp ngành thì khoảng năm 2015 có thể xong”.
Công nhận rằng nguồn lực tài chính cho công việc này chưa đáp ứng được yêu cầu, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho biết, kể từ năm 2008, chính quyền cấp tỉnh được sử dụng tối thiểu 10% nguồn thu từ đất hỗ trợ cho công tác này. “Với địa phương thực sự khó khăn thì sẽ dành một phần tăng thu cho công tác này”, Bộ trưởng Bộ Tài chính nêu giải pháp.
Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng sau đó đã nhắc lại thời hạn cho công việc này theo Nghị quyết của Quốc hội và yêu cầu năm 2013 cơ bản phải hoàn thành việc “phủ” Giấy chứng nhận.
Về tình trạng các Khu công nghiệp có diện tích lấp đầy thấp, bỏ đất hoang hóa rất lãng phí, Bộ trưởng Quang cho biết, việc xây dựng các khu công nghiệp phải thực hiện theo quy hoạch phát triển Khu công nghiệp. Cũng cần lưu ý rằng để thực sự “lấp đầy” một Khu công nghiệp thì cần có thời gian và bối cảnh thu hút đầu tư hiện nay là không thuận lợi, song trong phạm vi chức trách của mình, Bộ Tài nguyên và Môi trường sẽ tham mưu cho Chính phủ và các địa phương hạn chế mở rộng, cấp thêm các Khu công nghiệp khi chưa sử dụng hết phần diện tích đã cấp; đôn đốc việc thu hồi đất chưa triển khai dự án; kể cả với các nhà đầu tư đã tiến hành xây dựng một số công trình trên đất nhưng chưa hoàn thành, đưa vào sử dụng…
Nhiều vấn đề khác liên quan đến tình trạng ô nhiễm lưu vực sông, ô nhiễm tại các làng nghề và sử dụng tài nguyên nước để làm thủy điện một cách không hợp lý đã được các vị đại biểu Quốc hội yêu cầu Bộ trưởng Nguyễn Minh Quang giải trình, làm rõ.
Gút lại phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng cho biết, đã có tới 20 đại biểu chất vấn tại hội trường và 17 đại biểu khác đã đăng ký nhưng chưa có cơ hội chất vấn trực tiếp. Điều này chứng tỏ các vấn đề trong lĩnh vực tài nguyên môi trường thu hút sự quan tâm đặc biệt của đại biểu Quốc hội.
Chủ tịch Quốc hội ghi nhận những “trả lời có tính chất lời hứa” của Bộ trưởng trước Quốc hội về khắc phục bất cập trong quản lý đất đai, tiến độ cấp Giấy chứng nhận quyền sử đất, hoàn thiện khung pháp luật về đất đai. “Một trong những nhiệm vụ rất quan trọng là Bộ Tài nguyên và Môi trường cùng Thanh tra Chính phủ và các cơ quan hữu quan phải phối hợp giải quyết khiếu nại tố cáo, đặc biệt là những vụ việc tồn đọng phải cơ bản xử lý xong trong năm nay, làm rõ trắng đen để ổn định xã hội”, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng nhắc nhở.
| |
ANH PHƯƠNG