Những ngày đầu xuân mới Ất Mùi, thông tin về thị trường hàng hóa phục vụ tết bị dội chợ, nhất là các mặt hàng hoa kiểng, dưa hấu, trái cây không bán được, bị đập bỏ khiến nhà nông mủi lòng. Qua khảo sát ở các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ tết, phần lớn bà con nông dân vẫn tiêu thụ khá sản phẩm, thu được lợi nhuận, chỉ một bộ phận bà con sản xuất theo thói quen, ít thông tin thị trường nên bị rủi ro. Thêm nữa, hệ thống thương lái (những người mua đi bán lại) ôm hàng từ sớm, đến giờ cuối không tiêu thụ được nên bực mình đập bỏ.
Nhiều năm trở lại đây, sản xuất hàng hóa phục vụ tết được xem là mùa làm ăn lớn nhưng cũng hên xui do nông dân thiếu thông tin thị trường, hoặc sản xuất theo thói quen, ít đa dạng khiến cung vượt cầu. Tết là dịp làm ăn nên “đến hẹn lại lên”. Còn trồng hoa gì, trái gì sẽ được giá, hút hàng; xuống giống bao nhiêu diện tích để sản phẩm không dội chợ là vấn đề bà con nông dân hầu như mù mờ.
Thực tế kinh doanh mùa tết những năm trước cho thấy, có năm sản phẩm của nông dân tiêu thụ mạnh, được giá; song cũng có năm dội chợ, ngày 30 Tết phải bán đổ bán tháo, kiểng chở về, còn hoa đành bỏ! Theo một số nhà vườn, tuy năm nào thương lái cũng đặt hàng, nhưng nếu diễn biến thị trường tiêu thụ không thuận lợi có người sẵn sàng bỏ tiền đặt cọc, không nhận hàng. Dù vậy, bà con vẫn phải thuê phương tiện chở đi các địa phương trong vùng, TPHCM để tiêu thụ, dù chẳng biết có bán được hàng hóa hay không.
Theo những nhà vườn nhiều kinh nghiệm, năm nay lượng hoa cúc, vạn thọ, mào gà, mai vàng, tắc (quất) được trồng khá nhiều ở các địa phương, thậm chí ở Đà Lạt, nên cận tết, khắp các chợ hoa nội ô ở Cần Thơ, TPHCM, Bến Tre, Vĩnh Long… ngập tràn các loại hoa kiểng này, trong khi nhu cầu của thị trường đã khác. Nếu như ở nông thôn, ai cũng muốn chưng 1 - 2 cặp hoa vạn thọ trước sân nhà thì ở đô thị, nhu cầu về các loại hoa kiểng giờ đây cũng rất khó định hướng. Năm nay là thời của các loài hoa kiểng mới, lạ như hoa lan, ly ly, đỗ quyên, cúc zinnia (cúc may mắn)… Do vậy, hoa truyền thống sẽ rất khó tiêu thụ nếu không đẹp, chất lượng không nổi trội.
Nhanh nhạy với thị trường, năm nay, một số nhà vườn ở phường Tân Quy Đông (TP Sa Đéc, Đồng Tháp) đã nghiên cứu, tìm tòi trồng những loại hoa kiểng ít “đụng hàng” như ly ly, cúc zinnia và đã thu được lợi nhuận cao.
Khó khăn kế đến của nông dân và thương lái là thời gian tiêu thụ tết quá ngắn, chỉ từ giữa đến cuối tháng Chạp hàng năm, thậm chí có khi từ sáng đến tối 30 Tết nên hầu như hàng hóa không bán được là phải “ôm sô”, khó có cơ hội phục hồi, nhất là các loại hoa. Từ sự thất bại của thị trường tết những năm trước, nhiều chuyên gia, lãnh đạo các hợp tác xã đã kiến nghị chính quyền các đô thị cần quy hoạch khu vực mở chợ hoa, giá cả mặt bằng phải chăng, niêm yết giá đầy đủ để người mua, người bán đều thuận tiện, tránh tâm lý nâng giá lúc đắt hàng và xổ giá lúc dội chợ để nông dân, thương lái có điều kiện tiêu thụ sản phẩm, người mua cũng có cơ hội mua hoa đúng giá, đúng hàng.
Từ thực tế thị trường hàng hóa phục vụ tết vừa qua, có thể thấy cái khó nhất đối với nông dân không phải là kỹ thuật, vốn mà chính là thông tin thị trường. Một số chuyên gia cho rằng để giải cứu nhà nông mùa tết trong bối cảnh thiếu thông tin thị trường hiện nay, nhà nông ở các làng nghề cần liên kết trao đổi thông tin và điều tiết sản lượng nông sản để tránh cảnh dội chợ; ngành nông nghiệp, các HTX cần tổ chức tập huấn kỹ thuật hoặc tổ chức cho nông dân có cơ hội tiếp xúc với doanh nghiệp tìm đầu ra, định hướng xu thế tiêu dùng, khuyến cáo nông dân sản xuất hợp lý, tránh tình trạng sản xuất theo phong trào để rồi phải gánh chịu rủi ro khi năm hết, tết đến. Điều này không quá khó nếu ngành nông nghiệp và chính quyền địa phương, nhà vườn đều quyết tâm thực hiện.
TRẦN MINH TRƯỜNG