Nháp

Trạng thái tinh thần lưỡng lự trong công việc của nhân loại ngày trước chỉ  dùng khi thi cử, viết lách, sáng tác nghệ thuật. Bây giờ được dùng cho tất  cả những bước khởi đầu của một quyết định.

Trạng thái tinh thần lưỡng lự trong công việc của nhân loại ngày trước chỉ  dùng khi thi cử, viết lách, sáng tác nghệ thuật. Bây giờ được dùng cho tất  cả những bước khởi đầu của một quyết định.

Trước khi đi dự tiệc đám cưới khá nhiều người phải ăn “nháp” ở nhà chút gì đó cho ấm bụng. Đến bàn tiệc rồi có thể hỉ hả nói chuyện bao la. Cỗ bàn tiệc cưới luôn là chỗ phải ngồi với nhiều người lạ. Ăn uống tận tình có vài phần bất tiện dù rằng khách khứa luôn nhận được lời mời “Các bác cứ tự nhiên như ở nhà”. Tốt nhất nên để người ta nhìn vào thấy rõ tác phong ẩm thực thanh tao không màng chuyện ăn uống. Đi nhậu với lũ bạn tửu lượng trung bình yếu cũng nên uống trước vài ly rượu quen ở nhà. Ra đấy lỡ gặp thứ rượu kém cũng không lấy làm thất vọng. Uống thêm chút nữa là đủ say cả bạn lẫn mình.

Thời con gái Hà Nội mới mặc váy ra đường đã có không ít “tai nạn” xảy ra cũng chỉ vì quên mặc “nháp” trước ở nhà để làm chủ những động tác chiếc váy đòi hỏi. Thế nên váy ngắn thường xuyên “lộ hàng” và váy dài bị quấn vào bánh xe máy. Giờ thì chị em quen rồi nhưng mỗi khi mặc chiếc váy mới ra đường cũng “nháp” thử trước gương hàng tiếng đồng hồ. Để chọn màu áo, màu khăn, màu giày. Nhưng chiếc mũ bảo hiểm thường không được thử. Và có thử thì cũng khó lòng thay đổi. Hiếm người có đến hai chiếc mũ bảo hiểm ở nhà để mà chọn màu. Đành chịu.

Vẫn có nhiều việc chỉ nháp thôi cũng đủ sợ đến già. Lái ô tô lần đầu gặp tai nạn chẳng hạn. Uống thuốc theo đơn “rỉ tai” của bạn bè chẳng hạn. Vô tình lạc vào hàng phở nước phích hay hàng cà phê bắp rang thì đó là lần đầu tiên và cũng là cuối cùng. Đi thẩm mỹ  viện chui cũng thế. Vài hãng sản xuất hàng tiêu dùng còn cho người mua mang sản phẩm về dùng thử. Nếu không ưng ý có thể đổi cái khác. Nhưng đó chỉ là quảng cáo mà thôi. Cái khác nào cùng loại mà chẳng có những lỗi như vậy. Đó là lỗi của hệ thống dây chuyền sản xuất. Nhưng sinh viên rủ nhau sống “nháp” như vợ chồng hóa ra có được bài học lớn nhất không phải ở trên giảng đường. Cả phổ thông và đại học không bao giờ có môn học lứa đôi. Thành công thì nên vợ nên chồng dài lâu hạnh phúc. Thất bại đã có bà ngoại.

Nhiều sinh viên ra trường có thời gian thử việc khá dài. Chuyển hết việc này sang việc khác để thử thách tay nghề học vấn và tìm ông chủ cho mình. Nhưng cũng vẫn có nhiều kỹ sư, cử nhân quay sang nghề đưa cơm hộp, bình ga cho dân phố. Ngành học của họ chưa dùng đến cả ở nông thôn lẫn thành thị. Số này ngày càng nhiều. Đó là bởi họ không được “nháp” trước khi có quyết định theo học ngành gì. Giờ lao động chân tay chính là bản nháp cho một công việc khác. Chẳng oan tí nào.

Tuổi thọ của người Việt ngày càng được nâng cao. Thế nhưng thời gian sống dành cho việc “nháp” cũng tăng lên đáng kể. Ngày trước đã cầm sổ gạo ra cửa hàng lương thực là phải cặm cụi xếp hàng mua cho bằng hết tiêu chuẩn. Bây giờ hàng gạo mang đến tận nhà cũng ít ai mua một lúc quá mười cân. Phải ăn thử xem có nên mua tiếp không đã. Trước ra bến xe xếp hàng kiệt sức mua được cái vé mà không biết mình sẽ bị nhồi lên chuyến xe nào. Vẫn vui. Giờ đứng ven đường gọi taxi cũng chọn hãng quen mới vẫy vào nếu như không muốn gặp taxi “dù” chỉnh đồng hồ tính tiền. Trước học hành khuya sớm mong thi được vào một trường đại học hoặc hơn nữa đủ điểm đi nước ngoài. Giờ có thể chẳng cần thi cử. Chỉ cần chọn trường nước ngoài đóng tiền du học. Sang nước ngoài học “nháp” vài năm nếu thấy không hợp khả năng thì đóng tiền học trường khác, nước khác. Người có tiền luôn có quyền tiêu “nháp” như thế.

Chẳng biết Xuân Diệu khi sáng tác bài thơ “Giục giã” thì có viết nháp không? “Thà một phút huy hoàng rồi vụt tắt/ Còn hơn buồn le lói suốt trăm năm” hình như mới chỉ là dự kiến hào hùng cho việc sống “nháp”? Thành công lớn nhất của ông và những thi sĩ cùng thời vẫn chỉ là nỗi “buồn le lói” mà thôi.

ĐỖ PHẤN
2-2014

Tin cùng chuyên mục