Năm 2003, TPHCM nhập khẩu 6 chiếc xe quét rác chuyên dụng với tổng chi phí gần 10 tỷ đồng. Tuy nhiên, sau gần 7 năm hoạt động, chức năng quét rác của những chiếc xe này bị vô hiệu hóa, thay vào đó, các cơ quan chức năng chủ yếu sử dụng để hút bụi đường.
- Không phù hợp thực tế
Ông Hà Đào Viện, Phó giám đốc Xí nghiệp Dịch vụ môi trường đô thị, Công ty Dịch vụ công ích quận 3, cho biết, công ty được Công ty Môi trường đô thị chuyển giao một chiếc xe quét rác. Tuy nhiên, từ đó cho đến nay chiếc xe chỉ được dùng hút bụi. Việc vệ sinh đường phố vẫn phải do công nhân vệ sinh thực hiện. Nhân viên vệ sinh quét gom, hốt rác và một phần lớn cát bụi trên đường trước. Phần còn lại của cát và bụi ở dọc lề đường thì sử dụng xe để hút tăng cường.
Bà Nguyễn Thanh Hồng, Giám đốc Công ty Dịch vụ công ích quận 1, cho biết thêm, loại xe quét rác này chỉ phù hợp ở nước ngoài. Rác đường phố của họ thường chỉ gồm lá cây và bụi. Còn thực tế rác tại thành phố rất hỗn tạp như lá cây, bao ni lông, lon, thủy tinh, gỗ… nên nếu sử dụng chức năng quét hút thì máy thường xuyên bị nghẹt, không hoạt động được. Xe còn được thiết kế để quét cho hệ thống vỉa hè nhưng vỉa hè nước ta không đồng nhất lại thường xuyên bị người dân lấn chiếm buôn bán nên cũng không sử dụng được công năng này. Hiện công ty chỉ sử dụng xe kết hợp với quét rác thủ công. Tức là công nhân sẽ quét gom rác trước, xe chỉ làm nhiệm vụ hút bụi và cát sát lề đường để làm tăng thêm chất lượng công tác vệ sinh môi trường.
Tình trạng tương tự cũng lặp lại đối với chiếc xe của quận Tân Bình và 3 chiếc xe còn lại của Công ty Môi trường đô thị. Chúng đều được dùng để hút bụi chứ không thể dùng vào mục đích quét rác. Việc tăng cường cơ giới hóa cho công tác vệ sinh là cần thiết, tăng chất lượng công tác vệ sinh như bụi, cát trên đường sạch hơn. Tuy nhiên, do vừa phải sử dụng xe mà không thể giảm được nhân công lao động thủ công nên đã làm tăng chi phí cho công tác vệ sinh đường phố.
- Thiếu kinh phí, xe hoạt động cầm chừng
Ông Hà Đào Viện cho biết, do kinh phí chi trả thêm cho hoạt động của xe quá lớn (khoảng 1,5 tỷ đồng/năm) trong khi nhân công vệ sinh không thể cắt giảm, nên xe chỉ được sử dụng hút bụi tăng cường tại một số tuyến đường chính như như Võ Thị Sáu, Điện Biên Phủ, Nguyễn Thị Minh Khai, Cách Mạng Tháng Tám, Nguyễn Đình Chiểu… Đến năm 2010, kinh phí duy trì hoạt động xe tăng cao trong khi ngân sách quận chỉ duyệt cấp cho công ty hơn 1,2 tỷ đồng. Vì thế nên từ tháng 1 đến tháng 7, công ty duy trì quét hút 6 ngày/tuần. Còn từ tháng 8 đến cuối năm chỉ duy trì hút bụi 2 lần/tuần.
Bà Nguyễn Thanh Hồng cho biết thêm, mỗi năm để đảm bảo hoạt động của xe này, quận phải đảm bảo chi trả cho công ty vài trăm triệu đồng.
Ông Huỳnh Minh Nhựt, Giám đốc Công ty Môi trường đô thị TPHCM, cho biết, hiện công ty còn 3 xe quét rác đang hoạt động. Thế nhưng việc duy trì kinh phí hoạt động do các xe này rất khó khăn. Công ty phải cân đối một phần kinh phí từ hoạt động xử lý rác để bù vào chi phí hoạt động của 3 xe này
HOÀNG SƠN