Nhật Bản muốn tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Người dân Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt điện sử dụng vào mùa hè sắp tới, khi hầu hết nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động. Trước nhu cầu cấp bách này, Chính phủ Nhật Bản phải cân nhắc liệu có nên tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ohi thuộc tỉnh Fukui, miền Tây Nhật Bản hay không.
Nhật Bản muốn tái khởi động nhà máy điện hạt nhân

Người dân Nhật Bản đang đứng trước nguy cơ thiếu hụt điện sử dụng vào mùa hè sắp tới, khi hầu hết nhà máy điện hạt nhân ngừng hoạt động. Trước nhu cầu cấp bách này, Chính phủ Nhật Bản phải cân nhắc liệu có nên tái khởi động nhà máy điện hạt nhân Ohi thuộc tỉnh Fukui, miền Tây Nhật Bản hay không.

  • Cạn nguồn điện

Tờ Yomiuri của Nhật Bản ngày 5-4 cho biết, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Yukio Edano sẽ đến tỉnh Fukui, miền Tây Nhật Bản, nơi có nhà máy điện hạt nhận Ohi thuộc Tập đoàn điện lực Kansai, lớn thứ hai Nhật Bản để hỏi ý kiến địa phương về việc tái khởi động hai lò phản ứng hạt nhân số 3 và 4. Ngoài ra, theo ông Yukio Edano, để thực hiện kế hoạch trên, Bộ Thương mại còn phải hỏi ý kiến của tỉnh trưởng ở Kyoto và Shiga, hai tỉnh liền kề với Fukui. Bên cạnh đó, để được tái khởi động, các lò phản ứng trên phải đáp ứng tiêu chuẩn của các cuộc thử nghiệm dưới sự giám sát của Chính phủ Nhật Bản. Hiện Ủy ban An toàn hạt nhân Nhật Bản đang tiến hành kiểm tra mức độ an toàn tại các nhà máy điện hạt nhân. Trong đó, các lò phản ứng tại nhà máy Ohi được đánh giá tích cực.

Nhà máy điện hạt nhân Ohi.

Nhà máy điện hạt nhân Ohi.

Sau sự cố tại Nhà máy điện hạt nhân Fukushima, Nhật Bản từng tuyên bố sẽ giảm phụ thuộc vào năng lượng hạt nhân, thay vào đó sẽ phải nhập khẩu dầu mỏ, khí hóa lỏng nhiều hơn. Tuy nhiên, hiện mục tiêu này vẫn chưa thể thực hiện được như mong muốn. Theo First Post, Bộ trưởng Thương mại Nhật Bản Edano mới đây cho biết, vào mùa hè năm nay, nếu không có lò phản ứng nào hoạt động trở lại, Nhật Bản sẽ phải đối mặt với nguy cơ thiếu 10% lượng điện trong những giờ cao điểm. Hiện 54 trong số 55 lò phản ứng hạt nhân của Nhật Bản đã đóng cửa, chủ yếu để bảo trì. Lò phản ứng duy nhất còn lại nằm trên đảo Hokkaido cũng sẽ ngừng hoạt động vào ngày 5-5 tới để bảo dưỡng.

Theo Japan Times, ngày 3-4 Thủ tướng Noda đã chỉ thị một bộ trưởng có liên quan đến vấn đề hạt nhân soạn thảo các tiêu chuẩn mới về an toàn hạt nhân, đúc kết kinh nghiệm từ sự cố rò rỉ phóng xạ của nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 trong thảm họa sóng thần năm ngoái. Đây được xem là điều kiện đầu tiên mà các lò phản ứng hạt nhân ở Nhật Bản phải đạt được nếu muốn hoạt động trở lại. Cuối tuần này, Thủ tướng Noda sẽ cùng các bộ trưởng liên quan thảo luận về những tiêu chuẩn trên.

  • Người dân nói “không” vì độ rủi ro cao

Sau thảm họa năm ngoái, phần lớn người dân Nhật Bản lo ngại về độ an toàn của các lò phản ứng hạt nhân. Tháng trước, nhật báo Tokyo Shimbun đã công bố khảo sát của Viện Nghiên cứu ý kiến cộng đồng về vấn đề phát triển điển hạt nhân Nhật Bản cho thấy, 79,6% người nói họ muốn xóa bỏ vĩnh viễn các nhà máy điện hạt nhân trong tương lai. Theo Chính phủ Nhật Bản, tình hình tại nhà máy điện hạt nhân Fukushima 1 đã bình ổn nhưng đến 92% người Nhật vẫn lo ngại về cơ sở này. Một thăm dò khác do báo Asahi thực hiện cũng chỉ ra, đa số người dân Nhật Bản phản đối việc tái khởi động các nhà máy điện hạt nhân.

AFP dẫn nguồn tin từ ban lãnh đạo nhà máy điện hạt nhân Fukushima cho biết, khoảng 12 tấn nước nhiễm phóng xạ sau sự cố ở nhà máy trên đã chảy ra Thái Bình Dương. Theo Tập đoàn điện lực Tokyo (TEPCO), kết luận trên rút ra sau khi phát hiện hiện tượng rò rỉ được phát hiện từ một ống gắn liền với hệ thống khử độc tạm thời. Lượng nước này trước khi bị rò rỉ đã trải qua quá trình làm mát cho các lò phản ứng. Đây là vụ rò rỉ nước nhiễm xạ mới nhất được ghi nhận. Một vụ rò rỉ tương tự cũng đã xảy ra ngày 26-3. TEPCO dự định hàn các điểm nối ống để ngăn chặn hiện tượng rò rỉ. Việc chính phủ còn lúng túng trong khắc phục sự cố rò rỉ cũng là nguyên nhân chính khiến người dân Nhật Bản thiếu niềm tin vào điện hạt nhân. 

NHƯ QUỲNH (Tổng hợp)

Tin cùng chuyên mục